Phát triển cây mắc ca bền vững là một trong những nội dung phát triển kinh tế nông nghiệp được huyện Đam Rông xác định và tập trung thực hiện. Đây là bước đi quan trọng trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương.
Ông Trần Văn Tuận - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng nhận định, sau khoảng 15 năm hình thành và phát triển, ngành sản xuất mắc ca của Lâm Đồng đang từng bước khẳng định tiềm năng thế mạnh, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và tăng độ che phủ đất, bảo vệ môi trường. Cây mắc ca đang dần có vị thế trong sản xuất nông nghiệp ở các huyện: Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đam Rông.
Tại huyện Đam Rông, cây mắc ca đã được đưa vào trồng từ nhiều năm trước và hiện đang dần phát triển với quy mô ngày càng lớn. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Đam Rông, diện tích mắc ca trên địa bàn đạt khoảng 1.200 ha và còn có tiềm năng rất lớn để phát triển, nhất là trồng xen với cà phê. Đây là tín hiệu lạc quan mở ra hướng phát triển bền vững cho cây mắc ca nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, đa dạng hóa sản phẩm, giảm rủi ro về thị trường cho người nông dân.
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông thông tin: Giai đoạn 2022 - 2023 và định hướng đến năm 2050, huyện Đam Rông tập trung thực hiện phát triển cây mắc ca hướng tới mục tiêu đưa cây trồng này thành ngành hàng sản xuất bền vững có giá trị gia tăng cao; góp phần phục hồi, tăng độ che phủ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Từng bước phát triển và mở rộng diện tích cây mắc ca gắn với phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Trên cơ sở tình hình thực tiễn của địa phương, ngành Nông nghiệp huyện Đam Rông đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 nâng diện tích trồng mắc ca toàn huyện đạt 2.849 ha, sản lượng 2.358,2 tấn; tỷ lệ sơ chế, chế biến đạt 90% trở lên.
Hiện nay, Đam Rông được chia thành ba tiểu vùng với các hướng đi khác nhau trong phát triển nông nghiệp gồm: tiểu vùng 1 gồm 2 xã: Phi Liêng, Đạ K’nàng; tiểu vùng 2 gồm 3 xã: Liêng S'rônh, Rô Men, Đạ R'sal và tiểu vùng 3 gồm 3 xã: Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông. Mỗi tiểu vùng với hướng phát triển nông nghiệp khác nhau phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm xã hội của từng vùng. Nếu như tiểu vùng 2 với lúa và dâu tằm là chủ lực, tiểu vùng 3 với trọng tâm phát triển cây cà phê và cây ăn trái thì tiểu vùng 1 hướng tới phát triển cây công nghiệp lâu năm.
Trên cơ sở đó, cây mắc ca được huyện Đam Rông đẩy mạnh sản xuất tại 2 xã: Phi Liêng, Đạ K’nàng trên cả diện tích đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp. Hai địa phương hiện có khoảng trên 1.000 ha mắc ca, trong đó có khoảng trên 50 ha đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng 50 tấn/năm. Và cây mắc ca đang tiếp tục được các địa phương này trồng mới thông qua giải pháp trồng xen trong vườn cà phê và trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Trong đó, sử dụng các giống mắc ca ghép cho năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, huyện Đam Rông cũng tiếp tục phát triển trồng cây mắc ca trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định, đất giao cho các doanh nghiệp nhằm phục hồi, tăng độ che phủ rừng góp phần thực hiện Đề án Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông chia sẻ thêm: Để cây mắc ca thực sự phát triển trên địa bàn, huyện đã tăng cường công tác quản lý về giống, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống mắc ca trên địa bàn nhằm đảm bảo diện tích mắc ca trồng mới đều được trồng bằng cây giống ghép từ các dòng có năng suất, chất lượng cao, thích hợp với từng tiểu vùng sinh thái. Các giống mắc ca chủ lực trên địa bàn huyện gồm: QN1, 246, 695, OC, 788, 800, 816, 849, A38,... Bên cạnh đó, Đam Rông cũng có phương án triển khai tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các chủ trang trại và nông hộ về kỹ thuật sản xuất mắc ca; ứng dụng khoa học - công nghệ, quản lý chất lượng gắn với chuỗi, liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến các sản phẩm từ mắc ca có giá trị gia tăng cao (tinh dầu, bánh, kẹo...). Tiếp tục đổi mới hình thức, hoạt động để nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, loại hình sản xuất; thành lập các tổ, nhóm khuyến nông cộng đồng để chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến mắc ca; đồng thời lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất mắc ca hữu cơ; mô hình quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc để nông hộ học tập, áp dụng.
Vốn đầu tư phát triển cây mắc ca đang được huyện Đam Rông thực hiện theo hướng xã hội hóa, chủ yếu là vốn của doanh nghiệp, người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Địa phương cũng đẩy mạnh việc thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, triển khai thực hiện dự án phát triển, chế biến mắc ca trên địa bàn huyện gắn với việc đề xuất, tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này.
http://baolamdong.vn/