Cơ hội tiếp cận những kiến thức tổng quan về du lịch, các đặc thù trong hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống và ứng dụng công nghệ cao, tổ chức các hoạt tiếp thị, thu hút khách… giúp người dân trên địa bàn xã Trạm Hành (TP Đà Lạt) có thêm tự tin để định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình theo hướng bền vững, kết hợp với nhau để xây dựng môi trường du lịch ở vùng ngoại ô ngày càng phát triển.
Lớp học thu hút nhiều nông dân, chủ các cơ sở sản xuất nông sản, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn xã Trạm Hành
ĐÀO TẠO NGHỀ DU LỊCH CANH NÔNG
Ông Tạ Ngọc Bính – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Đào tạo lái xe, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt cho biết, thực hiện chương trình phối hợp giữa Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt với Phòng Lao động Thương binh và xã hội TP Đà lạt và UBND xã Trạm Hành, lớp đào tạo nghề du lịch canh nông đầu tiên ở Lâm Đồng được tổ chức từ tháng 6 đến tháng 8/2022 cho 45 học viên.
Sau hơn 350 giờ học, các học viên đã trang bị kiến thức cơ bản về tổng quan du lịch, giao tiếp ứng xử trong hoạt động du lịch, nắm bắt tâm lý khách du lịch, tìm hiểu lĩnh vực quản lý Nhà nước trong hoạt động du lịch; hiểu biết và có kiến thức cơ bản về du lịch canh nông và mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống và mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Tạ Ngọc Bính cho biết, mục tiêu của chương trình là giúp người học có thể áp dụng các quy trình nghiệp vụ cơ bản của tiếp thị và bán sản phẩm du lịch canh nông, thiết lập và duy trì các mối quan hệ với đối tác, chăm sóc khách hàng và giải quyết các vấn đề phát sinh; áp dụng được các quy trình nghiệp vụ cơ bản của người hướng dẫn du lịch tại điểm du lịch canh nông, có kiến thức về viết bài thuyết minh, xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình hướng dẫn tham quan.
Trải qua 4 học phần, người học được trang bị các kiến thức cơ bản về du lịch; du lịch canh nông gắn với sản xuất nông nghiệp truyền thống và ứng dụng công nghệ cao; tiếp thị du lịch canh nông và hướng dẫn tham quan tại điểm du lịch canh nông.
Đồng thời, học viên được học kỹ năng giao tiếp, ứng xử linh hoạt trong hoạt động du lịch, giới thiệu được những đặc sắc tại điểm du lịch canh nông, thiết kế được chương trình trải nghiệm cho du khách, tư vấn bán các sản phẩm tại điểm du lịch, giải quyết các tình huống phát sinh…
Trong số 45 học viên theo học khóa đầu tiên ở xã Trạm Hành, nhiều người hiện là chủ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, người lao động tại các khu, điểm du lịch hoặc những người có ý định kinh doanh du lịch trong tương lai.
“Nội dung cốt lõi của khóa học là để học viên có kiến thức thức tổng về du lịch, đặc biệt là nông nghiệp gắn với công nghệ cao. Qua khảo sát, khu vực Trạm Hành, Xuân Trường đã bắt đầu thu hút các dự án phát triển về nông nghiệp, xuất hiện các điểm du lịch, đặc biệt là có sẵn các đồi trà, vùng cà phê đặc sản, những vườn hồng thơm lành… hấp dẫn du khách. Xu hướng mở rộng ra vùng ngoại ô cũng là xu hướng hiện nay”, ông Bính chia sẻ.
Bên cạnh các học phần cơ bản được giảng dạy bởi giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch Đà lạt, người học cũng có cơ hội lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia trong lĩnh vực sinh học môi trường, các chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng sơ cấp cứu trong các tình huống bất ngờ…
THÊM NGUỒN LỰC PHỤC VỤ DU LỊCH
Du lịch canh nông là một khái niệm không còn xa lạ với người dân TP Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung. Những năm gần đây, hoạt động du lịch canh nông có những bước phát triển mạnh mẽ, nhiều khu, điểm gắn biển du lịch canh nông xuất hiện không chỉ trung tâm TP Đà Lạt mà có xu hướng mở rộng ở các vùng phụ cận.
Theo ông Tạ Ngọc Bính, thông qua khóa học này, người dân ở Trạm Hành sẽ trang bị kiến thức về quản lý, biết cách thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động sản xuất của mình, từ đó có thu nhập từ việc bán sản phẩm, tạo ra môi trường du lịch bền vững. Sau khi tốt nghiệp, học viên hoàn toàn có thể làm việc tại các điểm du lịch canh nông quy mô hộ gia đình, nhóm hộ gia đình hoặc hợp tác xã…
Là một người hoạt động hơn 10 năm trong lĩnh vực du lịch, khi biết tin có lớp học về du lịch canh nông, anh Nguyễn Tuấn Anh đăng ký ngay. Trải qua học phần gần 3 tháng, anh Tuấn Anh cũng đã có cho mình thêm nhiều kiến thức bổ ích. Theo anh, tuy thời lượng khóa học không dài nhưng đối với những người mới tiếp cận du lịch, khóa học cũng đã cho học viên có cái nhìn tổng thể về hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch canh nông. Đây cũng là cơ hội để những người sản xuất và người làm dịch vụ trên địa bàn kết nối, hỗ trợ nhau trong tương lai.
“Cũng không phải ai cũng có điều kiện học hành bài bản, nhất là một số người đã lớn tuổi, cơ hội tiếp cận một khóa học chất lượng mà hoàn toàn miễn phí như thế này không nhiều. Dù chỉ là bước đầu nhưng cũng đã tạo cho tất cả mọi người một nguồn động lực để tham gia phát triển du lịch trên chính quê hương của mình”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Còn đối với chị Tống Đinh Minh Hạnh, chủ một cơ sở sản xuất hồng và cà phê ở Trạm Hành, đây là cơ hội để chị có thể mở rộng quy mô sản xuất và bước vào lĩnh vực du lịch như ấp ủ bấy lâu. Tuy nhiên, chị Hạnh cũng xác định để tiến đến làm du lịch không phải điều dễ dàng và cần nhiều thời gian. Đối với người chưa hề có kiến thức về ngành du lịch, lớp học là một cơ hội hiếm có, giúp chị có thể mạnh dạn hơn trong tương lai.
“Các giảng viên đã tạo điều kiện nhiều cho học viên, hướng dẫn cách thức cụ thể từ quy trình thủ tục hay cách đón tiếp khách hàng, đưa ra các dịch vụ ra sao, xử lý tình huống cụ thể… vô cùng thiết thực. Mình về quê và luôn mong có thể tìm lại chỗ đứng cho nông sản địa phương thì du lịch chính là một trong những giải pháp. Qua khóa học này cho dù mình không làm du lịch canh nông thì mình vẫn biết cách ứng xử với chính khách hàng hiện tại của mình”, chị Hạnh chia sẻ.
Ông Tạ Ngọc Bính cho biết thêm, sau khóa học này, đơn vị sẽ tiến hành khảo sát lấy ý kiến phản hồi của học viên, nhà trường cùng với địa phương sẽ tổ chức đánh giá, rút ra những kinh nghiệm và tiếp tục mở thêm các lớp trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu của học viên, từ đó góp phần tạo thêm nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
http://baolamdong.vn/