Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Đà Lạt: Thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

  • 21/11/2023
  • s 10:49

Cùng với việc đầu tư hạ tầng công nghệ, Đà Lạt đang nỗ lực phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số và nền kinh tế số.

Kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống
qua điện thoại di động thông minh tại một phường ở Đà Lạt

Kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống qua điện thoại di động thông minh tại một phường ở Đà Lạt

• ĐẦU TƯ HẠ TẦNG CÔNG NGHỆ 

Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn, cuối tháng 8/2023, UBND TP Đà Lạt đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-UBND về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển đổi số TP Đà Lạt.
 
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin Đà Lạt, thành phố đã và đang tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ cho việc chuyển đổi số. Cụ thể, đã lắp đặt đường truyền mạng toàn cầu (internet) dùng riêng cho toàn bộ Bộ phận Một cửa trên địa bàn; đầu tư thiết bị phát sóng mạng không dây (wifi) miễn phí để người dân sử dụng khi thực hiện dịch vụ công. Toàn bộ các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND TP Đà Lạt sử dụng hệ thống mạng nội bộ, chia sẻ tài nguyên mạng internet, thiết bị như máy in, photocopy...

Hiện, trên địa bàn Đà Lạt đang được tỉnh triển khai thí điểm 4 điểm phát sóng 5G. Cùng đó, Đà Lạt đang triển khai “Thành phố Wifi”, theo đó tại một số điểm tập trung đông người dân, du khách như quảng trường Lâm Viên, Khu Hoà Bình được lắp đặt hạ tầng phát sóng không dây của 3 nhà cung cấp dịch vụ mạng (VNPT, Viettel, FPT), đáp ứng nhu cầu truy cập và hạ tầng đảm bảo không bị gián đoạn trong suốt quá trình kết nối của thiết bị đầu cuối.

Thành phố đã kết nối 37 camera quan sát tầm cao về Trung tâm IOC phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, trật tự xây dựng, quản lý đô thị... cũng như kết nối 324 camera xã hội hóa trên địa bàn.

Để xây dựng dữ liệu số, Đà Lạt đến nay đã triển khai cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực như quy hoạch đất đai, quy hoạch kiến trúc xây dựng, quy hoạch phân khu, dữ liệu lớp giao thông, thông tin giá đất... trên nền tảng GIS; số hóa dữ liệu của 116.848 thửa đất cho 12 phường và 4 xã; số hóa dữ liệu quy hoạch cho 17 phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn được UBND tỉnh phê duyệt; số hóa dữ liệu giao thông 207 đường, 577 cung đường và 625 hẻm. Đà Lạt cũng thực hiện hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg với toàn bộ công dân đủ điều kiện trên địa bàn được cấp căn cước công dân.

Cho đến nay, Đà Lạt đã triển khai các nền tảng số như nền tảng bản đồ số cơ sở dữ liệu đất đai; nền tảng họp trực tuyến cho các cơ quan nhà nước với 21 phòng họp trực tuyến gồm 2 phòng ở Thành ủy, 3 phòng ở UBND thành phố và 16 phòng ở phường, xã. Đà Lạt cũng sử dụng ứng dụng “K12 Online” để tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở; xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh IOC; xây dựng nền tảng sàn thương mại điện tử thông qua việc đăng tải quảng bá các sản phẩm thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ lên trang https://dalat.vn và sàn giao dịch điện tử https://postmart.vn.

Để tạo nguồn nhân lực, Đà Lạt trong năm nay đã ban hành Kế hoạch số 2342/KH-UBND ngày 17/4/2023 về xây dựng chính quyền số và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực trong chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phối hợp tổ chức và cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số; kiện toàn tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn thành phố với 16 tổ công nghệ số cộng đồng cấp phường, xã; 207 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, tổ dân phố với tổng số 1.365 thành viên tổ công nghệ số phường, xã. Các trường học từ bậc tiểu học trung học cơ sở trên địa bàn đến nay đều có phòng máy vi tính để dạy công nghệ thông tin cho học sinh. Đà Lạt cũng phối hợp với đơn vị chức năng tỉnh để đảm bảo an toàn thông tin mạng.

• CHÍNH QUYỀN SỐ - XÃ HỘI SỐ 

Phòng Văn hóa -Thông tin Đà Lạt cho biết, thành phố lâu nay tích cực đẩy mạnh việc vận động người dân trên địa bàn cài đặt các ứng dụng thành phố thông minh như “Đà Lạt trực tuyến”, “Du lịch Đà Lạt”, quy hoạch phát triển đô thị, thủ tục hành chính (TTHC) toàn trình, TTHC một phần, sử dụng dịch vụ công toàn trình và một phần, sử dụng chứng thực bản sao điện tử.

Thành phố đã phối hợp với Cục chứng thực số và bảo mật thông tin - Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 320 chữ ký số cho cán bộ công chức các phòng, ban và UBND phường xã. Trong khối trường học, cán bộ quản lý, giáo viên hiện đang sử dụng 1.440 chữ ký số “VNPT Smart CA”. Tất cả các phòng, ban, đơn vị và UBND các phường, xã kết nối mạng nội bộ LAN và mạng toàn cầu tốc độ cao.

Đến nay, toàn bộ văn bản không thuộc dạng mật được chuyển trên hệ thống văn phòng điện tử giữa các cơ quan nhà nước, không sử dụng văn bản giấy; toàn bộ TTHC được công khai trên trang thông tin điện tử của thành phố để người dân, tổ chức dễ dàng tiếp cận; tỷ lệ thanh toán điện tử khi thực hiện hồ sơ đạt 58,09%. Thành phố cũng triển khai các ứng dụng nội bộ phục vụ công tác quản lý nhà nước như cấp phép xây dựng; đăng ký kinh doanh; phần mềm xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực xây dựng, văn hóa du lịch, quản lý công tác giải quyết đơn thư, thực hiện các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND thành phố cũng như phát huy hiệu quả. của các ứng dụng Ứng dụng Đà Lạt trực tuyến - iGov Connect, Cổng thông tin du lịch và phần mềm ứng dụng Dalat City, cổng thông tin công bố quy hoạch TP Đà Lạt và phần mềm trên thiết bị di động thông tin quy hoạch Đà Lạt. Để phát triển thương mại điện tử, Đà Lạt đã xây dựng “Chợ 4.0” với các gian hàng tiếp nhận thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Đà Lạt. Ban quản lý chợ Đà Lạt đã phối hợp với ngân hàng để tạo ví điện tử cho 326 tiểu thương đang kinh doanh tại chợ và 200 quầy mở tài khoản tại ngân hàng. Đến thời điểm hiện tại, đã có 886/916 quầy sạp đang hoạt động kinh doanh thực hiện việc giao dịch mua bán không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 96,7%; trong đó 326 quầy thực hiện phần mềm VNPT Money, 590 quầy thực hiện phần mềm Internet Banking qua các ngân hàng. Hiện có 71 quầy kinh doanh đạt uy tín chất lượng được đăng lên cổng thông tin điện tử du lịch Đà Lạt (https://dalat.vn), 10 hộ kinh doanh đặc sản thực hiện tem QR- Code, 28 quầy đặc sản thực hiện tem mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Đà Lạt đã phối hợp với VNPT Lâm Đồng triển khai hoàn thiện và đưa vào sử dụng Cổng thông tin du lịch và phần mềm ứng dụng (Dalat City) với tổng lượng truy cập đến nay đạt trên 27 triệu lượt. 

Để xây dựng xã hội số, ngành chức năng Đà Lạt tích cực vận động người dân đăng ký tài khoản và sử dụng các dịch vụ số: dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ giáo dục số, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên mạng toàn cầu; vận động thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế (đóng viện phí, thanh toán các dịch vụ y tế); mua bán hàng hóa tại chợ và các cửa hàng kinh doanh dịch vụ bằng cách quét mã QR và chuyển tiền qua số tài khoản hoặc số điện thoại trên ứng dụng.

Theo đánh giá của Phòng Văn hóa - Thông tin Đà Lạt, việc triển khai Mô hình “Chợ 4.0” tại chợ Đà Lạt được hầu hết các tiểu thương, du khách, người dân đồng tình hưởng ứng tuy nhiên đến nay số lượng giao dịch còn chưa nhiều.

VIẾT TRỌNG