Cao nguyên LangBiang chất chứa bao câu chuyện huyền thoại. Từ xa xưa, nơi đây được coi là trung tâm, cội nguồn các dòng họ lớn của người K’Ho, như Pangting, Bonyo, Krajan… sau đó tản ra nhiều vùng để lập buôn. Giờ đây, trên miền cao nguyên đất đỏ đã có thêm nhiều dòng họ, những người từ nhiều miền quê và cả bên kia bán cầu. Họ đến với miền cao nguyên huyền thoại như mối duyên nợ, để rồi hòa vào dòng chảy văn hóa xứ này.
Ngang qua buôn làng người K’Ho dưới chân LangBiang (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), nghe chàng trai “Tây” hát ru con bằng bài ru của người dân tộc bản địa khiến tôi ngỡ ngàng. Bé Kẹo, cái tên ngọt ngào của đứa con gái thứ ba bước qua năm mùa cà phê, kết quả của chuyện tình chàng trai người ngoại quốc Joshua Guikema (1983) với cô gái K’Ho Rolan Cơ Liêng (1987). Họ đang cùng nhau viết tiếp thiên tình sử dưới chân LangBiang và lan tỏa giấc mơ cà phê Arabica hảo hạng với thương hiệu K’Ho Coffee.
Buôn làng ở đây đã quen với hình ảnh chàng trai người Mỹ cao to, đôi mắt xanh, hàng ngày băng rừng lên rẫy như người bản xứ. Gắn bó với miền cao nguyên này đã mười mùa rẫy, khi được hỏi vì sao chọn LangBiang? Joshua nhìn Rolan: Vì cô ấy! “Gặp Rolan cuộc đời tôi đã thay đổi hoàn toàn. Tôi quyết định ở lại buôn làng và sống cùng gia đình cô ấy. Câu chuyện K’Ho Coffee của chúng tôi thực ra là về tình yêu gia đình, cộng đồng và văn hóa”, Joshua nói.
Joshua là kỹ sư nông nghiệp. Năm 2009, khi vừa tốt nghiệp đại học Michigan, lần đầu tiên anh đặt chân đến Việt Nam và làm tại một công ty du lịch. Sau đó, anh có nhiều chuyến dẫn khách qua nhiều miền quê Việt Nam. Và con người, văn hóa bản địa trên cao nguyên LangBiang đã làm Joshua mê đắm. Năm 2010, duyên phận đã giúp anh gặp Rolan trong một chuyến dẫn khách đến Đà Lạt. Sơn nữ K’Ho với những điệu múa, tiếng đàn T’rưng ngọt ngào đã làm say lòng chàng trai người ngoại quốc. Năm 2014, đám cưới của họ được tổ chức tại buôn làng Boneur’C, huyện Lạc Dương và Joshua chính thức gắn bó cuộc đời dưới chân núi LangBiang. Họ cùng nhau dựng ngôi nhà gỗ xinh xắn giữa vườn cà phê Arabica và kết quả của tình yêu đẹp là ba đứa con, với những cái tên độc đáo của người K’Ho và Mỹ. Rolan kể, ban đầu khi ông Ha Mung, bố Rolan nghe chuyện con gái “bắt chồng” ngoại quốc, ông nghi ngại lắm, ông sợ, không cho lấy. Sau đó, Joshua vào buôn cùng làm rẫy, thích nghi nhanh với văn hóa đồng bào K’Ho, khi đó Ha Mung mới ưng bụng.
Một tách K’Ho Coffee nhé? - Chàng rể người Mỹ mời tôi như để rẽ sang câu chuyện khác. Cà phê Arabica được xem là đặc sản của cao nguyên LangBiang. Joshua yêu thích hương vị của loại thức uống mạnh mẽ này, cùng với kiến thức đã được học, anh đã cùng vợ tạo thương hiệu “K’Ho Coffee”. Giờ đây, hương cà phê Arabica xứ LangBiang đã lan tỏa nhiều nơi trên thế giới, mang theo văn hóa cộng đồng người K’Ho bản xứ. Ngôi nhà nhỏ của họ đầy ắp tiếng cười trẻ thơ và tấp nập bước chân lữ khách.
Mang theo câu nói của chàng rể xứ Michigan: “Tôi yêu cao nguyên LangBiang, tôi yêu nụ cười, văn hóa và cuộc sống xứ này”, tôi tìm gặp chàng trai người Pháp Pierre Morère, cũng trót mê đắm cao nguyên huyền thoại này. Nắng khỏa tràn, Pierre dẫn chúng tôi xuôi theo triền đồi, len qua vườn cà phê đang mùa chuyển màu. Anh say sưa kể về gia đình, hương đất cà phê vùng Đạ Sar, huyện Lạc Dương và tình người xứ núi. Anh nói, ký ức về vùng quê yên bình, những căn nhà nằm gọn dưới chân núi, những người dân tộc bản địa mộc mạc qua lời kể của mẹ, đã dẫn anh đến với cao nguyên LangBiang. Mẹ anh, bà Tecla Faraut là người Đà Lạt. Ông ngoại anh, ông Ferme Faraut là chủ một trang trại có tiếng tại miền đất này vào đầu thế kỷ trước. “Năm 1999, tôi trở lại Việt Nam theo đường du lịch, tìm về vùng quê nơi chôn rau cắt rốn của mẹ mình”, Pierre nói.
Sau chuyến trở về duyên nợ ấy, Pierre quyết định bán công ty bất động sản đang ăn nên, làm ra tại Pháp và trở lại cao nguyên LangBiang, quyết tâm phục hồi giống cà phê Bourbon mà gia đình anh đã từng khẳng định thương hiệu cả trăm năm trước. Lịch sử thương hiệu cà phê Morère bắt đầu năm 1897, khi gia đình Faraut, ông bà cố của Pierre quyết định chuyển đến Việt Nam. Họ mở trang trại chăn nuôi ngựa, bò và cừu ở khu vực Đạ Trịa, Tuyền Lâm - Đà Lạt ngày nay. Sau đó, Lucien Faraut, ông cố của Pierre cùng bạn ông là bác sĩ A.Yersin, đã du nhập và trồng thử nghiệm một số loài nhiệt đới tại cao nguyên LangBiang. Trong đó có cây cà phê Bourbon Pointu nổi tiếng từ đảo Reunion của Pháp. Tôi từng gặp già làng Ha Đời ở Đạ Sar, Lạc Dương. Dù đã qua tuổi bát tuần, nhưng già vẫn nhớ như in hình ảnh căn nhà ông ngoại Pierre bên dòng Đạ Trịa. “Ông bà Faraut nói tiếng Việt rất sõi và rất gần gũi với người làm. Ông xây nguyên một căn nhà lớn và đẹp, sắm sửa đầy đủ tiện nghi của thời ấy, để những người làm công được ở thoải mái”, già Ha Đời kể.
Với khát vọng tìm về cội nguồn, lập nghiệp theo bước chân của tổ tiên, ngày qua ngày, Pierre tìm tòi, kết nối lại mối nhân duyên với nhiều người đã từng làm việc cùng ông ngoại anh ở nông trại ngày xưa bên dòng Đạ Trịa. Và Pierre tự nhiên trở thành người con của buôn làng Đạ Sar… “Tôi đã trở lại với cộng đồng dân tộc ở đây, có nhiều người từng làm việc với ông bà của tôi từ thuở trước. Chính ở đó, câu chuyện về cà phê Bourbon Morère bắt đầu sang chương mới. Năm 2010, tôi quyết định tái lập thương hiệu cà phê gia đình “Morère 1897”, Pierre Morère nói. Và hơn mười năm qua, Pierre đã chuyên tâm tạo dựng thương hiệu cà phê gia đình, sản phẩm cao cấp dành cho những người yêu cà phê với tinh thần tôn trọng giá trị truyền thống. Bourbon Pointu Morère được xếp vào hàng cà phê ngon nhất thế giới và đã đoạt ba giải thưởng tại cuộc thi cà-phê rang xay quốc tế. Hiện Pierre đã mở thêm showroom trên đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt. Khi đến đây, du khách sẽ được thưởng thức ly cafe Bourbon thượng hạng do chính Pierre pha chế, nhâm nhi cùng mật ong hoa cà phê và được nghe anh kể những câu chuyện về vùng đất LangBiang xưa, lịch sử của cây cà phê Bourbon nổi tiếng. “Nhiều người nói tôi nên mở rộng, nhưng tôi nói không. Sản xuất quy mô lớn có thể làm cho loại cà phê này mất linh hồn”, Pierre nói.
Giờ đây, thương hiệu cà phê Morère 1897 đã lan tỏa đến nhiều thị trường trong nước và quốc tế, nhưng cuộc phiêu lưu vào các nơi chốn sang trọng của Bourbon Pointu Morère chưa kết thúc… “Thương hiệu cà phê Morère sẽ gắn số phận, cuộc đời tôi và truyền thống gia đình với mảnh đất, con người nơi đây. Nhiều người hỏi tôi sao không thấy nhớ cuộc sống ở Paris? Tôi lại thấy cuộc sống ở đây quá thú vị và tôi ở đây chỉ để làm cà phê với bà con buôn làng đến cuối cuộc đời”, Pierre nói.
Chiều, LangBiang bồng bềnh mây trắng. Ở đó, những câu chuyện duyên nợ xứ núi có thể đang bước sang chương mới…
MAI VĂN BẢO