Những năm qua, huyện Cát Tiên đã phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế về giao thông, vị trí địa lý để thu hút đầu tư, điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp, thúc đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được duy trì, phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn.
Đến nay, huyện Cát Tiên đã có 23 sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm xếp hạng từ 3 - 4 sao |
Ông Bùi Văn Văn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết, sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13, UBDN huyện Cát Tiên đã tham mưu Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 82 về thực hiện phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, UBND huyện Cát Tiên đã ban hành các văn bản nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy và lồng ghép trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương để triển khai thực hiện, chủ động xây dựng chương trình kế hoạch của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong đó, huyện Cát Tiên xác định mục tiêu đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp có chọn lọc, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, các ngành mũi nhọn của huyện theo hướng hiện đại, bền vững. Tạo bước đột phá trong công nghiệp chế biến trên cơ sở khai thác thế mạnh nguồn nguyên liệu và tài nguyên sẵn có của địa phương.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Cát Tiên hoạt động ổn định trở lại theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt và tiếp tục có sự phát triển. Định hướng phát triển công nghiệp phù hợp với lợi thế nguồn nguyên liệu tại phương; quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, chế biến tiếp cận nguồn vốn, đổi mới thiết bị, máy móc áp dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất.
Cụ thể, hiện nay, trên địa bàn huyện có 13 cơ sở chế biến nông sản, với quy mô vừa và nhỏ. Việc áp dụng công nghệ trong sản xuất là sự kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại, giữa thủ công và cơ giới, bảo đảm về kỹ thuật công nghệ, vệ sinh môi trường. Huyện Cát Tiên khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở ngành nghề ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến để sản xuất ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của làng nghề, làng nghề truyền thống.
Trong phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, huyện Cát Tiên đã tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp; duy trì và phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn có thế mạnh về nguồn nguyên liệu như mộc dân dụng, đồ thủ công mỹ nghệ, mây tre, đan lát... phục vụ tiêu thụ nội địa và hướng đến xuất ra thị trường ngoài huyện. Đối với các cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ tại trung tâm xã, thị trấn tiếp tục được mở rộng quy mô sản xuất để cung cấp sản phẩm phục vụ xây dựng như cửa hoa, cửa sắt, cửa kính khung nhôm, sản xuất các sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp như nông cụ cầm tay, máy móc phục vụ sơ chế và bảo quản sản phẩm nông nghiệp...
Địa phương cũng khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và điện mặt trời trên các hồ thủy lợi, đất xấu, năng suất thấp để khai thác tiềm năng. Trên địa bàn huyện có 75 cơ sở điện năng lượng mặt trời, trong đó 14 cơ sở 100Kw trở lên. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện đầu tư hiện đại hóa ngành điện, có khả năng tích hợp cao với nguồn năng lượng tái tạo, nâng cao khả năng bảo đảm an ninh mạng lưới điện và chất lượng dịch vụ điện…
Đặc biệt, triển khai Chương trình OCOP, huyện Cát Tiên đã tập trung đổi mới tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp làm trung tâm để thực hiện các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững; có 17 sản phẩm nông sản được truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch, mã QR và tham gia vào sàn thương mại điện tử để bán online. Toàn huyện đang có 23 chuỗi liên kết và đang hình thành thêm 4 chuỗi liên kết với diện tích 2.600 ha, chiếm khoảng 13,33% diện tích sản xuất toàn huyện. Riêng triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, huyện Cát Tiên đã có 23 sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm xếp hạng từ 3 - 4 sao.
Cùng với đó, huyện Cát Tiên hiện đang phát triển làng nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch và dịch vụ. Hiện toàn huyện có 1 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và dạy nghề đan lát Khu 6, thị trấn Cát Tiên; có 1 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Buôn Go, thị trấn Cát Tiên và 1 làng nghề dệt may thổ cẩm tại Thôn 4, thị trấn Cát Tiên.
“Trong thời gian tới, huyện Cát Tiên sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện tốt công tác phối hợp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở các xã, thị trấn gắn với sản phẩm truyền thống của địa phương và phát triển du lịch, dịch vụ; xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp và chú trọng giải quyết vấn đề liên quan đến môi trường…”, ông Văn cho hay.