Quốc lộ 55 dài 219 km bắt đầu từ TP Bà Rịa chạy dọc ven biển qua Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Hàm Tân, Lagi sau đó ngược lên Tây Nguyên kết thúc tại ngã ba Đại Bình, Quốc lộ 20 thuộc TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đây là con đường nối biển mặn - chè xanh, nơi nhiều dân “đi phượt” tây, ta muốn trải nghiệm biển và rừng.
Vùng nguyên liệu trà tại Bảo Lâm |
Mới đây, trong chuyến đi xe máy trên Quốc lộ 55, đoạn đường từ Lagi về Bảo Lộc, tình cờ gặp người đồng hành tên là Crusoz, 35 tuổi, Tiến sĩ Xã hội học người Nhật gốc Mexico cũng đang đi ngược về xứ B’Lao để tìm hiểu về văn hóa trà người Việt ở cao nguyên.
Khi xe lên đèo qua công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, tôi bỗng nhớ hơn 15 năm trước làm phiên dịch cho một công ty Nhật tham gia công trình này. Ngày ấy, tập đoàn của Nhật thuê rất nhiều công nhân Srilanka làm thuê theo các gói thầu. Qua nhiều lần tiếp xúc với họ, tôi phát hiện trong những thanh niên da nâu này đều rất giỏi về tay nghề và tiếng Anh. Có lần được mời đi ăn cơm bốc với họ, từ chỗ thân tình, tôi hỏi một công nhân lái xe múc rằng, tại sao trong các ông, ai cũng có tay nghề cao và tiếng Anh giỏi thế! Anh ta vừa dùng tay xoe xoe vo tròn viên cơm chuẩn bị đưa vào miệng vừa cười rất thoải mái trả lời: “Ở Srilanka chúng tôi, chính phủ quy định, học sinh cấp I học 100% tiếng mẹ đẻ, cấp II học 50% tiếng bản xứ 50% tiếng Anh, vào cấp III là 75% tiếng Anh và vào đại học 100% tiếng Anh, để sau này đi bất cứ nước nào cũng có thể tìm được việc, gọi là công dân toàn cầu. Còn tiếng Anh đối với chúng tôi là ngôn ngữ thứ hai chứ không phải là ngoại ngữ”. Ngày ấy, đối với tôi, thuật ngữ công dân toàn cầu có điều gì đó xa lạ, mơ hồ.
Lần này tình cờ gặp Crusoz - người có học hàm, tôi hỏi: “Ông là tiến sĩ, sao đi lang thang một mình như người thất nghiệp thế ông!”. Crusoz ngửa mặt lên trời cười sằng sặc: “Câu này tôi nghe mấy người hỏi rồi, thời buổi này đâu còn học một lần mà phải học suốt đời để tồn tại theo cuộc sống số. Tôi đi thế này là trải nghiệm và học thêm những điều mình chưa biết để tập làm công dân toàn cầu đó mà”. “Vậy tí nữa ghé quán nước ở xứ trà B’Lao nghỉ mệt, ông giải thích cho tôi nghe thế nào là công dân toàn cầu nha ông!”. Crusoz vừa chạy xe máy vừa hét lên OK át cả tiếng nổ của động cơ.
Một tiếng đồng sau, chúng tôi ghé quán nước nhà vườn gần ngã 3 Đại Bình trên Quốc lộ 20 gọi 2 ly cà phê hòa tan. Crusoz vươn vai thở phào thì thầm vào tai tôi: “Đây là chuyến đi tìm hiểu về văn hóa trà người Việt ngay tại vùng đất trà nhưng rất tiếc là ông đã gọi cà phê, mình đổi món được không!”. “Chắc được, để tôi nói với chủ quán đổi ly chè xanh” - Tôi trả lời. “Chè xanh là gì!” - Anh tò mò. Lại phải giải thích với mấy chú Tây ba lô về món nước uống dân dã của người Việt mình từ các công đoạn hái pha chè tươi nguyên chất. Cruzo chăm chú nghe xong vui ra mặt, anh nốc cả ly chè tươi một cách khoan khoái rồi vỗ tay đôm đốp. Trong nghề phiên dịch của tôi, ít khi gặp những tình huống như này, vì đa số thời gian làm việc trong văn phòng rồi đi ăn ở các nhà hàng sang trọng vừa tiếp tục công việc vừa thể hiện sự hiếu khách và tôn trọng đối tác. Sau chương trình nghị sự có thể đi du lịch một vài điểm gần đó để họ nhận ra sự giàu đẹp và thân thiện của nước chủ nhà, nhưng đối với dân phượt đó là điều xa xỉ. Họ muốn trải nghiệm lăn lóc đời thường để khám phá một vùng đất, sự thân thiện của người bản xứ đối với khách lạ, nhất là các nhà xã hội học như Crusoz là điều cần thiết. Là người đi phượt có học hàm nên anh rất thích nghe những câu chuyện đời thường của nước khác nhất là câu chuyện trường học trường đời của người Việt. Đã có hai lần anh đề nghị tôi giải thích về sự khác biệt giữa hai trường này. Được dịp giới thiệu về nước mình, tôi thân tình giải thích với anh rằng ở Việt Nam trường đời khác với trường học ở chỗ, trường học được học trước rồi thi sau, còn trường đời sẽ bị khảo sát trước về kỹ năng thái độ và năng lực của mình rồi mới học sau. Đối với loại trường thứ hai này, đôi khi chúng ta phải trả giá hoặc đánh đổi bằng máu, nhiều khi cộng thêm sự tủi nhục mới có thể trở thành người nhập cuộc. Crusoz nghe xong có vẻ trầm tư rồi mang quyển sổ nhỏ ra ghi cẩn thận hàng chữ differences in School và out School.
Nghe xong trường đời của tôi kể, Crusoz tiếp tục: “Nhân nghe chuyện của ông, tôi xin phép chuyển sang câu chuyện công dân toàn cầu mà tôi đã hứa với ông trên đường đi. Như ông biết, cuối thế kỷ XX sang XXI, sự kiện lớn nhất là ông Bill Gate - cha đẻ của ngành công nghệ thông tin toàn cầu, mở đầu bằng Microsoft tiếp theo các chương trình khác được các nhà IT (kỹ thuật tin học) phát minh thêm như facebook, zalo, instagram, messenger, twitter, tiktok, telegram... được phát minh ra phục vụ cho nhu cầu con người đã cho thấy toàn cầu đã kết nối với nhau qua wifi, đòi hỏi con người trên quả đất này phải biết sử dụng để tồn tại. Thành quả khoa học ấy tạo cho con người gần nhau theo cuộc sống số, nhất là lớp trẻ chọn nghề dựa theo nguyện vọng, chúng nó chỉ cần lên mạng vài giây sẽ biết ngay trường ở đâu, học phí bao nhiêu theo khả năng của mình. Và thị trường lao động chạy theo xu thế toàn cầu hóa, các nước có nền công nghệ cao họ đã và đang sử dụng robot thay thế con người. Thời nay ở các nước phát triển, người làm việc văn phòng không cần phải lên cơ quan ngồi 8 tiếng, họ có thể làm việc tại nhà chuyển kết quả công việc qua mạng lưới nội bộ, vì họ là những con người thời kỹ thuật số, còn gọi là công dân toàn cầu (Global citizen). Vì vậy để có thể trở thành công dân như thế này, ngoài kiến thức tay nghề chuyên nghiệp, thế hệ trẻ phải giỏi ngôn ngữ thứ hai. Thời đại bây giờ, tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, giỏi tiếng Anh, con người có thể đi bất cứ nước nào trên thế giới. Thế hệ trước học 1 lần rồi sử dụng kiến thức đó làm việc suốt đời, nhưng sau thời Bill Gate mà chỉ chọn phương cách đó sẽ chết vì họ không cập nhật được sự tiến bộ xã hội toàn cầu. Ông Peter Schwatz người Mỹ, nhà kinh doanh trên toàn thế giới, người từng là cố vấn cho 2 đời Thủ tướng Singapore đã nói rằng: "Kỹ năng quan trọng nhất để tồn tại trong thời đại bây giờ là khả năng tự học, học suốt đời". Ông thường nhắc đến câu nói của Alvin Toffler - nhà tương lai học người Mỹ, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Fortune: “Người mù chữ trong thế kỷ thứ 21 sẽ không phải là những người không biết đọc, không biết viết mà là những người không có khả năng tự học để hội nhập cái mới". Vai trò của nhà trường trong thời đại bây giờ không phải là nơi để dạy kiến thức cho học sinh ghi chép nữa mà là dạy các kỹ năng tự học, giao tiếp, đàm phán để tự định hướng cho đời học sinh”.
Lúc đến Bảo Lộc, Crusoz nhìn những đồi chè cao nguyên xanh mướt chạy dài xa tít, anh có vẻ rất thích thú đưa máy ảnh bấm theo nhiều góc độ khác nhau rồi quay sang tôi cười thoải mái: “Trong cuộc hành trình này, mục đích của tôi là tận mắt xem hình ảnh cây trà đang sống và tìm hiểu về văn hóa thưởng thức trà của người bản địa, nghe ông nói ông là dân xứ trà, Bảo Lộc, ông có thể chia sẻ với tôi về văn hóa thưởng thức loại nước uống này được không!”. Tôi bắt tay Crusoz rồi dẫn anh đi ven theo các vườn trà đến đỉnh đồi có thể nhìn ngắm cánh đồng xanh xung quanh rồi giải thích: “Ở Việt Nam, trà có 2 chức năng, một là loại nước uống thường ngày từ chè tươi mà ông vừa trải nghiệm, còn thưởng thức trà là loại khô đã ướp sấy đóng thành phẩm để xuất đi trong và ngoài nước. Người địa phương như chúng tôi thường uống trà khô vào buổi sáng theo các bước như: Đánh thức bình ly, đánh thức hồn trà và cuối cùng là đánh thức lòng người qua ly trà nóng tỏa hương. Ngay trong hương vị bốc lên từ ly trà nóng, tự nó đã mang hồn của đất và người. Người Việt mang một tâm thức rằng, uống 1 ly trà mang nội hàm nhớ ơn cả người và đất. Vì vậy câu chuyện đặt trên bàn trà hàng ngày thường rất tình cảm, nhẹ nhàng và sâu lắng mang tính nhân văn. Là một tiến sĩ xã hội học, chắc ông biết con người mặc quần áo đẹp đi xe đắt tiền chưa hẳn là người có nhân cách tốt có khả năng ứng xử một cách có văn hóa. Đối với người uống trà chuyên nghiệp, khi nhìn người đối ẩm từ cách ngồi, cầm ly và sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp biết ngay đẳng cấp của họ. Như ông biết thưởng thức trà ban đầu nóng chát màu sắc lợn cợn nhưng cuối cùng là biếc một màu, vị trà đậm đà có hậu như đoạn cuối đời người... Nói chuyện về văn hóa B’Lao quê tôi phải mất cả ngày, ông nên tìm đến các cao nhân để biết thêm về đất nước tôi trong chuyến đi này, ông nhé!”.
Chia tay Tiến sĩ Crusoz lúc giữa cuộc hành trình. Lúc bắt tay từ biệt, Crusoz thân tình vỗ vai tôi thì thầm: “Nghe câu chuyện thưởng thức trà của xứ B’Lao, tôi nhận ra làm 1 công dân toàn cầu không phải dễ dàng, biết bao nhiêu điều mình chưa biết. Lâm Đồng của ông là xứ sở giàu đẹp, đang chuyển đổi xanh, màu xanh hy vọng từ đồi chè đến đồi thông rồi du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đã có nền móng rồi. Hôm qua, tôi mới xem báo thấy chính phủ nước ông đã chính thức đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai chứ không phải là ngoại ngữ nữa. Điều đó sẽ chắp cánh cho thế hệ trẻ trong giao tiếp và dễ dàng tiếp cận kỹ thuật thế giới để làm công dân toàn cầu ông ạ!”.