Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Bài dự thi Cuộc thi viết về xây dựng nông thôn mới: Xây nông thôn mới từ những con người biết hy sinh

  • 29/07/2024
  • s 10:00

(LĐ online) - Từ một miền rừng hoang sơ với đa phần là đường đá cấp phối, đường đất và đường mòn, qua 14 năm xây dựng nông thôn mới, hàng ngàn hộ gia đình đã hiến đất làm đường để Đam Rông hôm nay có những con đường trải nhựa, đổ bê tông băng rừng, vượt suối, vươn đến từng buôn làng, từng góc núi xa xôi.

• NHỮNG CON ĐƯỜNG MỞ TỪ LÒNG DÂN

Đường đến buôn làng trên địa bàn xã Đạ Tông, huyện Đam Rông được mở rộng khang trang

Đường đến buôn làng trên địa bàn xã Đạ Tông, huyện Đam Rông được mở rộng khang trang

Hơn 1.400 m2 đất bằng phẳng nằm cạnh đường giao thông thuận tiện đang cho những vụ lúa bội thu, cách đây 7 năm, vợ chồng ông Ha Krai và bà K’Văn (58 tuổi, thôn Ða Xế, xã Ðạ M'rông) đã tình nguyện hiến phần đất này chỉ với mong muốn "đồng bào mình có đường để đi, buôn làng mình no ấm". 

Con đường bê tông rộng 6m uốn lượn trong thung lũng nối buôn làng Đa Xế với Tu La trước đây là đường đất hẹp như bờ ruộng, mùa mưa lầy lội, mùa khô ngập đất đỏ, chỉ có thể đi bộ mới an toàn. Mỗi mùa thu hoạch, vất vả lắm bà con mới mang được cà phê, lúa, hạt điều từ ruộng rẫy về nhà, còn trẻ em trong buôn đến trường lúc nào cũng lem nhem bùn đất. 

Nhà ở ngay đầu đường, biết rõ xây dựng nông thôn mới là xây nên cuộc sống mới cho chính mình, Ha Krai tự nguyện phá dỡ hàng rào, lùi vào đất nhà mình 7 m, dọc theo mặt đường 60m, hiến hơn 400 m2 đất để làm đường. Thấy hành động gương mẫu của vợ chồng Ha Krai, hơn 30 hộ gia đình dọc tuyến đường đã tự tháo dỡ lùi hàng rào để con đường nhanh chóng được thi công bằng 100% ngân sách nhà nước... Giờ đây xe tải, xe công nông thênh thang chở cà phê, lúa bắp về tận nhà.

Công trình nhà văn hóa trên địa bàn xã Đạ Tông, huyện Đam Rông

Thửa ruộng rộng 1.000 m2 nằm trước nhà ngay bên con đường bê tông, Ha Krai tiếp tục hiến để xây nhà văn hóa thôn Đa Xế. Gia đình ông Ha Krai không khá giả gì vì phải nuôi 6 người con ăn học, mảnh ruộng này hàng năm cho thu hoạch cả tấn lúa nhưng “nhà nước đầu tư cả tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa để đồng bào mình sinh hoạt hội họp, trẻ em trong buôn có chỗ vui chơi thì mình hiến một ít đất vì đồng bào mình cũng không đáng là gì. Đất mình hiến thì vẫn còn đó, bà con mình cùng sử dụng, nếu bán để lấy tiền thì ăn tiêu rồi cũng hết, biết bao nhiêu là đủ” - ông Ha Krai nói.  

Là người con của vùng đất Đầm Ròn xưa (Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long bây giờ), cũng giống như ông Ha Krai, ông Rơ Lick Y Dring (thôn Đa Tế, xã Đạ M’rông) từng trải qua những tháng năm đằng đẵng sống biệt lập giữa núi rừng thâm u, để đi ra khỏi Đầm Ròn, đồng bào nơi đây chỉ có một con đường mòn duy nhất là leo dốc lên Đưng K’Nớ - Lạc Dương, hoặc vượt sông Krông Nô qua Đắk Lắk. Chính vì đường xá cách trở nên phần nào đã làm cho nghèo đói bủa vây buôn làng. Hiểu rõ giá trị của những con đường, gia đình ông Rơ Lick Y Dring đã hiến trên 3 sào đất, góp công góp của để mở tuyến đường từ Đạ M’rông băng sang Đạ R’sal.       

Để làm đường Đạ M’rông - Đạ R’sal phải san bạt 18.800 m2 đất lâm nghiệp và trên 151.500 m2 đất nông nghiệp của 131 hộ dân và 1 doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn 2 xã Đạ M’rông, Đạ R’sal. Phần lớn các hộ có diện tích đất nằm trong khung tuyến đường đi qua đều là người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Diện tích đất giải tỏa đa phần là đất trồng cây công nghiệp, hoa màu đang cho thu hoạch nuôi sống họ hàng ngày.

Đường liên thôn, liên xã trên địa bàn huyện Đam Rông được chú trọng đầu tư

Ý thức được một con đường hình thành sẽ phá đi thế bí, tạo nên sự đổi thay, các hộ dân nơi đây đều tình nguyện hiến đất mà không đòi tiền bồi thường. Số cây trồng trên đất mà huyện bồi thường cho người dân có đất giải tỏa chỉ hết gần 1,3 tỉ đồng.

Cùng với gia đình ông Rơ Lick Y Dring, 130 hộ gia đình và 1 doanh nghiệp cũng tự nguyện hiến đất để con đường sớm hoàn thành. Đường Đạ M’rông - Đạ R’sal có bề rộng nền đường 7m, lòng đường 4m, trải bê tông nhựa với tổng kinh phí trên 63 tỉ đồng; trong đó, vốn JICA của Nhật 34,5 tỉ còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh. Con đường mở ra đã phá thế độc đạo, mở ra sự thông thương giữa 3 xã Đầm Ròn đến những nơi phát triển.

Ở xã Liêng Srônh, từ 12 tỷ đồng được Nhà nước đầu tư, con đường vào khu sản xuất Đạ R'măng dài 5km đã được mở rộng khang trang nhờ sự tự nguyện hiến 40.000 m2 đất nông nghiệp và 3.150 cây trồng trên đất đang cho thu hoạch của 58 hộ dân. Trong đó, gia đình ông Long Dưng Ha Tưng (Thôn 1) đã hiến 200 m2 đất và 40 cây trồng; gia đình ông Bon Dơng Ha Siết (Thôn 1) tự nguyện hiến 100 m2 đất và 20 cây trồng…

Riêng trong năm 2022, tuyến đường Bon Tợp (xã Liêng S'rônh) dài 1km đã khởi công mở rộng hoàn thành nhanh chóng khi 23 hộ dân ven đường tự nguyện hiến hơn 30.000 m2 đất và 1.000 cây trồng trên đất. Gia đình ông Rơ Ông Ha Hiếu (Thôn 2) đã không đắn đo tự nguyện hiến 450 m2 đất ngay mặt đường và 180 cây trồng vào đúng thời điểm “tấc đất tấc vàng” dù cuộc sống chưa dư dả.

"Ai cũng ý thức được việc xây dựng nông thôn mới là mang lại lợi ích thiết thực cho chính mình, hiến đất làm đường để cả cộng đồng cùng hưởng lợi, trong đó có gia đình mình" - ông Rơ Ông Ha Hiếu tâm sự.

• THÊNH THANG ĐƯỜNG ĐẾN NÔNG THÔN MỚI

Công trình văn hóa được xây dựng trên địa bàn huyện Đam Rông

Cách đây 14 năm, khi nói đến nông thôn mới, Đam Rông đứng trước ngổn ngang trăm mối. Đụng đến tiêu chí nào cũng khó. Huyện đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, có đến hơn nửa số hộ dân nghèo đói, nhưng lòng người thì không nghèo mà luôn rộng mở. Đường mở đến đâu, đồng bào nức lòng đến đó, họ cùng nhau tự lùi hàng rào vào phía sân nhà mình để con đường được rộng ra, dài thêm.  

Hiểu được ý nghĩa cộng đồng to lớn muốn phát triển kinh tế thì phải có đường, có mạng lưới giao thông tốt, 100% hộ dân đã tự nguyện hiến đất mở đường, làm đường. Từ những con đường lớn đến đường thôn, ngõ xóm, huyện chỉ phải đền bù số cây trồng trên đất. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, toàn huyện có hàng nghìn hộ dân tự nguyện hiến trên 240 ha đất để xây dựng các tuyến đường giao thông trên địa bàn toàn huyện.

Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn có sức lan tỏa mạnh, được người dân đồng tình, ủng hộ. Đam Rông xây nông thôn mới từ xuất phát điểm rất thấp, nhờ bà con Nhân dân sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, vì cộng đồng, vì sự phát triển, đổi mới trên quê hương mình nên cùng nhau hiến đất. Nếu không có những con người biết hy sinh, cố hữu bo bo giữ cho riêng mình thì nông thôn mới khó thành.

Đường giao thông góp phần làm thay đổi đời sống của người dân huyện Đam Rông

Sự đồng thuận, chung sức đồng lòng của người dân cùng chính quyền địa phương đã nhanh chóng làm nên những con đường khang trang. Để có được niềm tin ấy, chính quyền địa phương đã thực hiện công khai, minh bạch mọi thông tin dự án nhà nước hỗ trợ đầu tư; tổ chức họp dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; cùng dân bàn bạc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để cùng sẻ chia gánh vác. Việc hiến đất của các hộ dân trên địa bàn toàn huyện là việc làm đáng trân trọng.

Cùng với Quốc lộ 27 và đường tỉnh 722, 724 được thường xuyên tu sửa, cải tạo, nâng cấp, hệ thống giao thông liên xã, liên thôn của Đam Rông không ngừng được hoàn thiện. Đến nay, 100% các tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã được nhựa hoá; các tuyến đường xã, đường thôn cơ bản được cứng hoá đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cả hai mùa.

Những con đường "nhà nước và nhân dân cùng làm" đã góp phần kết nối vẻ đẹp văn hóa của đồng bào K'Ho đến những miền xa

Mật độ đường giao thông so với dân số toàn huyện 57,4 m2/người. Cụ thể, toàn huyện Đam Rông có 25 tuyến đường trục xã, tổng chiều dài 124,8 km; đường trục thôn 161,4 km; đường trục chính nội đồng 32,6 km. Giao thông nông thôn đã được cứng hóa đạt trên 80% và đạt tiêu chí nông thôn mới.

Hiện nay, Đam Rông có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; chỉ còn xã Đạ Long và Liêng S’rônh đã đạt 18/19 tiêu chí, còn một tiêu chí chưa đạt là nghèo đa chiều. Đam Rông phấn đấu 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024, để hoàn thiện hồ sơ xét, công nhận huyện Đam Rông đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Có những con đường thênh thang đã mở, đích nông thôn mới của Đam Rông đã ở rất gần.

QUỲNH UYỂN