Từ nông nghiệp công nghệ cao sau gần 20 năm, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã xây dựng nền tảng phát triển thêm nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ, gắn nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” theo chuỗi giá trị nông sản gia tăng trên thương trường trong nước và quốc tế.
Chè ôlong hữu cơ thương hiệu Long Đỉnh ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà sản xuất đạt giá trị xuất khẩu khá cao sang thị trường Đài Loan.
PHÁT TRIỂN MẠNH CẢ CHIỀU RỘNG LẪN CHIỀU SÂU
Thống kê đến 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích nông nghiệp công nghệ cao hơn 63.896 ha, tăng hơn 788 ha so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trên 377 ha áp dụng công nghệ số trong quản lý chăm sóc cây trồng. Ước cả năm 2022, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tiếp tục phát triển hơn 64.900 ha. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng nhận định: “Nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng tiếp tục được phát triển mạnh theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, hình thành các vùng sản xuất tập trung, có nhiều mô hình sản xuất mới tiên tiến, hiện đại và được nhân rộng ra trên địa bàn 12 huyện, thành, phát triển đa dạng trên nhiều cây trồng, vật nuôi theo tiêu chí mới của UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành…”.
Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, mức độ ứng dụng công nghệ cao trên các vùng nông nghiệp của tỉnh khá đa dạng với nhiều kỹ thuật tiên tiến đã và đang áp dụng hiệu quả. Cụ thể, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 44.265 ha diện tích cây trồng tưới tiên tiến tiết kiệm nước theo công nghệ Pháp, Ý, Israel, Đài Loan…, trong đó gồm 40.061 ha tưới phun mưa; 3.929 ha tưới nhỏ giọt; 210 ha tưới phun sương qua hệ thống tự động hoặc bán tự động và 65 ha thủy canh hồi lưu.
Đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng đạt tổng diện tích canh tác rau, hoa trên giá thể trên 400 ha; đặc biệt, có trên 150 ha nhà kính nhập khẩu có giá trị đầu tư trên 1 triệu USD/ha với công nghệ hiện đại, tích hợp được các công nghệ thông minh trên thế giới; trên 500 ha nhà kính ứng dụng công nghệ màng PE 3-5 lớp có tác dụng chống tia UV, khuếch tán ánh sáng, chống bám bụi và độ bền cao (5-7 năm), giúp đảm bảo an toàn cho người lao động; 56 cơ sở nuôi cấy mô thực vật (trên 490 box cấy), cung cấp hàng năm gần 72,4 triệu cây giống cấy mô các loại trên thị trường trong và ngoài nước; khâu gieo ươm giống rau, hoa đã được cơ giới hóa từ khâu rửa vỉ, đóng giá thể và gieo hạt bằng máy với năng suất lao động tăng gấp 5 - 7 lần so với làm thủ công; có khoảng 98 đơn vị đã áp dụng công nghệ tem truy suất điện tử (mã QR code) trên mặt hàng nông sản các loại… Tính lũy tiến hiện có 13 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó gồm 12 doanh nghiệp sản xuất rau, hoa cao cấp, dâu tây, phúc bồn tử, nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô với quy mô 534,2 ha; 1 Chi nhánh Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam với Trang trại Vinamilk Đà Lạt quy mô diện tích 150 ha và 2.800 con bò sữa.
Ứng dụng công nghệ IoT giúp người sản xuất giảm 10 - 20% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác rau
TIẾP CẬN VỚI CÁC TIÊU CHÍ TOÀN DIỆN, BỀN VỮNG VÀ HIỆN ĐẠI
Từ nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đang phát triển 376,6 ha ứng dụng công nghệ thông minh (173,8 ha rau; 187,2 ha hoa; 5,5 ha dâu tây và 10 ha chè chất lượng cao). Điển hình trong đó có 172 ha ứng dụng hệ thống công nghệ Hortimax Hà Lan (Đà Lạt Hasfarm; Công ty Cổ phần PAN Hulic) lắp đặt những cảm biến đo các chỉ số thông gió, hướng gió, cường độ ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm bên trong và bên ngoài nhà kính; 6 ha canh tác hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cảm biến Đài Loan, Italia; 18.000 m2 giải pháp TMS của Pháp trong sản xuất giống hoa các loại...
Bên cạnh đó, có trên 60 trang trại với hơn 198,3 ha sử dụng công nghệ IoT của Công ty Mimozatek với chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ cảm biến vi khí hậu, giám sát độ ẩm, lượng nước thoát, kỹ thuật tưới; phần mềm quản lý trang trại thông minh. Công ty TNHH SX TM NS Phong Thúy sử dụng máy rửa và phân loại ứng dụng công nghệ dựa trên màu sắc và kích thước của sản phẩm để sơ chế, phân loại nông sản. Công nghệ máy tách màu này còn được ứng dụng tại 13 cơ sở chế biến cà phê nhân, 4 cơ sở chế biến chè, 1 cơ sở chế biến điều trên địa bàn. “Việc áp dụng nông nghiệp thông minh trong sơ chế, chế biến nông sản đã giảm chi phí thuê nhân công, chất lượng nông sản tốt hơn so với phân loại thủ công. Hiệu quả ứng dụng công nghệ IoT giúp người sản xuất giảm 10 - 20% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; giảm 30 - 50% lượng nước tưới và nhân công lao động cho các trang trại…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho biết.
Rau thủy canh hồi lưu của Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc Đà Lạt đạt chất lượng xuất khẩu sang Hàn Quốc từ năm 2017 đến nay
Đồng thời, với phát triển nông nghiêp thông minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã ban hành 17 quy trình sản xuất hữu cơ trên cây rau (ăn lá, ăn củ, ăn quả), củ năng, lúa, chè, cà phê (vối, cà phê chè), sầu riêng, bơ, chuối, macca, atiso, nấm, đương quy, bò sữa, bò thịt, gà đẻ trứng từ năm 2021. Qua đó, xây dựng và triển khai 8 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô 5,55 ha (mắc ca, cà phê, măng tây, lúa, củ năng, rau ăn củ, sầu riêng, nấm hương); hỗ trợ 3 chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm hữu cơ với quy mô 44,8 ha/60 hộ dân tham gia; đồng thời tổ chức 15 lớp tập huấn thu hút 524 lượt nông dân tham dự. Kết quả đến tháng 8/2022, tổng diện tích trồng trọt được cấp Giấy chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hơn 1.311,2 ha. Trong đó, diện tích rau, củ, quả hơn 40,4 ha tập trung tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt; 5 ha chè tại Lâm Hà; 14 ha lúa, gần 1,4 ha măng cụt và 1.110,4 ha điều tại huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên; 140 ha đồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa hữu cơ tại huyện Di Linh và Đơn Dương.
“Hai mươi năm qua, nông nghiệp Lâm Đồng phát triển vượt bậc cả về lượng và chất, từng bước tiếp cận với các tiêu chí toàn diện, bền vững và hiện đại với ba trụ cột nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ. Diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng chủ lực như cà phê, chè, rau, hoa và nhiều loại cây trồng khác tăng khá cao, xếp trong nhóm đầu của khu vực Tây Nguyên và của cả nước…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.
http://baolamdong.vn/