Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Khoa học, công nghệ là động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

  • 16/05/2024
  • s 08:01

Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) đã có nhiều đóng góp tích cực, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn. Nhân Ngày KHCN Việt Nam 18/5, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn TS. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này.

TS. Phạm S 
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

TS. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

- PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của ngành KHCN đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 45 năm qua?

- TS. PHẠM S: Ngày 01/3/1979, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 06/TC-UB về việc thành lập Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng. Sau nhiều lần đổi tên từ Ban Khoa học và Kỹ thuật thành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật; năm 1993 đổi tên thành Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường; từ năm 2004 đến nay là Sở KHCN tỉnh Lâm Đồng.

Ở mỗi thời kỳ, hoạt động ngành KHCN của tỉnh đã không ngừng phát triển, đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Hoạt động KHCN được cụ thể hóa bởi các chương trình KHCN trọng điểm của tỉnh theo từng giai đoạn với các chương trình, đề tài nghiên cứu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và đời sống. Việc triển khai nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh được thực hiện theo cơ chế đặt hàng, nhiệm vụ KHCN cấp huyện tập trung thực hiện các dự án ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu KHCN, do đó hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án có tính thực tiễn cao.

Đến nay, đã triển khai thực hiện được hơn 100 nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước và cấp tỉnh, hơn 400 nhiệm vụ cấp cơ sở, cấp huyện tập trung vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong sản xuất, đời sống của địa phương. Công tác phát triển thị trường KHCN, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu; quản lý an toàn bức xạ hạt nhân... đều triển khai rất tốt.

Có thể nói rằng, trong vòng 45 năm qua, ngành KHCN tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu; đánh giá thực trạng xác định những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó đặt ra những nội dung nghiên cứu với tầm nhìn dài hạn, giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn. Những kết quả nổi bật này thể hiện ở một số lĩnh vực cơ bản như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây dược liệu, du lịch chất lượng cao, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi...

Công nghệ sinh học nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào đã góp phần tạo bước đột phá trong nông nghiệp

Công nghệ sinh học nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào đã góp phần tạo bước đột phá trong nông nghiệp

- Ông có thể cho biết rõ hơn những thành tựu KHCN nổi bật của tỉnh?

- Từ một tỉnh sản xuất nông nghiệp truyền thống đa dạng cây trồng, vật nuôi, quy mô nhỏ lẻ, việc tiếp cận nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã diễn ra nhanh chóng. Đây là một phương thức sản xuất quy mô lớn, áp dụng thành quả KHCN. Do đó, KHCN đã góp phần tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh, đưa Lâm Đồng thành tỉnh đứng đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để thực hiện nông nghiệp ứng công nghệ cao thì trong các giải pháp về môi trường sinh thái, về công nghệ sinh học, về công nghệ tự động hóa, về công nghệ thông tin, công nghệ tự động hoá và hạ tầng kỹ thuật về nhà kính, nhà lưới cũng đặt ra.

Điều đặc biệt nổi bật nhất là lĩnh vực công nghệ sinh học, đã nghiên cứu toàn diện về giống và kỹ thuật canh tác: cây chè, cây cà phê, cây dâu tằm, cây rau, nhất là cây hoa... đã góp phần đưa Lâm Đồng trở thành một trung tâm sản xuất hoa của Việt Nam và thế giới; các chương trình dự án về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn được triển khai nhanh cả về quy mô và chất lượng. Đồng thời cũng đã tiến hành nghiên cứu về lĩnh vực dược liệu, đã điều tra, khảo sát toàn tỉnh hiện nay có 1.800 cây thuốc, nhiều cây thuốc từng bước nghiên cứu trở thành thương mại hóa. Riêng cây atiso đã nghiên cứu rất toàn diện từ quy trình trồng, nhân giống, chế biến thành sản phẩm, trở thành nơi cung cấp đa dạng sản phẩm atiso thực phẩm chức năng.

Trên cơ sở phát huy lợi thế, ngành đã nghiên cứu rất nhiều đề tài về phát triển du lịch, sản xuất những sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch. Đặc biệt là du lịch canh nông, du lịch cộng đồng, du lịch chất lượng cao và những giải pháp để phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh. Qua đó góp phần tạo tăng trưởng của ngành Du lịch năm sau cao hơn năm trước từ 12 - 14%. Trong năm 2023, ngành Du lịch của Lâm Đồng đứng thứ tư cả nước với lượng du khách đến với Lâm Đồng là 8,65 triệu lượt người.

Song song đó, ngành KHCN đã nghiên cứu khá toàn diện về chính sách đồng bào dân tộc thiểu số. Lâm Đồng hiện nay có 47 dân tộc anh em cùng chung sống, đây là điều kiện rất tốt để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng. Tuy nhiên, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, khả năng tiếp cận thông tin, trình độ KHCN cũng hạn chế. Vì thế, các nghiên cứu về lĩnh vực xã hội nhân văn đã đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp, thực hiện nhiều chính sách đầy đủ, phù hợp, kết hợp với việc ứng dụng các dự án KHCN đã góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lâm Đồng hiện nay tỷ lệ nghèo đa chiều giảm chỉ còn bằng 1/4 so với tỷ lệ nghèo trung bình của các tỉnh Tây Nguyên.

Ứng dụng KHCN đưa Lâm Đồng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp 
ứng dụng công nghệ cao

Ứng dụng KHCN đưa Lâm Đồng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

- Trong thời gian tới, ngành KHCN tỉnh sẽ tập trung triển khai những nội dung quan trọng nào, thưa ông?

- Những thành quả đạt được trong 45 năm qua thật đáng trân trọng và tự hào. Để KHCN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học của tỉnh phải nỗ lực không ngừng, bám sát thực tiễn để đề xuất, tham mưu chiến lược KHCN hàng năm, trung hạn và dài hạn, phục vụ thiết thực trong thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong vòng 45 năm qua, nhiệm vụ của ngành KHCN Lâm Đồng trong thời gian tới càng đặt ra rất lớn, đặc biệt là tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nông nghiệp sẽ đặt ra một vấn đề mới cao hơn, đó là chúng ta không chỉ tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mà cần tiếp tục phát triển toàn diện về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tái sinh. Đây là lĩnh vực quan trọng cần được quan tâm để chúng ta tạo một giá trị, năng suất, chất lượng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu. Đồng thời, đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, phát triển du lịch xanh, thì vấn đề nghiên cứu nguồn gen cây dược liệu quý, cây rau, hoa có giá trị cao, không trồng trong nhà kính, nhà lưới, từng bước chuyển dần tiến tới không sản xuất nhà kính trong vùng nội ô Đà Lạt, hài hòa để phát triển bền vững, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo hệ sinh thái, bảo vệ cảnh quan đô thị và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cây dược liệu cũng đặt ra vấn đề lớn, tỉnh Lâm Đồng đã có chương trình phát triển dược liệu đến năm 2030. Với 1.800 loài cây dược liệu, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung và lựa chọn nguồn gen để phát triển trong thời gian tới, vì yêu cầu dược liệu ngày càng lớn, xu hướng khoảng 80% nhu cầu thuốc trên thế giới là theo hướng chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược, tân dược sẽ giảm dần. Trong giai đoạn hiện nay, KHCN phát triển, trí tuệ nhân tạo cũng sẽ xác định được công thức tân dược, nhưng trí tuệ nhân tạo chưa thể xác định được công thức thảo dược, vì vậy đòi hỏi sự nghiên cứu của các nhà khoa học trong những năm tới.

Việc phát triển du lịch xanh, bền vững cũng được đặt ra, đặc biệt chúng ta sở hữu nhiều diện tích rừng có tính đa dạng sinh học cao. Vấn đề nghiên cứu du lịch canh nông, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tạo nên những tour tuyến hấp dẫn, góp phần thu hút lượng du khách đến Lâm Đồng nhiều hơn, kéo dài thời gian lưu trú cần được quan tâm.

Tiếp tục tiến hành đồng bộ các đề tài nghiên cứu về lĩnh vực KHCN và lĩnh vực xã hội nhân văn; nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh, với mục tiêu đến năm 2050 tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

- Cảm ơn ông!

QUỲNH UYỂN (thực hiện)