Cam cara còn gọi là cam ruột đỏ giống gốc từ nước Úc, đã được Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương tiếp nhận và thực hành thành công toàn bộ quy trình kỹ thuật nhân giống và canh tác thương phẩm, góp phần giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng giá trị kinh tế cao trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.
Phụ trách kỹ thuật của Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa, Phạm Lê Công Vũ (sinh năm 1991) đưa phóng viên đến tham quan vườn cam ruột đỏ hơn 1 ha tại xã Băng ADrênh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk vào giữa tháng 10/2023. Đây là vườn cây cam đỏ hơn 4 năm tuổi liên kết sản xuất, tiêu thụ toàn bộ sản lượng thu hoạch giữa công ty này với hộ gia đình anh Đỗ Phú Cường (sinh năm 1972) và chị Trần Thị Mỹ Linh (sinh năm 1975).
Bao quát toàn cảnh vườn cam đỏ của anh Cường - chị Linh là một màu xanh đậm của cành, lá xen giữa những chùm quả to tròn bóng mượt. Đến gần từng hàng cây ước chiều cao và tán lá trung bình mỗi cây được chủ nhân chăm sóc, khống chế sinh trưởng trên dưới 3 m. Hái quả xuống cắt ra làm đôi, thịt cam “phô diễn” một màu đỏ hồng mọng nước, vị ngọt thanh. Đưa lên cân trung bình 3-4 quả/kg, nhưng có không ít cây mới hái xuống 2 quả đã cân nặng hơn 1 kg.
Anh Cường - chị Linh cùng cho biết, mật độ cam đỏ trồng trên diện tích 1 ha của mình khoảng 600 cây, do Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa cung cấp nguồn giống và hướng dẫn toàn bộ quy trình kỹ thuật canh tác, tỷ lệ cây sinh trưởng đạt yêu cầu với tỷ lệ gần 100%. Cây cam đỏ ra quả bói vào năm 2022, thu hoạch 20-30 kg/cây. Năm 2023 vào chính vụ, thu hoạch từ tháng 7 đến nay đạt trung bình 40-50 kg/cây, nhiều cây đã “lập đỉnh” thu hoạch đến 80 kg/cây. Một ngày thu hoạch trên dưới 100 kg. Giá tiêu thụ cam đỏ tại vườn lúc thu bói cũng như lúc chính vụ trung bình 40.000 đồng/kg.
“Ước thu hoạch cả vườn cam đỏ 1 ha chính vụ đầu tiên năm 2023 kéo dài đến hết tháng 11/2023, tổng sản lượng khoảng 30 tấn, thành tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng. Trừ tất cả mọi chi phí, đạt tổng lãi khoảng 1 tỷ đồng. Đây là khoản lãi mơ ước của hộ gia đình chúng tôi sau bao năm sản xuất cà phê…”, chị Linh nói.
Theo đó, với cây cà phê vối hơn 20 năm tuổi của hộ gia đình anh Cường - chị Linh đầu tư thâm canh hàng năm đạt năng suất cao nhất 3,5 tấn nhân/ha, nhân với giá trung bình 60.000 đồng/kg, doanh thu 210 triệu đồng. Trừ chi phí đầu vào ít nhất 110 triệu đồng vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động, còn lại chỉ thu về khoảng 100 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Tính ra canh tác cà phê mới bằng 10% thu nhập trồng cam đỏ nguồn giống của Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa, nói trên.
Kết quả trồng cam đỏ nguồn giống sản xuất từ xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng thành công ở xã Băng ADrênh, cho thấy sự mạnh dạn chuyển đổi của hộ gia đình anh Cường - chị Linh. Cụ thể phá bỏ cà phê 2 lần trong thời gian một năm - lần thứ nhất 0,6 ha; lần thứ hai 0,4 ha để đào hố vuông 50 cm x 50 cm, sâu 40 cm để xuống giống trồng đồng loạt cây cam đỏ. Những tháng đầu tiên chăm sóc, nhiều hàng cây cam đỏ sinh trưởng chậm, Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa đã bố trí nhân viên kỹ thuật bám sát vườn cây để xác định nguyên nhân, hướng dẫn anh Cường- chị Linh những giải pháp khắc phục kịp thời.
Đến nay, anh Cường - chị Linh đã ổn định quy trình kỹ thuật canh tác cam đỏ và thường xuyên chia sẻ với nông dân trong và ngoài xã Băng ADrênh, đến tìm hiểu mô hình. “Trong năm tới sẽ có thêm 1 nông hộ người thân của gia đình chúng tôi phá bỏ 1 ha cà phê sang trồng giống cam đỏ của Công ty TNHH Đại Nghĩa ở tỉnh Lâm Đồng. Riêng hộ gia đình chúng tôi cũng trong năm tới tiếp tục chuyển đổi 0,5 ha cà phê còn lại để mở rộng diện tích cam đỏ này…”, chị Linh nói thêm.
Phụ trách kỹ thuật Phạm Lê Công Vũ nhận định, vùng đất xã Băng ADrênh nói riêng, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk nói chung khá thích hợp với giống cam đỏ ghép sản xuất từ Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa,. Dự báo từ năm thứ 5 trở đi, năng suất cây cam đỏ của anh Cường - chị Linh sẽ đạt từ 80 - 100 kg/cây, nhưng giá cả vẫn ổn định và có thể tăng cao hơn nữa vì thị trường đầu ra trong nước vẫn dồi dào tiềm năng.