Lần đầu tiên tại Việt Nam, Đà Lạt tổ chức một giải chèo thuyền đứng đẹp mắt trên hồ Xuân Hương. Rất nhiều thành viên trong các đội chèo thuyền từ nhiều nơi trong nước đến đây đã đề nghị thành phố nên tiếp tục tổ chức giải đấu này thường xuyên hằng năm để thu hút khách du lịch.
Tranh tài trên hồ Xuân Hương
Không phải là một con thuyền bằng gỗ hay bằng tôn kẽm gò cồng kềnh như thường thấy mà đây là một con thuyền phao. Chính xác hơn, nó là một tấm ván phao với vật liệu làm bằng nhựa tổng hợp, nổi trên mặt nước, người chơi có thể ngồi hoặc đứng trên đó để bơi. Ván phao này có thể xả hơi ra và gấp nhỏ, xếp gọn lại trong một chiếc túi cùng với mái chèo cán bằng nhựa nối nhau bằng các khớp vặn cũng được tháo ra xếp gọn rồi cho vào cùng. Ngay cả chiếc bơm mang theo để bơm hơi cho ván chèo này cũng được xếp vào túi. Tất cả gọn gàng trong túi như một chiếc ba lô với dây đeo, có hơi to chút nhưng khá nhẹ, khi cần có thể mang đi khắp mọi nơi.
Khi muốn bơi thuyền, người đi bơi có thể mở túi, bung chiếc thuyền đã xếp gọn ra, bơm hơi cho căng, gắn mái chèo vào, đẩy xuống nước, đứng trên thuyền và chèo đi. Trên thuyền có một sợi dây, người chơi có thể gắn dây vào chân hoặc thắt lưng, có rơi xuống nước thì thuyền như một chiếc phao đã có sẵn bên cạnh.
“Rất an toàn khi chơi môn này” - anh Trần Lê Hải Dương, 33 tuổi, Trưởng nhóm chèo thuyền đứng Đà Lạt cho biết. Chiếc ván thuyền thực chất là một chiếc phao cứu sinh lớn bên cạnh, có thể bám vào, nằm lên chiếc phao này rồi bình tĩnh dùng tay bơi vào bờ. Còn chèo đứng với mái chèo, theo anh chỉ tập một khoảng thời gian ngắn là chơi thành thạo.
Đội hình CLB Chèo thuyền đứng Vũng Tàu đến Đà Lạt
Tất nhiên xuống nước theo anh Dương cũng cần biết bơi cho an tâm. Vì lý do an toàn, nếu đi chơi xa, địa hình chưa quen thuộc thì người chơi có thể đi thành nhóm để trong trường hợp bất trắc có thể hỗ trợ nhau. “Chừng vài tiếng tập luyện trên thuyền thì nhiều người có thể bơi được nhưng để thi đấu giành được giải đó là một câu chuyện hoàn toàn khác vì cần phải biết những kỹ năng thi đấu” - anh Dương cho biết.
Một con thuyền hơi dùng bơi đứng như vậy theo anh Dương có giá chừng vài triệu đến vài chục triệu, tùy theo chất liệu. Thuyền chèo có nhiều loại, có loại to bản dành cho người mới chơi, có loại thuôn dài lướt sóng cho người chuyên thi đấu. “Thật ra cũng không nhiều tiền lắm cho môn chơi thú vị này. Đầu tư cho niềm vui và cho sức khỏe thì số tiền này đâu lớn” - anh cười.
Đây là một môn thể thao tương đối mới, du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam cách đây không lâu nhưng đang phát triển nhanh trong nước, đặc biệt ở những thành phố ven biển hay vùng sông nước. Anh Dương học chơi môn này từ những ngày đi học tại Đà Nẵng. Tại Đà Lạt đến nay đã có một nhóm yêu thích bộ môn thuyền đứng này tập hợp với nhau chừng khoảng 20 thành viên, hầu hết là thanh niên, địa điểm nhóm thường sinh hoạt với nhau là hồ Tuyền Lâm.
“Cũng như tôi hầu hết các bạn trong nhóm đi học ở xa tập chơi môn này ở các vùng biển, khi quay về Đà Lạt đã mang theo cùng. Đà Lạt rất thuận lợi để phát triển bộ môn này vì đây là thành phố du lịch, rất nhiều hồ nước đẹp, thắng cảnh có thể thưởng ngoạn khi chèo trên mặt nước. Đây cũng là môn thể thao giúp tăng cường sức khỏe và cũng góp phần phát triển du lịch nên chúng tôi đang mong muốn được phép thành lập một Câu lạc bộ (CLB) Chèo thuyền đứng tại Đà Lạt” - anh Dương chia sẻ.
Và không chỉ tại Đà Lạt, nhiều nơi trong tỉnh cũng đã xuất hiện những nhóm tập hợp các thành viên mê chơi môn này, như một nhóm bạn thanh niên hiện đang sinh sống tại Đức Trọng. Anh Nguyễn Hoàng Tấn Tài, 26 tuổi, thành viên trong nhóm chèo đứng Đức Trọng cho biết, ngày đi học ở Nha Trang khi ra tắm biển anh đã tập bơi chèo đứng. Khi về lại Đức Trọng làm việc, anh Tài đã tập hợp một nhóm 5 bạn cùng sở thích với mình tại địa phương, thỉnh thoảng lại cùng đến hồ Đại Ninh để bơi. Lần này cả nhóm Đức Trọng đã lên Đà Lạt thi đấu.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo anh Đoàn Lê Phương, 40 tuổi, thành viên của CLB Trạm Chèo Saigon, môn chèo đứng phát triển rất nhanh những năm gần đây, có nhiều CLB bơi thuyền đứng ra đời và duy trì hoạt động rất mạnh với số lượng thành viên rất đông. Như tại CLB của anh đã có khoảng 50 người tham gia, cuối tuần hay những dịp nghỉ lễ mọi người thường tập hợp với nhau tập luyện trên sông Sài Gòn, thỉnh thoảng nhóm cũng xuống Vũng Tàu, ra Phan Thiết để giao lưu với các CLB khác tại địa phương.
“TP Hồ Chí Minh đông người chơi như thế mà chưa tổ chức được giải, nên khi nghe Đà Lạt có giải chèo đứng CLB đã vận động nhiều người lên đây tham gia và cổ vũ giải đấu ngay” - anh Phương cho biết.
Giữa tháng 7/2022, lần đầu tiên trong cả nước, thông qua sự phối hợp với Công ty Lâm An, UBND thành phố Đà Lạt đã đứng ra tổ chức giải đua ván chèo đứng trên hồ Xuân Hương với sự tham gia của 26 VĐV trong tỉnh và nhiều nơi trong nước. Giải đấu này được xem như là một hoạt động hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX năm 2022 trong cuối năm nay và cũng như để quảng bá du lịch Đà Lạt.
Cũng nói thêm về Công ty Lâm An một chút, đây là một công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch với Khu Du lịch LAAN nằm trên địa bàn Lạc Dương kề thành phố Đà Lạt. Trong nhiều năm nay Công ty này đã tổ chức rất nhiều hoạt động thể thao để quảng bá cho đơn vị mình cũng như quảng bá du lịch Đà Lạt trong đó có giải đua xe ô tô địa hình LAAN Challenge The Mountain rất nổi tiếng trong nước. Gần đây giải đấu này đã được mở rộng sang cả đua mô tô địa hình, đua xe đạp địa hình và nay là phối hợp tổ chức giải chèo đứng trên mặt hồ Xuân Hương.
Theo ông Nguyễn Thanh Việt, Công ty Lâm An, Trưởng Ban Tổ chức giải LAAN Challenge The Mountain, do lần đầu tiên giải chèo đứng được tổ chức nên lượng VĐV tham gia chưa đông vì nhiều đội trong nước chưa có nhiều thời gian chuẩn bị, nhưng ông tin rằng những lần đến khi giải diễn ra sẽ có đông VĐV hơn nhiều.
Cùng ý kiến này, anh Hoàng Duy Long, 28 tuổi, trưởng nhóm ván chèo đứng Vũng Tàu cho biết, khi biết có giải chèo đứng ở Đà Lạt mọi người trong CLB của anh đều muốn đi. Chèo đứng và chơi ván lướt sóng biển Vũng Tàu phát triển phong trào rất mạnh gần đây, chỉ tính riêng CLB của anh đã có 50 - 60 thành viên, trong đợt này đội lên Đà Lạt với đội hình hùng hậu trên 20 thành viên nhưng thi đấu chỉ 6 VĐV do nhiều người chưa có thời gian tập luyện nhiều.
“Đà Lạt rất có ưu thế để tổ chức môn thể thao này, vì khí hậu mát quanh năm, nhất là có hồ ngay trung tâm thành phố, môn thể thao này lại rất vui, dễ chơi, đẹp mắt, quảng bá du lịch rất tốt. Khi nghe có giải ai cũng thích đi, lần này nhiều người lên xem giải thi đấu thế nào để lần đến sẽ tham dự đông hơn” - anh Long cho biết.
Vì cũng do lần đầu tổ chức nên giải đấu theo nhiều VĐV còn có những điểm chưa hợp lý, cần điều chỉnh cho lần tổ chức đến. Cụ thể, theo anh Trần Lê Hải Dương, do tổ chức nội dung đua đường dài 8 km trước khiến nhiều VĐV tham gia mất sức nhiều nên nhiều VĐV đã phải bỏ cuộc, không thể tham gia các nội dung ngắn và đua tốc độ liền sau đó. “Nên tổ chức thi đấu các cự ly ngắn trước để các VĐV nếu còn đủ sức sẽ có thể tiếp tục tranh tài cự ly dài sau đó cũng được” - anh Dương đề nghị.
http://baolamdong.vn/