Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó xác định: Việt Nam chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0 là yêu cầu tất yếu, khách quan và là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số được áp dụng trong từng ngành, lĩnh vực có sự khác nhau nên khó có được một định nghĩa chung rành mạch, rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, nói một cách dễ hiểu, Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số.
Khi tin học hóa ở mức cao, dẫn đến thay đổi quy trình hoặc thay đổi mô hình hoạt động, thì gọi là chuyển đổi số. Ở đây cũng cần phân biệt khái niệm chuyển đổi số với khái niệm số hóa. Chuyển đổi số là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn; còn số hóa là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số...). Chuyển đổi số cơ bản có thể chia làm các loại: Chuyển đổi số trong xã hội, chuyển đổi số doanh nghiệp, chuyển đổi số cơ quan nhà nước, chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực.
Hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu. Ảnh: Hoàng Anh
• CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ XU THẾ TẤT YẾU, KHÁCH QUAN CỦA THỜI ĐẠI
Sự phát triển của thế giới nói chung và từng quốc gia nói riêng được đánh giá bằng các cuộc cách mạng công nghiệp. Từ giữa thế kỷ XX, sự thành công của cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 đã đưa văn minh nhân loại đạt đến tầm cao mới, khối lượng của cải vật chất được tạo ra lớn gấp nhiều lần so với hai cuộc cách mạng trước đó, giải phóng được nhiều sức lao động.
Bước sang thế kỷ 21, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, tạo ra cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano… với nền tảng là công nghệ số. Từ đó, tạo bước ngoặt, bước tiến vượt bậc trong lịch sử phát triển của nhân loại; có tác động mạnh mẽ, sâu sắc, làm thay đổi căn bản từ phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, đến chính trị và an ninh thế giới, tổ chức và sinh hoạt xã hội của con người.
Chuyển đổi số mang lại lợi ích cho mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh đến lãnh đạo, quản lý, điều hành và cuộc sống con người…
Đối với Nhà nước, chuyển đổi số là dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do Nhà nước cung cấp; thay đổi quy trình nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số sẽ giúp tăng tốc độ ra thị trường; tăng cường vị trí cạnh tranh; thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; tăng năng suất của nhân viên; mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Đối với con người bình thường, chuyển đổi số sẽ làm thay đổi cách sống, cách làm việc và giao dịch với nhau. Vì lợi ích to lớn của chuyển đổi số mang lại nên không có quốc gia nào đứng ngoài cuộc nếu muốn phát triển thịnh vượng. Khi nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhiều quốc gia đã lập tức bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số; dẫn đến chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng trên toàn thế giới, trở thành xu thế tất yếu, khách quan của thời đại.
Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia tầm nhìn đến năm 2030 có nêu: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong và thử nghiệm các mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Đà Lạt là thành phố đầu tiên trên cả nước đưa Trung tâm Điều hành thông minh để quản lý và giám sát từ tổng thể đến chi tiết từng tình huống diễn ra trên địa bàn thành phố. Ảnh: Hoàng Anh
• CHUYỂN ĐỐI SỐ TẠO CƠ HỘI CHO SỰ BỨT PHÁ VƯƠN LÊN
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng là công nghệ số đã tạo cơ hội phát triển cho mọi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển, khi biết tận dụng và tận dụng được những thành tựu khoa học - công nghệ mới, có thể “đi tắt, đón đầu” rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển; ngược lại nếu không tận dụng được cơ hội này thì nguy cơ tụt hậu sẽ ngày càng xa hơn.
Điều này cũng dẫn đến sự cạnh tranh giữa các nước trên thế giới gay gắt, quyết liệt hơn; tương quan sức mạnh giữa các nước, các khu vực sẽ có những thay đổi, đảo lộn một cách nhanh chóng.
Trong bối cảnh đó, các nước đều xem xét lại, điều chỉnh chiến lược phát triển của mình; một số nước đã xây dựng các chiến lược phát triển mới. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Chương trình (Chiến lược) về Chuyển đổi số Quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên.
Thực tế quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam đã bắt đầu diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, nông nghiệp, du lịch, giáo dục, y tế, văn hóa, báo chí…
Theo báo cáo Digital 2020, Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ hơn mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á về năng lực số. Đến nay, Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số.
Tính đến tháng 6/2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% cuối năm 2021. Hiện nay, Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Hơn 30 thành phố cũng định xây dựng Smart City với các nền tảng công nghệ mới…
Đặc biệt, chuyển đổi số đang là vấn đề cấp thiết cho tất cả các doanh nghiệp ở mọi quy mô; giúp các doanh nghiệp cấu trúc lại để nâng cao hiệu quả hoạt động, trải nghiệm khách hàng và đặc biệt là khả năng cạnh tranh trên thị trường. Như vậy, chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, hướng đi chiến lược mà còn là một giải pháp, là động lực, nguồn lực mở ra cơ hội phát triển bứt phá để Việt Nam “đi tắt, đón đầu” thu hẹp khoảng cách và tiến tới sánh vai với các nước phát triển trên giới.
Tỉnh Lâm Đồng là một trong số những địa phương sớm triển khai thực hiện chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ chính trị; Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ và bước đầu đạt đạt được những kết quả rất quan trọng.
Công bố xếp hạng Chỉ số đánh giá Chuyển đổi số - DTI của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, tỉnh Lâm Đồng tăng 3 bậc, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố, với tổng điểm là 0,4626 điểm, cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số đều tăng.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông đến tháng 6/2022, xếp hạng chỉ số Xã hội số cấp tỉnh đứng vị trí thứ 10/63 với giá trị là 0,4950, tiếp đó chỉ số Kinh tế số xếp thứ 13/63 có giá trị 0,4794 và chỉ số Chính quyền số xếp thứ 14/63 có giá trị 0,5187.
Đến nay, 100% cơ quan Đảng, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã kết nối mạng LAN và Internet tốc độ cao; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh đã được xây dựng và hoạt động ổn định; một số ứng dụng công nghệ thông tin kết nối đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh được xây dựng thống nhất, liên thông 4 cấp (Trung ương - tỉnh - huyện - xã).
Phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn, theo đúng lộ trình mà Nghị quyết số 12/NQ/TU, ngày 25/05/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra.
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường như hiện nay, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định chính trị một cách bền vững, lại đang trong thời kỳ “dân số vàng”; có nền giáo dục phát triển; có đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học đông đảo, được đào tạo từ nhiều nguồn; trong đó, có những nhà khoa học, chuyên gia có trình độ cao ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; thu hút được nhiêu nhà đầu tư lớn của nước ngoài...
Đây là tiền đề, điều kiện và cơ hội to lớn để Việt Nam chủ động ngay từ đầu tham gia vào quá trình chuyển đổi số nhằm “đi tắt, đón đầu” rút ngắn khoảng cách đối với các nước phát triển trên thế giới.
Với sức mạnh của truyền thống văn hoá và trí tuệ Việt Nam cùng với quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, công cuộc chuyển đổi số hy vọng sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, từ đó tao cơ hội lớn để Việt Nam bứt phá vươn lên trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng.
http://baolamdong.vn/