Mùa thu Tây Nguyên, xen với những ngày mưa bão triền miên là vài ngày nắng hiếm hoi, nhưng lại nhiều cảm xúc, bởi cái nắng bất chợt vỗ về những ngày ủ ê, chiếu lên vạn vật cái ánh sáng long lanh và ấm áp. Mùa thu Đà Lạt cũng là mùa của những trái hồng chuyển từ màu xanh sang màu vàng, rồi màu cam...
Và, vui nhất là lúc cây hồng thấp thoáng những trái đỏ mọng! Để rồi, từ tờ mờ sáng, những chú chim chăm chỉ tắm sương sớm sẽ có thể kiếm được một bữa điểm tâm ngọt ngào, mà chỉ những du khách thích hít thở không khí ban mai, rời khỏi tổ ấm trước khi mặt trời lên mới có thể nhìn thấy được. Để rồi, cũng thấy mình may mắn khi với tay chạm đến những trái hồng chín đỏ, bẻ đôi và nhấm nháp cái vị ngọt dẻo quẹo trong miệng!
Rồi sản phẩm hồng sấy ra đời từ sự sáng tạo của các gia đình, với nhu cầu cất trữ hồng trái và tránh hư phí trong mùa mưa bão. Tiếp đến nhu cầu mở rộng sản xuất cho những cây trồng có giá trị cao hơn hồng, như: cà phê, rau, hoa... khiến một khoảng thời gian, cây hồng trái bị bỏ bê... cho đến khi phương pháp hồng treo gió được áp dụng và nhanh chóng phát triển.
Hồng treo gió không những phẩm cấp hơn hẳn, vì được sấy tự nhiên từ nắng và gió, khiến trái hồng héo dần và tụ ngọt, mềm, mịn từ thị giác đến vị giác... Nhưng thích hơn hẳn là vào mùa hồng treo gió, được ngắm nghía những “bức rèm” vừa ngọt ngào và thơm thảo, được ngắm nghía những cô gái vườn hồng nâng nựng từng trái hồng treo lên giàn phơi...
Cây hồng trái, vốn không phải là cây bản xứ trên cao nguyên, nhưng được du nhập cả trăm năm nay, phủ khắp các sườn đồi Đà Lạt, trải dài xuống các con đèo đổ từ Đà Lạt xuống Dran, Prenn, Đạ Sar... bởi cây hồng hợp thổ nhưỡng, dễ dàng bám đất dốc. Dạo bước giữa vườn hồng, thấm thía những câu chuyện gầy dựng, chăm giữ vườn hồng, hay những thăng trầm của cây hồng trái trên cao nguyên Lâm Viên, mới thấy, sự ngọt ngào của những trái hồng được chắt chiu nhiều chục năm để đến hôm nay, vườn hồng vào thu trở thành một sản phẩm du lịch có sức hút kỳ lạ với du khách và cho chính người dân Đà Lạt!.
http://baolamdong.vn/