Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Hội nghị Hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ

  • 31/08/2023
  • s 22:30

(LĐ online) - Ngày 31/8/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ, nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung; đồng thời, tạo cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp của vùng Tây Nguyên và Ấn Độ.

Việt Nam và Ấn Độ có hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, dù trải qua những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp. Trên cơ sở phát huy những thành tựu trong quá khứ, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đang hướng tới hợp tác sâu rộng hơn.       

Ấn Độ là một quốc gia có tiềm lực trên nhiều lĩnh vực và là thị trường rộng lớn với hơn một tỷ dân. Vùng Tây Nguyên của Việt Nam là vùng đất giàu tiềm năng, là thủ phủ của các loại cây công nghiệp như cà phê, trà, tơ lụa, hồ tiêu,… rất có tiềm năng để hợp tác phát triển giao thương với Ấn Độ. Do đó, quan hệ giữa Việt Nam - Ấn Độ nói chung và giữa vùng Tây Nguyên của Việt Nam với Ấn Độ nói riêng còn rất nhiều dư địa để phát triển và đang tiếp tục được củng cố. 

Hội nghị Hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ cũng nhằm góp phần tiếp tục phát triển sâu sắc, toàn diện mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian tới; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kết nối thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch giữa các tỉnh trong vùng Tây Nguyên của Việt Nam với các đối tác Ấn Độ, mở ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông sản có thế mạnh của vùng Tây Nguyên như: trà, cà phê, tơ lụa, hồ tiêu, trái cây,… sang thị trường Ấn Độ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S nhấn mạnh: Hội nghị lần này nhằm cụ thể hóa chính sách thúc đẩy quan hệ song phương về thương mại, kinh tế và đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng; thúc đẩy cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông sản có thế mạnh của các địa phương sang thị trường Ấn Độ; tạo cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, phát triển du lịch… giữa doanh nghiệp các địa phương với các doanh nghiệp Ấn Độ. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng mong muốn thiết lập mối quan hệ thương mại bền chặt với các đối tác Ấn Độ; và mong rằng, Lâm Đồng sẽ trở thành địa phương cung cấp các mặt hàng nông sản - thực phẩm chế biến an toàn, chất lượng cho các kênh phân phối ở Ấn Độ…

Theo lời phát biểu của ông Madan Mohan Sethi  - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh: Mặc dù 2 nước Việt Nam và Ấn Độ có kim ngạch thương mại song phương đạt tới 15,1 tỷ USD, nhưng vẫn đang ở dưới tiềm năng vốn có. Ấn Độ là một thị trường khổng lồ có thể so sánh với Trung Quốc cho Việt Nam đối với nhiều sản phẩm, đặc biệt là có một tầng lớp trung lưu lớn chiếm khoảng 30% dân số. Ấn Độ đang trên con đường tăng trưởng và phát triển theo cấp số nhân, với nhiều thành tựu; có những kế hoạch khổng lồ để xây dựng đường cao tốc, sân bay, bến cảng và hiện đại hóa các ngành công nghiệp sử dụng AI, về giáo dục và chăm sóc sức khỏe,...

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai có bài phát biểu giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh với các địa phương Tây Nguyên khác… cũng như những ưu đãi đầu tư, những lĩnh vực kêu gọi đầu tư  của các địa phương và mong muốn góp phần thúc đẩy hợp tác giao thương toàn vùng Tây Nguyên với Ấn Độ trong thời gian tới

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng giới thiệu những đặc trưng khiến Lâm Đồng có những sản phẩm nông sản đặc biệt, có lợi thế cạnh tranh, được sản xuất theo quy trình an toàn khép kín, sáng tạo nên các hương vị độc đáo, được đóng gói mẫu mã đẹp, tiện lợi phục vụ nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng; cũng như nhu cầu hợp tác đầu tư, như: cà phê (nhân, bột, viên nén, túi lọc…), trà (trà đen, trà xanh, trà olong, trà túi lọc…), các loại hạt (hạt mắc ca, hạt sachi, hạt điều…), rau củ quả (tươi, chế biến), atiso…

Bà Hiền cũng nhấn mạnh lợi thế của Lâm Đồng về các loại hình du lịch (du lịch sinh thái, du lịch canh nông, du lịch nghỉ dưỡng sức khoẻ, du lịch chữ lành, du lịch tâm linh….) phù hợp với người Ấn Độ, đang được phát triển và sẽ góp phần kết nối giao thương mạnh mẽ, tạo nên loại hình du lịch thương mại…; công nghệ thông tin…; những lợi ích từ việc hợp tác thương mại trong bối cảnh  toàn cầu hoá.

Đại diện các đơn vị đến từ vùng Tây Nguyên của Việt Nam và Ấn Độ cũng thông tin tiềm năng, thế mạnh, khả năng cung ứng, nhu cầu hợp tác;  các dự án kêu gọi đầu tư, thông tin các tour tuyến du lịch, thông tin về doanh nghiệp; các chính sách thu hút đầu tư... Bên lề Hội nghị, các đại biểu tiếp tục tìm hiểu mô hình hoạt động, kinh doanh tại tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, tìm kiếm đối tác để tiêu thụ các sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người Ấn Độ, khảo sát các dự án thu hút đầu tư mà tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên đang mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực và tâm huyết.

Hội nghị cũng ghi nhận và chứng kiến các doanh nghiệp ký kết 45 biên bản ghi nhớ và hợp đồng nguyên tắc. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S: Đây là số lượng biên bản ghi nhớ và hợp đồng nguyên tắc lớn nhất từ đầu năm đến nay tại một Hội nghị ở Lâm Đồng, trong một không khí một hợp tác thương mại rất nhẹ nhàng, ấm áp; là cơ hội quảng bá hình ảnh quê hương đất nước và hợp tác thương mại giữa tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S hy vọng: Các doanh nghiệp Ấn Độ đã cảm nhận môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện và năng động của tỉnh Lâm Đồng, cũng như  vùng Tây Nguyên, mang đến nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp Ấn Độ với khu vực Tây Nguyên - nơi có nhiều sản phẩm phù hợp và có khả năng đáp ứng được thị trường tiêu thụ của Ấn Độ; đồng thời, cho thấy nhu cầu hợp tác với các quốc gia có nền kinh tế phát triển để khẳng định khát vọng chuyển mình của các tỉnh vùng Tây Nguyên...

LÊ HOA