Bức tranh kinh tế từ đầu năm 2022 đến nay của Lâm Đồng được đánh giá “phục hồi và phát triển” so với cùng kỳ, với mức tăng trưởng 9,29% - mức tăng nửa đầu năm kế hoạch cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đáng ghi nhận, khu vực thương mại, dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất 12,34% và chiếm tỷ trọng 49,86% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Người dân đến mua sắm tại Siêu thị GO! (Đà Lạt). Ảnh: H.Yên
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại hơn một năm qua đã ảnh hưởng sâu rộng đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội; trong đó thương mại, dịch vụ bị tác động lớn nhất trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Và phải tới những tháng gần đây, sau khi thực hiện chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về việc “đẩy mạnh phát triển kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, các hoạt động kinh tế của Lâm Đồng được mở cửa trở lại, đi vào hoạt động bình thường, nhanh chóng phục hồi, phát triển.
Tham chiếu từ báo cáo của Sở Y tế Lâm Đồng, tính đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi toàn tỉnh. Từ đầu tháng 3/2022 đến nay, số ca mắc COVID-19 có xu hướng giảm mạnh, từ hơn 3.000 ca xuống còn trung bình khoảng dưới 10 ca mắc trong ngày. Chính vì vậy, trong vòng mấy tháng trở lại đây, hoạt động thương mai, dịch vụ được phục hồi mãnh mẽ, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách tăng mạnh, khách tới tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt, Lâm Đồng tăng cao.
Theo báo cáo mới nhất của ngành chức năng, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như chất lượng dịch vụ phục vụ. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh còn tăng cường tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch để đón lượng khách tăng cao trong dịp hè, nhất là thời điểm tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX diễn ra vào cuối năm nay. Số liệu được Cục Thống kê công bố cho thấy, tính đến hết tháng 6, tổng số lượt khách đến Lâm Đồng tham quan, nghỉ dưỡng đạt 3,720 triệu lượt, tăng 86,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế ước đạt 26.000 lượt, tăng 76,4% so với cùng kỳ. Đáng kể, khách qua lưu trú tăng 117,5% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 2,220 triệu lượt khách.
Không chỉ lượng khách du lịch tới Lâm Đồng tăng mạnh, đem lại tín hiệu lạc quan cho lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mà còn góp phần “kích hoạt” các hoạt động vận tải, giao thương hàng hóa cũng khởi sắc trở lại. Qua đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 600,5 tỷ đồng, khối lượng đạt 11,7 triệu khách. Tương tự, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.303,4 tỷ đồng, tăng 31,2% - tương ứng khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 13,2 triệu tấn, tăng 25,9%.
Nhìn chung, theo đánh giá của UBND tỉnh, tình hình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống… tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh đạt 34.518 tỷ đồng, tăng 26,6%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 24.367,7 tỷ đồng, tăng 23%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch đạt 5.851,3 tỷ đồng, tăng 51,5% và doanh thu các dịch vụ khác đạt 4.299 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 436,5 triệu USD, tăng 43,2% và đạt 53,6% so với kế hoạch.
“Các hoạt động sản xuất, kinh doanh và các ngành, lĩnh vực trở lại trạng thái bình thường, phục hồi khởi sắc và đạt kết quả đáng ghi nhận. Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh; hoạt động du lịch, dịch vụ sôi động, tăng trưởng mạnh”, UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định.
Để tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong thời gian đến, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện vật giá tăng cao. Kích cầu tiêu dùng, duy trì tốt hoạt động xuất khẩu, kết nối mở rộng thị trường, phát triển thương mại điện tử... Đặc biệt, thực hiện các giải pháp để kích cầu du lịch, nhất là trong các dịp hè, lễ, tết đi đôi với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch gắn với phát triển kinh tế đêm, phát triển theo hướng du lịch chất lượng cao. Tăng cường công tác xúc tiến, đẩy mạnh kết nối du lịch trong nước, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX, năm 2022.
http://baolamdong.vn/