Một gia đình nông dân vùng sâu Di Linh đã chuyển từ một nông hộ chuyên trồng, bán sản phẩm tươi sang nông hộ sản xuất, chế biến nông sản. Và hạt mắc ca từ vùng sâu ấy đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao, đã lên sàn thương mai điện tử, từ đồng ruộng đến tận tay người tiêu dùng khắp đất nước.
Chị Phạm Thị Vóc kiểm tra mắc ca phơi trong nhà kính |
Gia đình chị Phạm Thị Vóc, anh Đỗ Văn Thanh vốn là nông dân thuần phác ở Thôn 8, xã Tân Lâm, huyện Di Linh. Anh chị đã sống từ nhỏ trên mảnh đất cà phê, quen với việc chăm cây, tới mùa hái trái và bán cho thương lái. Dịch COVID-19 là một thời gian khó khăn, từ đó anh chị quyết định chuyển hướng trong sản xuất.
Chị Phạm Thị Vóc chia sẻ, như hầu hết nông dân xung quanh, gia đình chị cũng trồng cà phê là cây trồng chính. Được sự vận động của xã, của cán bộ nông nghiệp, anh chị và bà con trồng xen mắc ca, thứ cây lấy hạt vào vườn cà phê để vừa làm cây che bóng, tạo cảnh quan, vừa có thêm trái cải thiện thu nhập. Đất Tân Lâm màu mỡ, bà con lại chọn giống cây từ nguồn cung cấp tốt, mau có trái nên từ vài năm nay, nguồn thu từ mắc ca cũng mang lại cho bà con điều kiện cải thiện kinh tế gia đình. Như mọi người, nhà chị Vóc cũng tới mùa thu hái, bán cho thương lái cả vỏ xanh hoặc bóc vỏ xanh tuỳ yêu cầu. Cho tới dịch COVID-19, mọi hoạt động giao thương kinh tế đều đình trệ khiến hạt mắc ca “ế”, xuống giá thấp, có lúc không có thương lái vào vườn thu. Nghĩ đi nghĩ lại, chị Vóc quyết định tự chế biến tại nhà, ban đầu là để giải quyết hơn tấn hạt mắc ca của gia đình.
“Tôi cũng lên mạng, học hỏi nhiều người cách chế biến hạt mắc ca sao cho ngon. Rồi cứ mày mò làm thử, dần dần cũng hoàn thành quy trình từ sơ chế cho tới thành phẩm. Ban đầu chỉ là muốn rang chín để bảo quản được lâu hơn, bán được hết hạt của vườn nhà. Không ngờ càng làm càng được bà con ủng hộ, mở rộng dần quy mô sản xuất”, chị Phạm Thị Vóc bộc bạch. Quy trình chế biến hạt mắc ca của chị Vóc cũng rất cẩn thận. Hạt tươi được bóc vỏ, sau đó rửa sạch, hong khô trong nhà kính. Sau khi hạt khô, chị hạ ẩm và đưa vào sấy; rồi tới công đoạn tách vỏ và cuối cùng là phân loại. Chị Vóc cho biết, vì hạt mắc ca nhiều dầu, dễ lên mùi nên muốn hàng đạt chất lượng, cần chú ý từng khâu, nhất là khi phân loại phải kỹ càng, nhặt sạch 100% hạt hư, biến màu, biến mùi.
Ban đầu chỉ bán loanh quanh trong thôn, trong xã, bán để các hộ mua về làm quà, ai ngờ hàng hết nhanh, chị Vóc và anh Thanh quyết định mở rộng thêm quy mô sản xuất, mua thêm hàng của nông dân xung quanh. Bà con thu hoạch tới đâu, anh chị thu mua ngay tại lúc đó, tiến hành tách vỏ, rửa sạch, hong khô và hạ ẩm, bảo quản trong kho. Hàng mỗi ngày mỗi nhiều, anh chị tiến hành đăng ký thương hiệu, xây dựng sản phẩm OCOP của huyện Di Linh. May mắn đã đến với tâm huyết của hai vợ chồng, năm 2023, hạt mắc ca của cơ sở Phạm Thị Vóc được chứng nhận đạt 3 sao. Và dựa trên nền tảng ấy, anh chị đưa sản phẩm mắc ca sấy nứt lên các sàn thương mại điện tử như tiktok, shopee, lazada… để cung cấp tới tận tay khách hàng. “Điểm mạnh của hạt mắc ca các cơ sở nhỏ, đặt tại vùng nguyên liệu như chúng tôi là hạt tươi, mua trực tiếp từ nông dân trong vùng, bởi vậy chất lượng đầu vào rất bảo đảm cùng với giá thu mua ổn định”. Năm 2023, chị thu mua 20 tấn mắc ca tươi cả vỏ xanh, sau chế biến còn 10 tấn nhân, cũng là một đầu mối thu mua hạt với giá tốt cho nông dân trong xã. Để phục vụ cho việc phơi mắc ca đạt chuẩn, anh chị còn làm một nhà kính với dàn phơi 3 tầng nhằm đảm bảo chất lượng hạt tốt nhất.
Chị Trần Thị Bính, khuyến nông viên xã Tân Lâm, huyện Di Linh nhận xét, hộ gia đình anh chị Phạm Thị Vóc, Đỗ Văn Thanh là gia đình trẻ làm ăn giỏi. Hạt mắc ca của cơ sở Phạm Thị Vóc đã đạt OCOP 3 sao, được đưa lên bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử, là cơ sở thu mua hạt cho nông dân xung quanh với giá cả tốt, thủ tục nhanh chóng, gọn gàng. Đây là mô hình sản xuất - chế biến trong nông nghiệp hiệu quả, giúp nông dân nâng cao giá trị của nông sản do bản thân cũng như bà con lân cận trực tiếp canh tác, cải thiện điều kiện kinh tế của người nông dân và xây dựng thương hiệu nông sản địa phương.