Với sức trẻ, nhanh nhạy tiếp cận và am hiểu công nghệ mới, anh Phí Văn Thìn - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Phi Liêng (Đam Rông) là người tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời mở ra hướng đi mới, tạo động lực, sức lan tỏa lớn cho người nông dân trên địa bàn huyện trong việc thay đổi tư duy, thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp địa phương.
Anh Phí Văn Thìn nuôi thiên địch để diệt các sinh vật gây hại cho cây trồng, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng |
Theo chân cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã, chúng tôi đến thăm trang trại ớt chuông của gia đình anh Phí Văn Thìn là nông dân tiên phong ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của địa phương. Anh Thìn chia sẻ, trước đây anh vốn là thanh niên Đội trí thức trẻ tình nguyện 30a của huyện, sau một thời gian, anh trở về với gia đình tập trung làm nông nghiệp, canh tác cà phê là chính. Qua tâm sự, một trong những yếu tố khiến anh quyết định chuyển đổi đầu tư vào lĩnh vực mới ở huyện Đam Rông và được xem mang tính đột phá này là do giá cả thị trường cà phê bấp bênh; khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương cũng khá tương đồng so với Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng... Mặc dù, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương còn mới lạ, thế nhưng tiềm năng và xu thế phát triển của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có nhiều triển vọng, nên sau một thời gian đi tìm hiểu, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của những người đi trước, anh Thìn đã về triển khai cho gia đình mình. Trong quá trình thực hiện, anh Thìn cũng gặp những trở ngại nhất định, bởi đây là cây trồng mới (so với Đam Rông), không được đào tạo bài bản, chủ yếu là tự tìm hiểu vừa học, vừa làm, kinh phí đầu tư xây dựng nhà màng cũng khá cao...
Anh Thìn cho biết: “Cuối năm 2018, tôi bắt đầu xuống giống, đến khi thu hoạch nhận thấy năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra không kém gì so với Đà Lạt. Với 0,6 ha, mỗi sào trung bình thu được từ 16 - 20 tấn, với giá bán 22.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu về từ 130 - 180 triệu đồng/sào/vụ. Ngoài trồng ớt chuông, thời gian qua, tôi còn trồng dưa Baby, dưa lưới và dâu tây. Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã giúp gia đình tôi giảm chi phí sử dụng nhân công, nhưng năng suất, chất lượng luôn đạt cao hơn so với những mô hình sản xuất theo hướng thông thường. Tuy nhiên, do diện tích canh tác nhỏ nên gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm”.
Với hiệu quả kinh tế của việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mang lại và để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, anh Phí Văn Thìn đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng diện tích nhà màng lên 1 ha; đồng thời, vận động các nông hộ trên địa bàn xã cùng tham gia. “Tháng 8/2020, chúng tôi đã thành lập HTX, có 8 thành viên tham gia, với tổng diện tích sản xuất trên 5 ha. Ngoài ra, chúng tôi đã mở rộng hộ liên kết lên 32 nông hộ với tổng diện tích lên đến 14 ha, vừa cung cấp đầu vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho bà con”, anh Phí Văn Thìn nói.
Với vai trò là Giám đốc HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, anh Phí Văn Thìn xác định rõ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phải đảm bảo an toàn môi trường, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật..., nên từ năm 2019, anh đã xây dựng quy trình trồng và chăm sóc ớt chuông và một số cây trồng khác do chính mình đã đúc kết được kinh nghiệm, kỹ thuật từ thực tế để truyền đạt cho các thành viên của HTX; đồng thời, đang thực hiện phương pháp nuôi thiên địch (như chim, bọ xít, nhện) để diệt các sinh vật, côn trùng gây hại cho cây trồng. Trong thời gian tới, phương pháp này sẽ được anh phổ biến, ứng dụng rộng rãi cho các thành viên và người dân, góp phần cho ra các sản phẩm đảm bảo sạch, thân thiện với môi trường và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và người sản xuất.