NDO - Tại sự kiện lớn của ngành trà thế giới, Hội chợ triển lãm trà quốc tế Trung Quốc (Tea Expo), Tiến sĩ Phạm S (Lâm Đồng, Việt Nam) được Ban tổ chức đề cử và trao chứng nhận: “Nhà khoa học có đóng góp kiệt xuất cho ngành trà thế giới”. Đây là sự ghi nhận công lao cống hiến của Tiến sĩ Phạm S với ngành trà Việt Nam và thế giới.
Tiến sĩ Phạm S (bên trái, hàng đầu) tại không gian triển lãm trà thuộc Chương trình tọa đàm kết nối giao thương ngành chè Quảng Châu (Trung Quốc) và Lâm Đồng, diễn ra tại thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng cuối tháng 9/2023. |
Hội chợ triển lãm trà quốc tế Trung Quốc (Tea Expo) diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc) từ ngày 24 đến 27/11. Đây được xem sự kiện quan trọng của ngành trà thế giới, được người trong ngành gọi là “dấu mốc xu hướng” của ngành công nghiệp trà toàn cầu, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trà và khoảng 1.500 chuyên gia, doanh nhân ngành trà Trung Quốc và quốc tế.
Một sự kiện nổi bật tại Tea Expo 2023 là Lễ vinh danh các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều đóng góp cho ngành trà thế giới. Theo tìm hiểu, để chuẩn bị nội dung cho sự kiện quan trọng này, tìm ra những cá nhân có đóng góp kiệt xuất cho ngành trà thế giới, Ban tổ chức đã kỳ công đi nghiên cứu, đánh giá độc lập, khách quan nhiều năm liên tục ở các quốc gia về sản phẩm trà và các nhà khoa học đóng góp cho ngành trà thế giới.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng Dương Quốc Anh (thứ 2, bên trái), thay mặt Tiến sĩ Phạm S nhận chứng nhận “Nhà khoa học đóng góp kiệt xuất cho ngành trà thế giới”, tại Tea Expo 2023. |
Tiến sĩ Phạm S hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ chè Việt Nam. Ông vừa là nhà quản lý, vừa là nhà khoa học, với niềm say mê nghiên cứu khoa học và tư duy hội nhập quốc tế.
Cách đây tròn 26 năm, giống chè LĐ 97 ra đời đã làm thay đổi toàn bộ cục diện ngành chè Lâm Đồng nói riêng và cả ngành chè Việt Nam. Đó là dấu ấn quan trọng trong quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ Phạm S.
Năm 1996, ông giữ cương vị Giám đốc Trung nghiên cứu thực nghiệm chè Lâm Đồng. Lúc bấy giờ, năng suất bình quân của chè trong nước chỉ khoảng 5 tấn/ha, thì các giống chè cao sản của Tiến sĩ Phạm S nghiên cứu đạt năng suất hơn 20 tấn/ha, trở thành bước đột phá đối với ngành chè Việt Nam.
Vườn chè LĐ 97 sản xuất hữu cơ tại Lâm Đồng và chứng nhận “Nhà khoa học đóng góp kiệt xuất cho ngành trà thế giới” dành cho những cống hiến của Tiến sĩ Phạm S. |
Tiến sĩ Phạm S kể, nhận thức tầm quan trọng về công tác giống, từ năm 1993, xuất phát từ bộ giống chè Lâm Đồng lúc bấy giờ ít đa dạng, chưa khai thác tiềm năng khí hậu, đất đai; trong quá trình công tác, ông luôn quan tâm bình tuyển cây đầu dòng. Lúc này, ông là Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật nông trường chè Minh Rồng (Lâm Đồng), song ông luôn dành thời gian ra vườn nghiên cứu các cá thể chè đột biến tự nhiên. Vùng chè của nông trường là một trong những vùng chè trồng từ hạt lâu đời nhất tỉnh Lâm Đồng (năm 1942), nên rất thuận lợi trong quá trình nghiên cứu.
Từ lúc xác định được cá thể tốt, ông tiến hành nhân giống vô tính và trồng khảo nghiệm xác định giống, hoàn toàn bằng kinh phí cá nhân và dành thời gian ngày nghỉ để nghiên cứu về giống chè này.
Sau 5 năm nghiên cứu, khảo nghiệm, Tiến sĩ Phạm S đã chọn ra giống chè LĐ 97 có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất và chất lượng (năng suất đạt 20 tấn/ha, cao hơn năng suất bình quân 4 lần). Kết quả giống chè LĐ 97 đã được Lâm Đồng chính thức công bố năm 1997.
Tiến sĩ Phạm S trao đổi với bà Hồ Vệ Hồng, Trưởng Ban giám sát Hiệp hội Xúc tiến Văn hóa chè Quảng Đông, tại tọa đàm kết nối giao thương ngành chè Quảng Châu và Lâm Đồng, tổ chức tại thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng cuối tháng 9/2023. |
Năm 2003, ông được bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng. Qua chuỗi thời gian nghiên cứu khoa học, xác định LĐ 97 là giống chè nghiên cứu được chọn lọc cá thể có năng suất từ 20 đến 22 tấn/ha, chất lượng tốt. “Đây là giống chè có nhiều mao trên tôm và lá non nhất trong tất các giống chè hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới. Do đó, giá chè nguyên liệu LĐ 97 luôn cao hơn các giống chè cao sản khác từ 20 đến 25%”, Tiến sĩ Phạm S chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Phạm S, Việt Nam có điều kiện khí hậu, đất đai rất phù hợp cho ngành chè phát triển và hiện đứng thứ 5 về diện tích trồng chè, thứ 6 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Cả nước có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên, với tổng diện tích khoảng 130 nghìn ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi/năm, quy ra sản lượng chè khô đạt 196 nghìn tấn (năm 2022). Sản phẩm trà Việt Nam đã xuất khẩu đến 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là các thị trường, như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia, Hoa Kỳ và các quốc gia Trung Đông...
LĐ 97 là giống chè có nhiều mao trên tôm và lá non nhất trong tất các giống chè hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới. Do đó, giá chè nguyên liệu LĐ 97 luôn cao hơn các giống chè cao sản khác từ 20 đến 25%.
Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng
Đối với ngành chè Lâm Đồng, phát triển bền vững nhờ đột phá từ khoa học-công nghệ. Cây chè phôi thai tại Lâm Đồng từ năm 1927, do các doanh nhân người Pháp trồng, khai thác và diện tích luôn được mở rộng nhanh so với các cây trồng khác.
Trước năm 1975, diện tích chè Lâm Đồng đạt khoảng 5.000ha, được xem là tỉnh sản xuất chè thương mại sớm và có quy lớn nhất Việt Nam. Đến năm 2022, Lâm Đồng có diện tích chè hơn 11 nghìn ha, năng suất bình quân gần 15 tấn/ha, sản lượng hơn 164 nghìn tấn. Hiện, Lâm Đồng là địa phương có năng suất và sản lượng chè cao nhất nước, chiếm 25% về diện tích và 27% về sản lượng.
Bát ngát đồi chè ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. |
Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng luôn đầu tư công tác chuyển đổi giống, tỷ lệ chè giống mới hàng năm chiếm 100% diện tích chè chuyển đổi toàn tỉnh. Cơ cấu giống chè đa dạng, với các tỷ lệ chè cành cao sản TB14, LĐ 97 (gần 60%); chè chất lượng cao kim tuyên, tứ quý, ô long, Ngọc Thúy (gần 13%); chè hạt (hơn 27%). Hàng năm, hơn 90% sản lượng giống chè cao sản và chè chất lượng cao của tỉnh đều phục vụ chế biến các sản phẩm trà đen, trà xanh, trà ô long và nhiều loại trà khác.
Có thể khẳng định, LĐ 97 là giống chè được chọn tạo từ nguồn gen tại tỉnh Lâm Đồng. Giống do tác giả bản quyền là nhà khoa học, Tiến sĩ Phạm S nghiên cứu.
Hiện chè LĐ 97 đã phát triển mở rộng sản xuất hàng nghìn ha tại tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh, như Gia Lai, Quảng Nam, Nghệ An, Tuyên Quang và Phú Thọ. Sản phẩm trà LĐ 97 đạt Huy chương Vàng tại Hội thi chất lượng sản phẩm chè Việt Nam năm 2003; sản phẩm chè hương LĐ 97 của doanh nghiệp chè Làn Hương (thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) đạt Huy chương Vàng tại Triễn lãm chè Việt Nam năm 2008.
Tiến sĩ Phạm S đại diện nhận "Sách vàng Sáng tạo Việt Nam" với cụm công trình nghiên cứu khoa học về chè do ông và cộng sự nghiên cứu, thực hiện. |
Tiến sĩ Phạm S cho biết, nguyên liệu chè LĐ 97 có thể làm ra nhiều sản phẩm nhất trong các giống chè ở Việt Nam và trên thế giới, như: trà xanh, trà trắng, trà đen, trà vàng, hồng trà, trà hương, trà phổ nhĩ (Pu erh tea) và nước giải khát trà (trà ẩm liệu-tea beverage). Thời gian qua, LĐ 97 là giống chè được nhiều doanh nghiệp ở Lâm Đồng đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao hơn một số giống chè khác và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đoàn Lâm Đồng tại sự kiện văn hóa trà thuộc chương trình Hội chợ triển lãm trà quốc tế Trung Quốc (Tea Expo). |
Trở lại với Hội chợ triển lãm trà quốc tế Trung Quốc (Tea Expo), Lâm Đồng là tỉnh duy nhất ở Việt Nam tham dự sự kiện trà quốc tế quan trọng này, với kỳ vọng giới thiệu những thành tựu về khoa học-công nghệ, chất lượng sản phẩm và tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ toàn cầu.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng Dương Quốc Anh được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cử làm trưởng đoàn tham dự. Tại hội chợ, diễn ra các chuỗi hoạt động kinh tế thương mại, khoa học và văn hóa, như tọa đàm “Ngành trà qua ống kính truyền thông”, diễn đàn trà Trung Quốc đổi mới năm 2023, lễ trao giải chương trình bình chọn chất lượng trà danh tiếng, lễ hội trà không biên giới và lễ vinh danh các chuyên gia, nhà khoa học có đóng góp xuất sắc cho ngành trà thế giới…
Gian hàng triển lãm của ngành trà Lâm Đồng tại Hội chợ triển lãm trà quốc tế Trung Quốc (Tea Expo). |
Theo chương trình, tại tọa đàm “Ngành trà qua ống kính truyền thông”, Tiến sĩ Phạm S có bài tham luận: “Ngành chè Lâm Đồng xác định các giải pháp đột phá để phát triển bền vững, chủ động hội nhập quốc tế”. Nhưng do điều kiện công tác, ông ủy quyền cho ông Dương Quốc Anh chia sẻ tại diễn đàn và được đánh giá cao về hàm lượng kiến thức về ngành trà. “Kết quả chuyến tham gia lần này của đoàn ngành chè Lâm Đồng vượt xa kỳ vọng. Đặc biệt, qua bài tham luận của Tiến sĩ Phạm S, đại diện ngành trà của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ dành sự chú ý rất cao với ngành chè Lâm Đồng nói riêng và ngành chè Việt Nam trong xu thế hội nhập toàn cầu”, ông Dương Quốc Anh chia sẻ.
Trong suốt quá trình công tác, Tiến sĩ Phạm S luôn dành nhiều thời gian nghiên cứu cây chè. Ông đã công bố hàng chục bài báo khoa học, tham gia nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế về chè; là tác giả 5 cuốn sách về chè; trực tiếp hướng dẫn và tham gia hướng dẫn đề tài, luận án cho hàng chục sinh viên và học viên cao học.
Tiến sĩ Phạm S còn chủ nhiệm đề tài và thành viên thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh và cấp quốc gia về chè trong nhiều năm liên tục; thực hiện dự án quốc tế do Ngân hàng Thế giới tài trợ ngành chè Việt Nam năm 2002-2004. Kết quả nghiên cứu của ông được chuyển giao, ứng dụng thực tiễn sản xuất đạt hiệu quả cao. Trong quá trình công tác, ông luôn định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung, ngành chè nói riêng.