Lượng nhập khẩu giảm đang diễn ra trên toàn cầu, khi mà nhu cầu tiêu dùng của các thị trường đều chững lại, người dân thắt chặt chi tiêu vì lạm phát tăng cao. Mỹ, EU, Nhật, những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, cũng trong tình trạng tương tự.
Thực tế này đòi hỏi các bộ , ngành, doanh nghiệp, ngành hàng cần phối hợp, tìm giải pháp đồng bộ để thúc đẩy xuất khẩu.
Khó khăn do đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường chính giảm sút, đầu ra không có, một số nhà máy sản xuất hạt điều cấp nhỏ và trung bình đã phải đóng cửa. Đây không chỉ là tình trạng của một vài doanh nghiệp, mà là khó khăn của toàn ngành.
Các ngành xuất khẩu chủ lực khác như dệt may, da giày, hay ngành gỗ cũng đang gặp những khó khăn tương tự.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tình trạng sụt giảm mạnh đơn hàng xuất khẩu từ thị trường Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đang diễn ra đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Trước những khó khăn, một số doanh nghiệp đã và đang tìm lối thoát bằng cách chuyển dịch theo hướng linh hoạt hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh các doanh nghiệp cần phải có ứng phó linh hoạt khi mà tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của đội ngũ thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Xuất khẩu được đánh giá là một trong những điểm sáng ấn tượng của nền kinh tế những năm qua. Đặc biệt, các Hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới mở thêm nhiều cơ hội nhưng cũng đặt Việt Nam trước một sân chơi mới với những thay đổi mang tính chiến lược. Vì vậy, bên cạnh việc nắm bắt các cơ hội mà các FTA mang lại, cũng cần tăng nhận biết và tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên tất cả các thị trường, bao gồm cả thị trường cũ và mới./.
http://lamdongtv.vn/