Không chỉ tập trung vào việc mở rộng và kết nối với thị trường trong nước, tỉnh Lâm Đồng những năm qua đặc biệt chú trọng vào thị trường xuất khẩu nông sản.
Thu hoạch rau ở Đơn Dương |
Theo đó, trong năm 2023, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chế biến sâu với giá trị gia tăng và chất lượng cao như cà phê, rau, hoa, cây ăn quả và nhiều loại sản phẩm khác.
Hiện nay, thương hiệu các sản phẩm nông sản Lâm Đồng cũng đang ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường xuất khẩu. Đến cuối năm 2023, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt trên 500 triệu USD, chiếm hơn 51% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, sầu riêng là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Lâm Đồng. Sau khi nghị định thư xuất khẩu chính ngạch được ban hành và mã số vùng trồng được công nhận, sản lượng xuất khẩu sầu riêng đã tăng nhanh trong năm 2023. Dự kiến đến cuối năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng ước đạt 101,4 triệu USD, với hơn 22.482 tấn quả tươi và 1.850 tấn sầu riêng bóc múi xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc.
Mặt hàng rau cũng đóng góp quan trọng trong thị trường xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng. Trong năm 2023, lượng và giá trị xuất khẩu rau tăng nhanh, ước đạt trên 74 triệu USD, tăng 37% so với năm 2022. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của rau Đà Lạt là khu vực Đông Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Singapore và Thái Lan.
Ngoài ra, mặt hàng tơ thô cũng đóng góp đáng kể vào xuất khẩu của tỉnh trong năm qua. Dự kiến sản lượng tơ thô xuất khẩu đạt trên 1.050 tấn, tương đương khoảng 6.500 tấn kén tằm, chiếm 47% tổng sản lượng kén tằm của toàn tỉnh, với giá trị ước đạt 65,9 triệu USD.
Thông tin và số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh cho thấy, trong năm 2023, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã ưu tiên nguồn lực và chính sách hỗ trợ các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng các tiêu chí để phục vụ xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 67 mã số vùng trồng với tổng diện tích 3.527,19 ha, trong đó 65 vùng trồng sầu riêng với diện tích 3.416,19 ha (chiếm 16,3% tổng diện tích sầu riêng) và 2 vùng trồng chanh leo với diện tích 111 ha (chiếm 12,4% diện tích chanh leo). Đồng thời có 17 vùng trồng với diện tích 735,18 ha đã hoàn thành khắc phục và báo cáo đến Cục Bảo vệ thực vật theo kết quả kiểm tra của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Bên cạnh đó đã hoàn tất 89 hồ sơ đề nghị cấp mã vùng trồng với quy mô 3.678,55 ha; 20 hồ sơ đề nghị cấp mã cơ sở đóng gói với tổng diện tích nhà xưởng 22.586,0 m2.
Như vậy, khi các hồ sơ được hoàn thiện, toàn tỉnh sẽ có 7.085,74 ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, chiếm 33,8% diện tích sầu riêng toàn tỉnh.
Có thể thấy rằng, những năm qua, ngoài nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thông qua việc tăng cường kết nối với các thị trường truyền thống và thương mại điện tử. Việc chú trọng vào thị trường xuất khẩu cũng là một hướng đi đúng đắn. Thương hiệu các sản phẩm nông sản Lâm Đồng nhờ hướng đi này cũng đang ngày càng được công nhận trên thị trường quốc tế nhờ những nỗ lực nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển xuất khẩu nông sản, cần tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế và xây dựng các mối quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác xuất khẩu.