Nhiều chương trình hợp tác quốc tế đã được Lâm Đồng duy trì lâu nay với các địa phương của nhiều nước trên thế giới trong rất nhiều lĩnh vực.
• NHIỀU LĨNH VỰC HỢP TÁC
Trong danh sách các quốc gia có các địa phương phát triển quan hệ, hữu nghị lâu nay với Lâm Đồng nổi bật có thể kể đến Lào với 2 tỉnh Bolykhamxay và Champasak; Bỉ với tỉnh Đông Flanders.
Hai tỉnh kết nghĩa với Lào là Champasak và Bolykhamxay, sau 1 thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19, Lâm Đồng đã có chuyến viếng thăm và làm việc với 2 tỉnh này trong tháng 7/2022, trong đó có ký kết văn bản ghi nhớ chương trình hợp tác giai đoạn 2022 - 2025 giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Champasak và tái khẳng định các nội dung hợp tác đã ký kết với tỉnh Bolykhamxay. Lâm Đồng sẽ hỗ trợ hai tỉnh này xây dựng trường học với mức kinh phí xây dựng 1 triệu USD cho mỗi công trình tại 2 tỉnh này.
Trong năm 2022, Lâm Đồng cũng đã tiếp nhận 5 du học sinh các tỉnh Champasak, Bolykhamxay sang học tại Đại học Đà Lạt theo diện học bổng hợp tác, nâng số sinh viên Lào được đào tạo tại đây lên 27 sinh viên. Trong tháng 10/2022, đã có 5 sinh viên Lào tốt nghiệp, nhận bằng cử nhân các ngành Luật học và Nông học; trong đó 2 sinh viên tiếp tục học cao học tại đây.
Với tỉnh Đông Flanders của Bỉ, Lâm Đồng có quan hệ hợp tác hữu nghị từ khá lâu, trọng tâm là việc thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ cải tạo đất phục vụ canh tác nông nghiệp, cung cấp giống khoai tây chất lượng tốt, sản lượng cao; công nghệ sản xuất, chế biến cà phê, hợp tác tiêu thụ cà phê qua thị trường Bỉ và châu Âu. Trong chuyến thăm và làm việc của Lâm Đồng tại tỉnh Đông Flanders trong tháng 10/2022, tỉnh đã mời nhiều doanh nghiệp tại tỉnh này sang khảo sát đầu tư tại Lâm Đồng vào cuối tháng 11/2022.
Lâm Đồng cũng phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với các địa phương khác của nhiều nước như tỉnh Kochi của Nhật, vùng Occitanie của Pháp, các thành phố Incheon, thành phố Guri, đảo Jeju của Hàn Quốc… Tỉnh cũng phát triển quan hệ hợp tác trong nhiều năm nay với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); Hiệp hội Kinh tế Văn hóa Hàn - Việt (KOVECA); Tập đoàn CJ của Hàn Quốc và đang trong quá trình ký kết hợp tác hữu nghị với thành phố Como của Italia nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ lụa tơ tằm.
Trong năm 2022, Lâm Đồng cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 5 tỉnh Tây Nguyên và Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) - Australia về việc thành lập Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên.
Với cấp huyện, Đà Lạt từ năm 2016 đến nay đã có nhiều chương trình hợp tác hiệu quả với thành phố Chuncheon - Hàn Quốc, trong đó có việc trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi công chức, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu học sinh, hỗ trợ thiết bị xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa - nghệ thuật, thể thao.
Lạc Dương hiện cũng có chương trình hợp tác với thành phố Yachiyo - tỉnh Ibaraki của Nhật Bản, trong đó vào tháng 10/2022, 2 địa phương đã ký kết thỏa thuận hữu nghị nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, đào tạo nhân lực, giao lưu văn hóa.
• MỞ RỘNG CÁC MỐI QUAN HỆ QUỐC TẾ
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong thời gian đến, thông qua hoạt động của các Hội hữu nghị, Ban Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua công tác lãnh sự, bảo hộ công dân... tỉnh sẽ tiếp tục củng cố, mở rộng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương, các quốc gia, các tổ chức, các đối tác quốc tế.
Lâm Đồng cũng sẽ phối hợp các cơ quan, các địa phương trong tỉnh và trong nước tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch theo vùng, liên kết vùng và theo nhiều chủ đề khác nhau tạo sự đa dạng về hình thức và sản phẩm du lịch; tập trung và huy động mọi nguồn lực nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ; gắn việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch với các loại hình kinh tế như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch truyền thống và có lợi thế của tỉnh như du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, tham quan, hội nghị, hội thảo, sự kiện - lễ hội, du lịch văn hóa, du lịch canh nông, du lịch thể thao mạo hiểm… để thu hút đầu tư, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tỉnh.
Lâm Đồng cũng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường nước ngoài thông qua các chương trình hoạt động như: Tổ chức kết nối giao thương với các đối tác nước ngoài và kênh phân phối nước ngoài tại Việt Nam; cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ - triển lãm - không gian trưng bày ở nước ngoài; cung cấp thông tin về: các chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài và các hội chợ quốc tế; hỗ trợ xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh.
Tỉnh cũng thường xuyên giữ mối liên hệ và đề nghị các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại các nước hỗ trợ quảng bá thông tin tiềm năng thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư, danh mục chi tiết dự án đầu tư, các sản phẩm chính về thương mại và du lịch của Lâm Đồng đến các đối tác và thị trường các nước; tăng cường, mở rộng các kênh thông tin quảng bá trong việc liên kết tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương phát triển du lịch trong và ngoài nước, quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Trong dịp này, Lâm Đồng đã đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Lâm Đồng phát triển kết nối giao thương, tiếp xúc đa phương, song phương với các quốc gia, các đối tác quốc tế có kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế; tiếp cận các chương trình hợp tác, đối tác tiềm năng… để thiết lập nhiều quan hệ hợp tác mới, thu hút đầu tư nước ngoài, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài; đồng thời, hỗ trợ thẩm định năng lực tài chính, tư cách pháp lý của các tổ chức đến hoạt động tại địa phương.
Lâm Đồng cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục có những chính sách phù hợp cho vùng Tây Nguyên trong cơ chế mời gọi đầu tư nước ngoài; nâng cấp hệ thống giao thông, đặc biệt là các Quốc lộ 27, 28 và 55; đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; tạo điều kiện mở thêm các tuyến bay từ Đà Lạt đến các địa phương trong nước và quốc tế, sớm đưa Cảng hàng không Liên Khương vào hệ thống cảng hàng không quốc tế của Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và giao thương.
http://baolamdong.vn/