Từ việc liên kết với Công ty TNHH Hoàng Anh Maca, hàng trăm nông hộ trồng mắc ca trên địa bàn huyện Lâm Hà được đảm bảo đầu ra, thu nhập ổn định, an tâm sản xuất.
Việc liên kết với doanh nghiệp đã góp phần ổn định sản xuất và đem lại nguồn thu lớn cho người trồng mắc ca trên địa bàn huyện Lâm Hà
Tại huyện Lâm Hà, cây mắc ca được người dân trồng từ năm 2009. Tuy nhiên, nhận thức về giá trị và hiểu biết về kỹ thuật trồng loại cây này của người dân thời điểm đó chưa cao nên bà con chủ yếu trồng thử nghiệm, rải rác với diện tích nhỏ. Cây mắc ca phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Lâm Hà nên cây sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh. Kỹ thuật chăm sóc cây không quá cầu kỳ, bởi vậy diện tích trồng mắc ca của bà con dần tăng lên. Nhận thấy lợi thế của cây trồng, thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương nên cây mắc ca phát triển ở Lâm Hà suốt nhiều năm qua, nhất là diện tích trồng xen.
Hiện, Lâm Hà là một trong những địa bàn trọng điểm về sản xuất mắc ca của tỉnh. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà, đến cuối năm 2021, nông dân địa phương này đã trồng được trên 2.600 ha mắc ca, chủ yếu trồng các giống mắc ca A16 và 508. Trong đó, có tới 2/3 diện tích trồng xen với cà phê, dâu tằm và một số loại cây trồng khác. Số còn lại được trồng trên các diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định cho thu hoạch với sản lượng hàng năm khoảng trên 800 tấn.
Công ty TNHH Hoàng Anh Maca được đánh giá là một trong những đơn vị tiên phong đẩy mạnh mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh mắc ca hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Được biết, khi thành lập vào giữa tháng 3/2015, Công ty TNHH Hoàng Anh Maca (đóng tại huyện Đơn Dương) đã triển khai trồng thuần đồng loạt 20 ha mắc ca trên diện tích đất lâm nghiệp xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà. Đến năm 2018, công ty tiếp tục trồng thuần mắc ca trên diện tích 20 ha đất lâm nghiệp tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương. Đây là vùng nguyên liệu phục vụ chế biến tại chỗ. Sau khi mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, xác định Lâm Hà là nơi có nguồn nguyên liệu mắc ca lớn, từ năm 2019 Công ty đã liên kết với các nông hộ sản xuất mắc ca trên địa bàn này. Công ty hiện đang thực hiện chuỗi liên kết sản xuất với khoảng gần 200 hộ dân tại các huyện Đơn Dương và Lâm Hà, diện tích sản xuất trong vùng liên kết khoảng 500ha. Mỗi năm, doanh nghiệp này thu mua từ 800 đến 1.000 tấn mắc ca tươi của các hộ dân liên kết để phục vụ sơ chế, chế biến. Ngoài tiêu thụ tại các điểm du lịch ở Đà Lạt và hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, đại lý của công ty ở nhiều vùng, miền trong nước, sản phẩm của Công ty TNHH Hoàng Anh Maca còn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nga, Canada và các nước Đông Âu.
Ông Lê Văn Tú (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà), một nông hộ tham gia liên kết chia sẻ: "Tham gia liên kết, chúng tôi không phải lo lắng về đầu ra nên yên tâm vào sản xuất, chăm sóc cây để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại đang được người dân thay thế bằng các loại chế phẩm sinh học để bảo vệ cây trồng, hoặc sử dụng phân chuồng, phân vi sinh để bón thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào phân vô cơ như trước đây”.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, diện tích mắc ca kinh doanh của tỉnh hiện khoảng 1.640 ha. Sản lượng quả khô trong năm 2021 đạt 2.204 tấn. Địa phương hiện có khoảng 30 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến mắc ca với tổng công suất tiêu thụ nguyên liệu đạt 1.842 tấn quả, hạt/năm. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang khuyến khích người dân tham gia các chuỗi liên kết sản xuất để nâng cao giá trị.
Để sản phẩm mắc ca đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp này tổ chức hỗ trợ người dân xây dựng vườn cây với các loại giống chất lượng cao. Cùng với đó là hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, thu hái. Hiện nay, các thành viên chuỗi liên kết với doanh nghiệp này tổ chức sản xuất theo mô hình mắc ca VietGAP, GlobalGAP và hướng hữu cơ. Ông Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Maca, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi ký hợp đồng với nông dân theo giá thị trường hoặc ký với một số hộ dân với giá bao tiêu. Để bán sản phẩm cho công ty thì người dân cũng phải sản xuất để đạt được những tiêu chuẩn mà công ty đưa ra”.
Nhằm hỗ trợ người dân trong việc sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, công ty TNHH Hoàng Anh Maca cũng đã gửi các cán bộ kỹ thuật đến từng vườn để tư vấn, hướng dẫn bà con. Hiện nay, mắc ca sọ tươi đạt tiêu chuẩn chất lượng được Công ty Hoàng Anh Maca ký hợp đồng thu mua với giá từ 95.000 đến 100.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi ha trồng thuần có thể cho thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Hiện ở Lâm Hà có nhiều diện tích mắc ca trên 10 năm tuổi đang cho thu đều đặn hàng năm. Bởi vậy, việc liên kết đã góp phần ổn định sản xuất và đem lại nguồn thu lớn cho người trồng mắc ca trên địa bàn huyện Lâm Hà.
http://baolamdong.vn/