Để giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh đối với cây trồng, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã và đang chủ động các giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh dựa vào nền tảng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.
Công nghệ cấy mô thực vật ở Lâm Đồng đã tạo ra cây giống sạch bệnh có tính đồng nhất và ổn định về năng suất, chất lượng
Tại khu vực đường Nguyên Tử Lực, TP Đà Lạt, phóng viên đã được trải nghiệm quy trình canh tác nông nghiệp thông minh với đa dạng các loại rau, củ, quả trong khu du lịch canh nông 1,1 ha của Sunfood Dalat Co.op. Đó là thông qua hệ thống kết nối vạn vật IoT, hàng ngày đội ngũ kỹ thuật của Sunfood Dalat Co.op kiểm soát toàn bộ các dữ liệu nhiệt độ, độ ẩm của đất, tình hình sâu bệnh, mức độ sinh trưởng của từng khu vực, từng hàng cây rau, củ, quả trên chiếc điện thoại thông minh. Qua đó làm cơ sở để đặt lệnh điều khiển tưới nước nhỏ giọt, kết hợp với bón phân liều lượng cân đối, phù hợp với từng thời điểm khí hậu trong ngày, trong tuần, trong tháng, trong năm. Trong khâu quản lý thu hoạch và phân phối trên thị trường 36 tỉnh, thành trong cả nước, Sunfood Dalat Co.op điều hành trên các app điện tử khá nhanh chóng, thuận tiện, thông thương mỗi ngày tiêu thụ thấp nhất với sản lượng rau các loại 10 tấn, cao nhất với sản lượng 20 tấn. “Vận hành hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm, tưới nhỏ giọt trong chăm sóc rau, Sunfood Dalat Cop.op đã giảm đáng kể lượng nước sử dụng, nên không lo thiếu nước tưới tiêu nếu khí hậu biến đổi trong mùa hạn hán gay gắt nhất…”, Giám đốc Sunfood Dalat Co.op chia sẻ.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thủy canh Việt Nguyễn Đức Huy, với phương pháp tưới tiêu truyền thống trong canh tác rau, củ, quả Đà Lạt như tưới xả, tưới tay, tưới béc xoay… sử dụng lượng nước rất lớn hàng ngày. Lượng nước sử dụng sẽ giảm xuống còn dưới 30% với hệ thống tưới nhỏ giọt và tiếp tục giảm xuống còn dưới 10% khi lắp đặt sử dụng thêm hệ thống tưới thông minh. Đặc biệt, áp dụng hệ thống thủy canh hồi lưu trồng rau ăn lá thì lượng nước giảm mức tối ưu nhất chỉ còn 5%, tức là giảm tổng lượng nước sử dụng 95% so với phương pháp tưới truyền thống… Bên cạnh đó, với việc lắp đặt hệ thống camera giám sát độ nét cao và hệ thống dữ liệu lớn trên vườn rau công nghệ cao, người sản xuất thường phát hiện sớm và dự báo chính xác mức độ gây hại của sâu bệnh, từ đó áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả và kịp thời hơn. “Nhờ hoạt động chính xác của hệ thống cảm biến, nhà sản xuất tích hợp đầy đủ dữ liệu về khu vực trồng trọt, làm căn cứ để ra quyết định bón phân đúng liều lượng và thời điểm, không gây lãng phí nguồn phân đầu tư; đồng thời, giảm tối thiểu khả năng bón dư phân làm đất bị thoái hóa, sa mạc hóa, dẫn tới vụ trồng trọt sau phải tốn nhiều tiền để cải tạo đất…”, Giám đốc Nguyễn Đức Huy phân tích.
Thống kê mới đây của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh hiện đang phát triển gần 377 ha diện tích nông nghiệp thông minh ứng dụng trên các loại cây rau, hoa, chè, dâu tây. Trong đó có hơn 178 ha rau, hoa áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý, điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, nước tưới, dinh dưỡng thông qua hệ thống cảm biến kết nối với máy tính, điện thoại của người sản xuất. Ngoài Sunfood Dalat Co.op, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thủy canh Việt nói trên, các doanh nghiệp sản xuất rau, hoa ở Đà Lạt và vùng phụ cận đã và đang áp dụng thành công hệ thống công nghệ thông minh như: Công ty TNHH Dalat Hasfarm ứng dụng công nghệ Hortimax Hà Lan với 167 ha hoa; Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Trường Hoàng canh tác 6 ha lan hồ điệp với công nghệ cảm biến Đài Loan, Italia; Công ty Cổ phần Công nghệ Rừng Hoa Đà Lạt với công nghệ TMS của Pháp trong sản xuất 1.800 m2 cây giống hoa; Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm Đồng (Tập đoàn Lộc Trời) canh tác 1.000 m2 rau theo công nghệ Israel… Kết quả ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp đã giảm trung bình 30 - 50% lượng nước tưới và nhân công; 10 - 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật…
“Thông qua hệ thống cảm biến, người sản xuất hàng ngày thu thập thông tin chính xác nhất về độ pH, độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng để giám sát và điều khiển việc tưới tiêu, châm phân, lưới cắt nắng, mở mái nhà kính…, giúp cây trồng sinh trưởng tối ưu, đạt năng suất và chất lượng cao, tạo khả năng nâng cao mức thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân…”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng Trần Văn Tuận nhận định.
http://baolamdong.vn/