Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Phục dựng lễ hội cầu mưa của người K’Ho - Đam Rông

  • 04/03/2024
  • s 10:26

(LĐ online) - Ngày 2/3, tại thôn 1, xã Đạ Long, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp cùng UBND huyện Đam Rông tổ chức phục dựng, tái hiện lễ hội cầu mưa (Nhô Dơng) của người K’Ho nhánh Cil.

Dựng cây nêu

Cây nêu được tạo tác công phu tạo nên không gian thiêng của lễ hội

Tham dự phục dựng lễ hội có đại diện lãnh đạo Sở VH-TT-DL, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đam Rông, đại diện lãnh đạo và các già làng, nghệ nhân, người có uy tín đến từ các buôn làng của 3 xã Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long cùng đông đảo đồng bào Nhân dân.

Già làng sắp đặt lễ vật

Trang trí cho lễ vật dâng cúng thần

 

Vật hiến sinh được tắm sạch

 

Trai gái trong làng cùng nhau chuẩn bị lễ vật

Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Hoàng Mạnh Tiến - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh nhấn mạnh: “Lễ hội thể hiện mong ước của con người là được khỏe mạnh, may mắn, phát tài phát lộc, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, bản làng yên vui, được gặp gỡ giao lưu sau những ngày lao động vất vả…

Đặc biệt, các lễ hội còn có chức năng cố kết cộng đồng, như một “mệnh lệnh thiêng” để đoàn kết tất cả cộng đồng cùng tham gia.

Cùng với sự phát triển, hình thái kinh tế xã hội thay đổi, phương thức lao động sản xuất gắn với những tập tục xưa của đồng bào K”Ho đang dần mai một, những lễ hội gắn với mùa màng, vòng đời cây lúa cũng mất đi. Việc tổ chức tái hiện lễ hội truyền thống nhằm ghi hình, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại; bởi qua lễ hội những đặc trưng nổi bật nhất của văn hóa, nghệ thuật dân gian cũng được thể hiện ra.

Tưng bừng đón khách

Việc phục dựng, tái hiện lễ hội cũng tạo môi trường tốt nhất để gìn giữ, phát huy các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, các trò chơi dân gian của cộng đồng dân tộc K’Ho. Nhất là trong bối cảnh hội nhập, mở rộng giao lưu văn hóa, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số vừa góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, vừa trở thành yếu tố độc đáo có sức cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Từ đó góp phần làm thay đổi đời sống của cư dân, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Không gian lễ hội

Lễ hội cầu mưa của đồng bào K’Ho - Đam Rông là lễ hội truyền thống giàu bản sắc, được lưu giữ trong đời sống các dân tộc thiểu số từ lâu đời trên vùng đất có khí hậu khắc nhiệt này. Việc phục dựng lễ hội cầu mưa nhằm lưu giữ một lễ hội dân gian có giá trị truyền thống tốt đẹp nhằm giáo dục truyền thống văn hóa, bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, củng cố tinh thần đoàn kết các dân tộc”.

Ba hồi tù và bắt đầu lễ hội

Với tín ngưỡng vạn vật hữu linh, lễ hội cầu mưa là phong tục tập quán có từ lâu đời của đồng bào K’Ho ở vùng Đầm Ròn xưa, Đam Rông ngày nay, cầu mong thần mưa cho mưa xuống tưới tắm núi đồi sông suối, cho cây trồng tốt tươi, cho con người bớt nóng, cho mặt trời dịu lại. Lễ hội thường diễn ra vào tháng 3 là dịp cao đỉnh của mùa khô, khi cái nắng nóng như muốn rút cạn kiệt mọi nguồn nước, thiêu cháy vạn vật.

Già làng gọi Yàng cầu xin thần linh cho mưa thuận gió hòa

Trong không gian linh thiêng với cây nêu được dựng lên, lễ vật là những hạt giống, thành phẩm lao động, bầu bí, xôi, gà, bắp, lúa… được bày trang trọng, già làng thành kính xin thần cho dân làng tổ chức lễ hội. Sau 3 hồi tù và, dân làng tụ hội. Già làng cất tiếng gọi “Ơ Yàng, các Yàng mây, Yàng mưa, Yàng sấm, Yàng chớp, Yàng sét. Này đây lễ vật dâng cho các thần. Thần dựng nêu anh, thần dựng nêu em, đứng chứng kiến khắp vùng này nhé. Hỡi thần núi, thần sông, thần trời, thần đất. Xin lạy ba thần cho mưa, cho gió. Xin cho mưa thuận, gió hòa, có lúa, có thóc, có bắp đầy nhà. Muốn có trăm gùi bắp, muốn có ngàn gùi lúa, ăn được chắc, bán được giá, con cái được ấm no. Ở nơi đây xin cho được giàu có, xin cho mọi người được khỏe mạnh, xin cho được bình an. Xin được sống đến già, đến bạc tóc, rụng răng. Sinh con muốn được khỏe manh, nuôi con muốn được lớn khôn. Hỡi thần cồng, thần chiêng! Đánh được nghe tiếng vang, thổi được nghe tiếng nhạc, đánh một buôn cả bảy buôn nghe, đánh bên này nghe được bên kia. Xin cho hạ chiêng xuống”.

Tiếng cồng chiêng rộn ràng nở đầu phần hội

Lễ hiến sinh (một con gà, một con dê) đã diễn ra trang nghiêm theo nghi thức truyền thống với lễ vật được dày công chuẩn bị, sắp đặt bằng tất cả lòng thành kính dâng lên các vị thần. Già làng lấy tiết gà bôi lên cây nêu, mặt chiêng và các lễ vật mong những lời khẩn cầu xin thần được linh ứng “Này đây dê, gà về với các thần. Về với thần mưa, xin thần cho con người nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa, cho cây lúa trĩu hạt vụ mùa sắp tới”.

Già làng thực hiện nghi thức hiến sinh

Sau lễ hiến sinh, già làng đã thực hiện nghi thức tắm dê. Bên cạnh cây nêu, già làng đã múc nước tưới lên mình chú dê được buộc sẵn. Theo kinh nghiệp dân gian và quan niệm của người K’Ho xưa kia ở vùng đất này thì đang giữa mùa khô, khi trời đang nắng nóng mà dê tìm nước tắm thì vài ba ngày sau trời sẽ đổ mưa lớn.

Bôi máu vật hiến sinh lên cây nêu

Dàn chiêng được hạ xuống, cả buôn làng cùng vào hội rộn rã với những bài chiêng đón khách, chào mừng quý khách, những vòng xoang không dứt, tiếng khèn bầu cùng hòa quện trong nhịp điệu nồng nhiệt. Những chóe rượu cần được mở ra, buôn làng cùng ăn, cùng uống, cùng hát lên những làn điệu dân ca, thổi lên những điệu nhạc, đánh lên tiếng chiêng rộn ràng.

Tiếng cồng chiêng rộn rã là gian âm của lễ hội

Vũ điệu xoang của các thiếu nữ

Trong lễ hội phục dựng, các nghệ nhân, đồng bào Nhân dân đã tham gia vào nhiều trò chơi dân gian như leo cột mỡ, lấy nước bằng quả bầu, kéo co, tạo lên không khí đoàn kết, vui tươi của ngày hội.

Trò chơi kéo co

Trò chơi kéo co

Lễ hội cầu mưa phục dựng tái hiện đã diễn ra một cách dân dã, tự nhiên, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giữ nguyên bản, trung thực với những giá trị truyền thống, những tri thức dân gian được truyền miệng qua các già làng, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng. Trong quá trình phục dựng, đồng bào thực sự là chủ nhân của lễ hội, tự mở hội, tự hòa mình vào các hoạt động, không thêm bớt các hình thức sinh hoạt văn hóa mới làm phai nhòa bản sắc lễ hội cầu mưa (Nhô Dơng) được các già làng kể lại. Phần hành lễ và phần hội diễn ra tự nhiên, không khiên cưỡng, áp đặt, mang đến cảm giác gần gũi, như chính những lễ hội ngày xưa ùa về - Già làng K’Tư cho biết. 

Trò chơi lấy nước vào bầu thể hiện sự khéo léo đảm đang của các cô gái

Trò chơi lấy nước vào bầu thể hiện sự khéo léo đảm đang của các cô gái

Thông qua việc phục dựng, tái hiện lễ hội các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy, các yếu tố văn hóa mới tiến bộ được lồng ghép nhằm tăng cường giao lưu quảng bá, giới thiệu, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc. Không chỉ làm tư liệu lưu trữ mang tính chất khoa học, mà hoạt động phục dựng này cũng góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, loại bỏ yếu tố lạc hậu, hủ tục không phù hợp trong đời sống cộng đồng.

QUỲNH UYỂN