Từ việc sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đúng mục đích, gia đình bà Kiều Thị Mai, ngụ tại Tổ dân phố 9, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh từng bước vươn lên để phát triển kinh tế gia đình qua mô hình trồng mướp đắng sạch và an toàn.
Từ quê hương Ba Vì (Hà Tây cũ), năm 1977, bà Kiều Thị Mai đi kinh tế mới tại vùng 3 Lâm Đồng và tham gia vào nông trường Hà Lâm. Đến năm 1982, nông trường Hà Lâm đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, bà Mai cùng với nhiều cán bộ và công nhân của nông trường tiếp tục bám trụ lại mảnh đất Đạ Tẻh từ ngày đó cho đến nay.
Trước năm 2016, gia đình bà Kiều Thị Mai còn thuộc diện hộ nghèo của địa phương và vẫn đang chật vật tìm kiếm lối đi mới để phát triển kinh tế. Bà Mai kể, trong một lần đi ra chợ, bà có gặp gỡ, trò chuyện với thương lái chuyên thu mua các mặt hàng nông sản sạch từ Đồng Nai. Qua tìm hiểu và kết nối, thương lái đồng ý bao tiêu sản phẩm mướp đắng cho gia đình với yêu cầu bà phải trồng theo hướng sạch và an toàn.
Quyết định trồng mướp đắng để có nguồn thu nhập ổn định, cùng với sự giúp sức của địa phương và được biết đến vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, giữa năm 2016, gia đình bà Mai được vay vốn thuộc diện hộ nghèo với số tiền 30 triệu đồng.
Trên diện tích 5 sào đất sẵn có, bà Mai đã làm giàn lưới với hệ thống tưới nước tự động theo hướng ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau an toàn. Khoảng cách giữa mỗi dàn mướp đắng còn được bà Mai tận dụng trồng xen dưa leo, bí xanh để tăng thêm thu nhập.
Bà Mai cho hay: “Mướp đắng thuộc giống cây leo ngắn ngày, kỹ thuật trồng không khó, lại cho thu hoạch nhanh, việc có người thu mua giúp tôi càng thêm yên tâm hơn về đầu ra nên ngay sau khi được các thương lái hướng dẫn cách trồng mướp đắng sạch và đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho gia đình, tôi đã mạnh dạn áp dụng trồng xen canh trên diện tích trồng sầu riêng”.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng mướp đắng hiệu quả, bà Mai thông tin thêm, kỹ thuật trồng mướp đắng không khó, nhưng nhất định phải trồng theo hướng sạch, chỉ bón phân hữu cơ, tuyệt đối không được dùng các chất hóa học độc hại. Khi cây bị sâu bệnh, cũng phải xử lí bằng phương pháp sinh học. Có như vậy, vườn mướp mới sinh sôi, phát triển tốt và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
“Hiện, vườn nhà có diện tích 1,25 ha, trong đó, 9 sào trồng mướp đắng và 3,5 sào trồng dưa leo. Vườn rau được trồng gối đầu, 1 ngày có khoảng 5 tạ quả được xuất bán cho đầu mối ngoại tỉnh và tại chợ Đạ Tẻh. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch 3 vụ, thu từ 10 - 12 tấn. Riêng năm 2022 vườn nhà thu đạt 15 tấn/vụ. Với giá tính bình quân từ mướp đắng và dưa leo 15 - 16.000 đồng/kg, có thời điểm giá thấp thì cũng 12 - 13.000 đồng/kg thì 1,25 ha rau cũng mang lại cho gia đình từ 180 - 240 triệu đồng”, bà Mai phấn khởi.
Đánh giá về mô hình rau sạch thành công của bà Kiều Thị Mai, bà Ma Thị Tuyết - Tổ trưởng Tổ vay vốn tiết kiệm Tổ dân phố 9 cho biết, tổ đã làm cầu nối giúp được 58 hộ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Trong đó, bà Kiều Thị Mai là một trong những chủ hộ xây dựng được mô hình phát triển kinh tế thành công, vươn lên làm giàu chính đáng từ nguồn vốn vay. Đây là một tín hiệu vô cùng đáng mừng, làm động lực cho bà con Nhân dân tiếp tục cố gắng phát triển kinh tế bền vững. Từ những kết quả ban đầu khả quan có thể thấy được rằng, tín dụng chính sách xã hội đã và đang đạt được hiệu quả tích cực. Thời gian tới, nguồn vốn này sẽ được tổ cho các hộ vay để tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho người dân. Cùng với đó, tổ sẽ đề ra những phương hướng mới để hỗ trợ tối đa nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương.
http://baolamdong.vn/