Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Đường sắt răng cưa lên Đà Lạt có thể sớm được đầu tư khôi phục

  • 21/11/2022
  • s 15:39

Chiều 20/11, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp kiểm tra ga đường sắt Đà Lạt và chỉ đạo cần thiết có thể sớm khôi phục tuyến đường.

Ga Đà Lạt được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, là nhà ga đầu mối trên tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt dài 84 km. Nhà ga có kiến trúc độc đáo với ba mái hình chóp, là cách điệu ba đỉnh núi Lang biang hoặc nhà rông Tây Nguyên.

Đường sắt răng cưa lên Đà Lạt có thể sớm được đầu tư khôi phục 1

Thủ tướng Chính phủ kiểm tra ga Đà Lạt

Hiện nay, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt không còn hoạt động. Tuyến đường sắt duy nhất hiện nay nhà ga còn phục vụ là tuyến Thành phố Đà Lạt - Trại Mát, dài 7 km, đưa du khách đến với Trại Mát và chùa Linh Phước.

Thủ tướng nhận định, đây là tuyến đường sắt răng cưa dài và độc đáo, không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Cần thiết, có thể khôi phục sớm.

Làm việc với tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng chỉ đạo, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các dự án, công trình trọng điểm (Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương lên cấp 4E; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt).

Được biết, sau hơn 50 năm ngưng hoạt động, tháng 12/2022, hồ sơ khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang- Đà Lạt sẽ trình cơ quan nhà nước xem xét, phê duyệt.

Bộ GTVT có văn bản chấp thuận cho Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP.

Nhà đầu tư đề xuất dự án có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí thực hiện công tác lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng trình tự, quy định của pháp luật; thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư đề xuất trước ngày 31/12/2022.

Đường sắt răng cưa lên Đà Lạt có thể sớm được đầu tư khôi phục 2

Nhà ga Đà Lạt vẫn còn nguyên vẹn như khi mới được xây dựng

Đại diện Công ty CP Giải pháp Kinh doanh Corex cho biết, kể từ năm 2020, Công ty CP Giải pháp Kinh doanh Corex cùng với Tập đoàn Du lịch Crystal Bay khởi động nghiên cứu dự án khôi phục tuyến đường sắt di sản Phan Rang - Đà Lạt. Tập đoàn Du lịch Crystal Bay cùng các đối tác hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực đường sắt như: Công ty Cổ phần giải pháp kinh doanh Corex, Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT cùng các chuyên gia đường sắt Pháp đã ký hợp đồng tư vấn dự án khôi phục tuyến đường sắt huyền thoại này.

Theo Hợp đồng được ký giữa Tập đoàn du lịch Crystal Bay và các đối tác, tháng 10/2022 hồ sơ Khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang- Đà Lạt sẽ được các tư vấn hoàn thành để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Cụ thể, trên tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt, Crystal Bay và các đối tác sẽ triển khai chuyến tàu di sản Đông Dương - chuyến tàu tương tác văn hóa đầu tiên trên thế giới. Chuyến tàu đặc biệt này như một “sân khấu sống, bảo tàng sống”, đưa du khách ngược dòng thời gian, đắm chìm, tương tác và sống lại thời kỳ văn hóa của hơn 100 năm trước.

Tuyến đường huyền thoại này nằm trong toạ độ kết nối hành lang du lịch Đà Lạt - Phan Rang với lượng khách ổn định và không ngừng tăng trưởng bình quân 11-15%/năm (theo CBRE) ở thời điểm không dịch bệnh. Năm 2019, Đà Lạt thu hút gần 7 triệu lượt du khách (khách quốc tế hơn 14%) trong khi Ninh Thuận đón 2,35 triệu lượt khách.

Được biết, dự án sẽ phục hồi nguyên trạng chiều dài tuyến đường sắt cổ này, với cung đường dài 84km, được chia làm 17 trạm dừng, 6 trạm chính; khu vực nhà ga của từng trạm sẽ được thiết kế, xây dựng thành các điểm đến trải nghiệm với câu chuyện độc đáo của văn hoá bản địa cùng các sản phẩm du lịch cao cấp. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 27.780 tỈ đồng, thực hiện theo phương thức PPP (đối tác công - tư).

https://www.baogiaothong.vn/