Kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng những năm qua đã và đang giữ vai trò quan trọng, tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và là một trong những thành phần kinh tế quan trọng của địa phương. Tại TP Đà Lạt, dự kiến hết năm 2024, kinh tế tập thể sẽ tiếp tục có bước phát triển, năng lực sản xuất, kinh doanh ngày càng được bổ sung, tăng cường.
TP Đà Lạt đang nhân rộng nhiều mô hình HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ gắn với chuỗi giá trị |
Là địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế tập thể của tỉnh, thống kê tới nay trên địa bàn TP Đà Lạt có 97 hợp tác xã (HTX) đang theo dõi hồ sơ trên hệ thống thông tin quốc gia; có 28 tổ hợp tác (THT) và hầu hết đều hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp.
Tổng số thành viên HTX là 7.089 thành viên, trong đó tổng số thành viên góp vốn của các HTX tín dụng là 5.219 thành viên, số thành viên tham gia HTX lĩnh vực vận tải khách, taxi là 1.000 thành viên, tổng số thành viên của các HTX thuộc lĩnh vực khác là 870 thành viên.
Với khoảng 3.610 lao động (không tính số thành viên góp vốn tại các HTX tín dụng), thống kê doanh thu bình quân một HTX đang hoạt động (không tính HTX tín dụng và HTX vận tải, taxi) đạt gần 3,9 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế đạt 778 triệu đồng/HTX/năm và thu nhập bình quân của lao động đạt 60 triệu đồng/năm.
Mặc dù tính về số lượng HTX lĩnh vực tín dụng và thương mại, dịch vụ chiếm số lượng thành viên lớn nhưng điểm nhấn kinh tế tập thể tại Đà Lạt lâu nay vẫn là lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX lĩnh vực này đã phát huy rất tốt nội lực sẵn có, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến, HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Song Vũ… Các HTX này ban đầu chỉ có 5 - 7 thành viên nhưng qua từng năm có bước phát triển mạnh mẽ, mở rộng cả trăm hộ liên kết và hoạt động hiệu quả, thu nhập cao theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Và với thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, nhiều HTX, THT đã đưa rau, củ, quả Đà Lạt với tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP sớm có mặt trên toàn quốc, trong hệ thống các siêu thị Metro, Coopmart, Maximark… Sản phẩm không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn vươn ra thị trường thế giới, xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước châu Âu.
Bên cạnh những thuận lợi, theo UBND TP Đà Lạt, lĩnh vực kinh tế tập thể cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như giá cả nguyên vật liệu đầu vào biến động. Những hạn chế vốn có của kinh tế tập thể chưa được khắc phục như: Quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, thiếu vốn hoạt động, hiệu quả kinh doanh thấp; việc tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh còn khó khăn do các quy định về điều kiện cho vay tại các ngân hàng thương mại và của quỹ đầu tư và phát triển do không có tài sản thế chấp; trình độ năng lực của đa số cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa được đào tạo về cơ bản, thiếu tính nhạy bén và năng động trong tổ chức điều hành sản xuất, kinh doanh.
Để TP Đà Lạt xứng đáng với sự kỳ vọng là mảnh đất lành cho kinh tế tập thể phát triển bền vững thời gian tới, thành phố xác định doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể là trung tâm, nông dân là chủ thể trong chiến lược phát triển nông nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2025, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục xác định những nhóm giải pháp mới để tăng tốc, sẵn sàng gia tăng hàm lượng công nghệ đột phá khoảng 8.500 ha diện tích ứng dụng công nghệ cao, chiếm tỷ lệ 85% trên tổng diện tích đất canh tác, đạt giá trị thu hoạch sản phẩm bình quân 500 triệu đồng/ha/năm...
Cùng với đó, địa phương chú trọng phát triển kinh tế hợp tác (trọng tâm là HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, hình thành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Giải pháp xuyên suốt của ngành Nông nghiệp Đà Lạt là cơ cấu lại sản xuất theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại theo quy hoạch, từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo quy hoạch. Tiếp tục phối hợp triển khai xây dựng Trung tâm Giao dịch hoa, triển khai hiệu quả Chương trình OCOP. Chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dần từ lao động nông nghiệp thuần túy sang lao động nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện đại, được đào tạo nghề, kỹ thuật chuyên sâu.
Trên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã đầu tư chế biến nông - lâm sản, đầu tư hoàn thành cơ sở hạ tầng điểm công nghiệp Phát Chi - Trạm Hành. Khôi phục và phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như: tranh thêu tay nghệ thuật, sản xuất rượu cần, dệt thổ cẩm, sản xuất hoa đất, hoa sấy khô,… Đẩy mạnh phát triển dịch vụ có lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng về du lịch, nông nghiệp, giáo dục, khoa học công nghệ, viễn thông, tài chính,…
Mục tiêu trước mắt theo UBND TP Đà Lạt là từ nay tới hết năm 2024 thành phố có thêm ít nhất từ 5 - 7 HTX, 1 - 2 THT được thành lập mới hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp nhằm tăng doanh thu bình quân của các HTX từ 5 - 10%, lợi nhuận bình quân của HTX tăng 5 - 10% so với năm trước.