Những ngày này, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc đèo Prenn (TP Đà Lạt) tạm thời “đóng” trong gần 1 năm để phục vụ thi công nâng cấp, mở rộng. Quan tâm bởi đây là cửa ngõ phía Nam vào TP Đà Lạt, lúc tạm “đóng” cửa thì phương tiện ra vào Đà Lạt như thế nào, và quan tâm rằng, sau khi mở rộng, con đèo vốn rất nổi tiếng, gắn với ký ức của bao người dân Đà Lạt cũng như du khách có còn giữ được nét đẹp ngày nào.
Những sự quan tâm đó là chính đáng và thể hiện tình cảm, trách nhiệm với Đà Lạt - Lâm Đồng. Dĩ nhiên, từ lúc có ý tưởng đến chủ trương và thực hiện mở rộng đèo Prenn, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cùng sự tư vấn của các chuyên gia đã tính toán đến các vấn đề này. Trước hết, về vấn đề lưu thông trong thời gian thi công đèo, cơ quan chức năng đã công bố cụ thể lộ trình thay thế là đèo Mimosa và đường vào hồ Tuyền Lâm. Phương án lưu thông này trước mắt có thể gây khó khăn ít nhiều đối với các phương tiện. Nhưng việc tạm “đóng” đèo Prenn là cần thiết, nhằm tập trung không gian để đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời đảm bảo an toàn.
Về vấn đề cảnh quan đèo Prenn sau khi mở rộng, theo thiết kế, trên đèo sẽ bố trí 4 điểm dừng chân, ngắm cảnh. Trong chuyến thị sát trước thời điểm khởi công nâng cấp đèo, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã chỉ đạo cần di dời toàn bộ số cây mai anh đào hiện hữu trong phạm vi ranh giới mở rộng đèo, việc di dời phải đúng kỹ thuật, tổ chức chăm sóc tốt để trồng lại sau khi tuyến đường hoàn thành; đảm bảo cảnh quan thiên nhiên và cây xanh đặc trưng ở tuyến cửa ngõ thành phố.
Giao thông được ví như “mạch máu” của nền kinh tế. Theo tính toán của các chuyên gia, hạ tầng giao thông là lĩnh vực có tác động lan tỏa lớn nhất đối với nền kinh tế. Đầu tư cho giao thông chính là mở đường cho phát triển. Ở tầm quốc gia, thời gian gần đây, hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư, trong đó phải kể đến nhiều tuyến cao tốc khắp cả nước. Và không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến công tác đặc biệt đầu năm mới Quý Mão 2023 (từ mùng 4 đến mùng 9 Tết), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy các dự án giao thông trọng điểm từ Nam ra Bắc. Chuyến công tác cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng đối với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng (trong đó có hạ tầng giao thông), một trong 3 khâu đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước xác định.
Đối với Lâm Đồng, thời gian qua, tỉnh luôn xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong đó, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Với sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tuyến quốc lộ trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, một số công trình lớn được đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian đi lại. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã chú trọng, ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông nội tỉnh, liên tỉnh, hệ thống giao thông nông thôn với mục tiêu tăng cường hiệu quả kết nối nội vùng và liên vùng. Từ đó, tạo cú hích cho địa phương phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nhiều dự án giao thông quan trọng, kết nối vùng cũng sắp triển khai trong thời gian tới, nhất là các dự án cao tốc kết nối Đà Lạt với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Và việc thực hiện mở rộng, nâng cấp đèo Prenn chính là để gỡ nút “thắt cổ chai” nhằm đồng bộ, kết nối với tuyến cao tốc này. Trao đổi với báo chí trong chuyến thị sát đèo Prenn vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nhấn mạnh: “Đây là dự án quan trọng, thứ nhất là nhằm đảm bảo về an toàn giao thông, mục tiêu nữa đó là điểm đầu, điểm cuối của các tuyến cao tốc đang sắp được triển khai là Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương”.
“Đại lộ, đại phú” - những tuyến đường lớn được xây dựng sẽ thúc đẩy Đà Lạt - Lâm Đồng phát triển, phồn vinh hơn.
http://baolamdong.vn/