Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ

  • 05/09/2022
  • s 11:11

Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ việc sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học sang sản xuất theo hướng hữu cơ đang được nhiều nông dân lựa chọn và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

• BỎ PHỐ VỀ QUÊ KHỞI NGHIỆP VỚI MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thị trấn D’ran huyện Đơn Dương - nơi có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nên sau khi hoàn thành chương trình đại học, chàng trai Trần Minh Tiến, sinh năm 1997, Tổ dân phố Lâm Tuyền 2 đã quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp với mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Loại cây trồng mà Tiến lựa chọn chính là dứa Cayen và cây hồng truyền thống của địa phương.

Tiến chia sẻ: Bản thân gia đình đang canh tác trên diện tích 5 ha với thâm niên trên 20 năm trồng cây dứa Cayen và cây hồng. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và quá trình canh tác lâu đời mà không có biện pháp cải tạo đất hợp lý nên sản lượng cũng như chất lượng cây trồng có phần suy giảm so với nhiều năm trước. Chính điều này đã thôi thúc Tiến quyết tâm phải thay đổi quy trình canh tác sản xuất nông nghiệp của gia đình; đồng thời, Tiến cũng lập nên trang trại Fairy Green Garden để làm du lịch canh nông. 

Nghĩ là làm, cuối năm 2019, Tiến bắt tay vào thực hiện cải tạo lại khu vườn bằng cách sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh kết hợp với phân bón hóa học thay vì sử dụng 100% phân hóa học so với trước đây. Để có nguồn phân bón vi sinh, những cây dứa bị chết, hoặc vàng còi cọc sẽ được Tiến thu gom, sau đó dùng nước rửa sạch rồi đem đi băm nhỏ, hòa trộn men vi sinh vào nước đường (mật đường) rồi đem đi ủ. Sau đó, hỗn hợp này được trộn thêm với các loại phân như: phân lân, ure phân chuồng rồi lại được đem đi ủ tiếp trong khoảng 70 - 90 ngày thì sản phẩm sẽ hoàn toàn hoai mục, có thể mang đi bón hoặc hong khô đóng bao.

Ngoài ra, việc sử dụng trùn quế để phân hủy cây dứa làm phân bón vi sinh cũng được Tiến thực hiện. Theo đó, những cây thơm sau khi khô sẽ được đem đi băm nhỏ rồi hòa trộn với chất thải động vật, sau đó được đưa vào khu vực nuôi trùn quế. Sau thời gian từ 20 - 25 ngày, Tiến bắt đầu thu gom chất thải trùn quế rồi bổ sung thêm vi sinh rồi ủ thêm khoảng 7 - 10 ngày cho vi sinh vật phát triển là có thế đem bón cho cây trồng.

Một điều rất dễ nhận ra tại Fairy Green Garden là việc Tiến cũng nói không với việc sử dụng thuốc diệt cỏ. Thay vào đó, Tiến chỉ phát dọn sạch xung quanh tán cây để châm phân bón và thuốc, còn khu vực ngoài thì sẽ phát dập vào trước mùa mưa và trước vụ thu hoạch 1 tháng. Việc dọn cỏ như vậy giúp khu vườn của Tiến luôn luôn giữ được độ ẩm, không bị xói mòn do mưa lũ, cây cối lại không bị sốc nhiệt do ảnh hưởng bởi thời tiết nắng mưa thất thường. Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu có thành phần hữu cơ hay sinh học như: tảo rong biển, đạm cá, amino, kali sinh học… cũng được Tiến áp dụng thực hiện.

Nhờ làm tốt và tuân thủ theo quy trình sản xuất hữu cơ, các sản phẩm từ trái dứa Cayen và trái hồng của Tiến luôn được khách hàng tín nhiệm. Chỉ tính riêng trong năm 2022 này, trang trại Fairy Green Garden đã cung cấp ra thị trường gần 15 tấn dứa Cayen, gần 10 tấn trái hồng tươi. Đây cũng là địa chỉ du lịch canh nông được nhiều bạn trẻ lựa chọn mỗi khi đặt chân tìm đến du lịch, khám phá tại thị trấn D’ran. 

Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nên các sản phẩm dứa Cayen và trái hồng của trang trại Fairy Green Garden luôn được người tiêu dùng lựa chọn

• NỖ LỰC NHÂN RỘNG VÀO SẢN XUẤT

Phát triển nông nghiệp hữu cơ được ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2666/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025. 

Mục tiêu chung của đề án là phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường, khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, khu vực và thế giới, đưa nông nghiệp hữu cơ của Lâm Đồng trở thành một trong những địa phương hàng đầu cả nước. 

Ông Nguyễn Minh Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đến nay, sau gần 2 năm triển khai thực hiện đề án, các cơ quan, đơn vị chức năng đã thực hiện 300 phiếu điều tra để thu thập thông tin; phân tích 120 mẫu đất, 60 mẫu nước, 20 mẫu không khí. Đồng thời, xây dựng 17 quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gồm các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ yếu trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đào tạo, tập huấn chuyển giao các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho 25 lớp với gần 900 lượt người tham dự; xây dựng 13 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các đối tượng như: măng tây, sầu riêng, lúa, cà phê, mắc ca, nấm hương, củ năng, rau ăn củ, atiso, bò thịt… Thực hiện hỗ trợ, tư vấn, khảo sát, đánh giá 10 tổ chức, cá nhân và đã cấp được 5 giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ. Mặc khác, các đơn vị cũng đã hỗ trợ xây dựng 3 chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. 

Tính đến ngày 30/6/2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có 16 tổ chức, cá nhân sản xuất đã được cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với tổng diện tích trên 1.312 ha. Ngoài ra, hiện nay có một số tổ chức, cá nhân đang sản xuất áp dụng theo quy trình hữu cơ có nhu cầu cấp giấy chứng nhận hữu cơ trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Minh Trường, hiện nay, việc ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI (tự ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học) vào sản xuất trồng trọt được nhiều nông dân và các trang trại, doanh nghiệp trong tỉnh chú trọng thực hiện. Nhìn chung, nông dân sử dụng phân bón, thuốc sinh học tự chế, cây trồng phát triển tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đặc biệt, do tự sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc sinh học từ nguyên liệu là nguồn rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp hữu cơ, chất thải chăn nuôi… nên chi phí đầu tư cho sản xuất thấp hơn nhiều so với sử dụng các loại phân, thuốc hóa học. Mô hình này đang được nông dân nhiều địa phương của tỉnh tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay chi phí chứng nhận sản xuất hữu cơ còn cao, chưa có nhiều tổ chức đủ điều kiện để tham gia chứng nhận. Bên cạnh đó, chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam chưa được quốc tế công nhận, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khi xuất khẩu. Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, các cơ quan có thẩm quyền cần có các quy định cụ thể về các loại vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… đủ điều kiện để sản xuất hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhằm tiêu thụ sản phẩm với giá bán phù hợp, xứng đáng. 

http://baolamdong.vn/