Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, Đạ Tẻh đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết (NQ) đề ra. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân huyện Đạ Tẻh một năm “vượt khó”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị địa phương...
VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ
Năm 2021, bên cạnh triển khai Chương trình hành động thực hiện NQ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và NQ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Đạ Tẻh đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề, 27 kế hoạch và các đề án, đồ án về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng vững mạnh. Đây là quyết tâm chính trị rất cao của huyện Đạ Tẻh, nhằm đưa huyện nông thôn mới trở thành điểm sáng trung tâm 3 huyện phía Nam của tỉnh.
Việc BTV Huyện ủy Đạ Tẻh ban hành các NQ chuyên đề tập trung vào một số lĩnh vực then chốt đã tạo “điểm nhấn”, bước đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương trong giai đoạn mới. Cụ thể như NQ 05 ngày 9/3/2021 “Về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025”; NQ số 06, ngày 9/4/2021 “Về tăng cường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021- 2025”; NQ số 07, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 - 2025”…
• NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT
Từ các NQ của Huyện ủy, UBND huyện Đạ Tẻh đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan cụ thể hóa, triển khai thực hiện đạt kết quả trên hầu hết các lĩnh vực. Trong 23 chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2021, Đạ Tẻh đạt 11 chỉ tiêu và vượt 10 chỉ tiêu; cụ thể: Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích của huyện ước đạt 102,8 triệu đồng/ha; giá trị sản xuất (so sánh năm 2010) tăng 10,43%. Tổng mức đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.200 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt 130%; chi ngân sách nhà nước đạt 541,957 tỷ đồng; độ che phủ rừng đạt 63%; tỷ lệ chất thải rắn khu vực thị trấn được thu gom, xử lý đạt 100%; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm; hộ nghèo toàn huyện giảm, chỉ còn 0,83% …
Năm 2021, Đạ Tẻh là địa phương đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng phát hiện ca nhiễm COVID-19; sau đó, bùng phát đợt dịch thứ tư trên địa bàn toàn tỉnh. Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và tinh thần nỗ lực, trách nhiệm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện, Đạ Tẻh đã từng bước khống chế, đẩy lùi dịch bệnh; nhanh chóng củng cố, duy trì các hoạt động xã hội; thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”.
Một số lĩnh vực thế mạnh được Đạ Tẻh triển khai thực hiện như Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chú trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng giá trị sản xuất; ưu tiên phát triển các loại hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; hình thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT); xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, giúp “đầu ra” nông sản của nông dân khá thuận lợi, tăng thu nhập cho nông dân. Đến nay, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã hình thành và hoạt động hiệu quả 21 HTX, trên 40 THT và 5 chuỗi liên kết, thu hút gần 1.000 lượt hội viên tham gia sản xuất, kinh doanh…
Các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, xây dựng được cụ thể hóa từ các NQ của Huyện ủy triển khai đồng bộ. Hiện nay, Đạ Tẻh đang triển khai Đề án phát triển du lịch canh nông trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; gắn phát triển du lịch với khai thác tiềm năng các vùng cây công nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Hệ thống hạ tầng trong năm qua được Đạ Tẻh chú trọng đầu tư. Với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng, Đạ Tẻh đã thực hiện 11 tuyến đường giao thông nông thôn; tu sửa, nâng cấp hơn 10 tuyến đường liên xã, liên thôn, tạo thuận lợi cho việc đi lại và mở rộng giao thương giữa các xã trong huyện với các địa phương lân cận.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được Đạ Tẻh đẩy mạnh. Ngoài việc được Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới (đầu năm 2021), Đạ Tẻh tập trung xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đã có 3 xã được công nhận và 2 xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Công tác phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số, gắn với giảm nghèo, thông qua việc hướng dẫn Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý; giao khoán, chăm sóc bảo vệ rừng; năm 2021, huyện đã trích 1.953 triệu đồng hỗ trợ Nhân dân đầu tư trồng cây cao su, tre tầm vông tại các xã Mỹ Đức, Quốc Oai, An Nhơn, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo…
http://baolamdong.vn/