Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Cơ sở dữ liệu là nền tảng để chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh

  • 03/10/2024
  • s 16:48

(TITC) - Nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), ngày 01/10/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình”.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TITC

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Đạo Cương - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ VHTTDL; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Phạm Đức Long - Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương - Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an; về phía Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cùng lãnh đạo Trung tâm Thông tin du lịch tham dự; cùng sự tham gia trực tiếp của hơn 150 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các Cục, Vụ, đơn thuộc Bộ VHTTDL và hơn 1.000 lượt theo dõi trực tuyến. 

Dữ liệu trở thành một trong những nguồn lực quý giá nhất

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã có bài viết: "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Mới đây, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

"Chính nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt này giúp Việt Nam tăng 15 bậc về xếp hạng Chính phủ điện tử, đứng thứ 71/193 quốc gia, theo Báo cáo Khảo sát Chính phủ điện tử 2024 vừa phát hành vào trung tuần tháng 9 năm 2024 của  Liên hợp quốc" - Thứ trưởng khẳng định.

Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, trong bối cảnh đó, dữ liệu đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quý giá nhất, không chỉ là nền tảng mà còn định hình sự phát triển của các ngành kinh tế số. Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, nhất là dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp, theo hướng lấy người dùng làm trung tâm.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC

Công tác chuyển đổi số tại Bộ VHTTDL đã đạt được các kết quả tích cực

Không đứng ngoài xu thế đó, tại Bộ VHTTDL, Ban Cán sự đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đã quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản triển khai nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số tại Bộ, cũng như triển khai các nội dung của Đề án 06. 

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, năm 2024, Bộ VHTTDL đã triển khai rà soát, làm sạch và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo dữ liệu "Đúng - Đủ - Sạch - Sống". Việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành quản lý tốt hơn mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước; Góp phần hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích, gia tăng thành tích cho các VĐV; phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm cho du khách, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Thời gian qua, việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Bộ VHTTDL đã đạt được các kết quả tích cực, đó là: Nhận thức và hành động về triển khai chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có nhiều chuyển biến; Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo đáp ứng kịp thời; Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai các nền tảng số dùng chung cho ngành VHTTDL như nền tảng bảo tàng số, nền tảng số về quản trị và kinh doanh du lịch; Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả, tăng mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công ích; Công tác đảm bảo an toàn, an ninh luôn được chú trọng; Nguồn lực dành cho chuyển đổi số, dữ liệu số được quan tâm, tăng cường, đặc biệt là kinh phí cho chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn như triển khai các hệ thống ứng dụng, tạo lập cơ sở dữ liệu, duy trì vận hành, tuyên truyền và đào tạo đã tăng hàng năm.

Tính đến nay, trên hệ thống ngành VHTTDL đã tạo lập được 6.290 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị để kê khai hồ sơ và đã hoàn thành 100% việc kết nối và đồng bộ lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức viên chức.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, nhìn tổng thể và so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đề ra, kết quả đạt được chưa đồng đều. Các cơ sở dữ liệu còn thiếu đồng bộ và chưa được khai thác một cách tối ưu. Vấn đề bảo mật thông tin và quyền riêng tư cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn diện, khoa học và thận trọng.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 323/QĐ-BVHTTDL về Kế hoạch triển khai Đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trong thời gian tới đây và để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, Bộ VHTTDL đã tổ chức hội thảo với mong muốn tiếp thu những chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn từ cơ quan điều phối chung hoạt động Mạng lưới chuyển đổi số (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ cơ quan thường trực triển khai Đề án 06 (Bộ Công an); Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, các sở TTTT, các sở VHTTDL trên cả nước trao đổi về những kinh nghiệm, thông tin khoa học mới nhất về triển khai thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06 hiện nay và chặng đường chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trong những năm tới.

Thứ trưởng cũng mong muốn các đại biểu dự sẽ tích cực chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển đổi số, triển khai tạo lập Dữ liệu số tại cơ quan, đơn vị mình để cùng các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp tại hội thảo này sẽ tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu, bước đi chắc chắn để hoàn thành nhiệm vụ và đạt được những chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới của ngành VHTTDL.

"Hội thảo hôm nay cũng là dịp để chúng ta cùng nhau trao đổi, học hỏi, và định hướng lại chiến lược phát triển cơ sở dữ liệu của ngành, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, cũng như góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia" - nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bày tỏ hy vọng và tin tưởng sau Hội thảo quan trọng này sẽ xác lập những mục tiêu cụ thể, xây dựng những kế hoạch hành động thực tiễn và cùng nhau thực hiện những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển cơ sở dữ liệu của ngành nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra, góp phần xây dựng một nền tảng dữ liệu vững chắc, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.

Tại Hội thảo, đại diện một số bộ, ngành và các đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đã chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn trong xây dựng, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC

Bộ Thông tin Truyền thông sẽ hỗ trợ Bộ VHTTDL xây dựng hệ tri thức trợ lý ảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho rằng, dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng như đất đai. Ngành nào có nhiều dữ liệu thì ngành đó sẽ có nhiều nguồn tài nguyên mới. Nhưng khác với đất đai hữu hạn, dữ liệu là vô hạn và càng ngày sẽ càng tăng lên. Việc xây dựng và phát triển dữ liệu là tạo ra được nguồn tài nguyên mới và tư liệu sản xuất mới.

Nhấn mạnh 5 nhiệm vụ về xây dựng CSDL mà Bộ VHTTDL cần thực hiện thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, CSDL của Bộ VHTTDL phải nằm trong Khung Kiến trúc CPĐT 3.0. Do vậy, Bộ khi xây dựng Kiến trúc 3.0 thì quy định CSDL này phải được đồng bộ trong Kiến trúc để kết nối, chia sẻ dữ liệu trong Kiến trúc.

Hai là, phát triển CSDL bắt buộc mọi hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức để đưa dữ liệu lên môi trường mạng thì dữ liệu mới sống được để đáp ứng mục tiêu 100% dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống.

Ba là, phải xác định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cần làm gì và ai làm? Khi xác định rõ được vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan để bảo đảm dữ liệu ngành này chính xác thì dữ liệu mới sống được.

Bốn là, xây dựng CSDL ngành cần phải tuân thủ nguyên tắc: Dữ liệu đã có trên không gian mạng thì không thu thập lại; Dữ liệu khi thu thập xây dựng phải được kết nối, chia sẻ; Dữ liệu khi thu thập sẽ chia sẻ cho ai, chia sẻ như thế nào. Tránh việc, 1 công việc mà có nhiều người làm, một dữ liệu mà có nhiều nơi thu thập sẽ dẫn đến sự cát cứ, sai lệch, chồng chéo dữ liệu, tốn thời gian và nguồn lực thu thập dữ liệu.

Thứ năm là, khi có dữ liệu rồi, để dữ liệu được sử dụng, khai thác để phát triển kinh tế - xã hội phát triển thì phải có kịch bản sử dụng dữ liệu, khai thác dữ liệu thì dữ liệu mới có giá trị.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho rằng, cần xây dựng hệ tri thức trợ lý ảo của Bộ VHTTDL để hỗ trợ công việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Về việc này, Bộ TTTT sẽ hỗ trợ Bộ VHTTDL.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: TITC

Người đứng đầu các đơn vị phải quyết tâm, quyết liệt 

Chia sẻ tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương cho biết, Đề án "ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06/CP) là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số nước ta trong 02 năm qua. Chính phủ đã xác định Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của Chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề thực tiễn, phục vụ sản xuất.

Quá trình thực hiện, Chính phủ đã nhận diện và đề ra 05 nguyên tắc để đảm bảo triển khai thành công Đề án 06 đó là: Thứ nhất, Người đứng đầu các đơn vị phải quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, được thể hiện bằng phương pháp chỉ đạo, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian", có cơ chế kiểm tra, giám sát. Thứ hai, Nhận thức đúng và có giải pháp sáng tạo. Thứ ba, quán triệt việc triển khai để tạo giá trị "văn minh xã hội, phát triển kinh tế và phòng, chống tội phạm". Thứ tư, Việc tổ chức triển khai đảm bảo xuyên suốt 4 cấp từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã. Thứ năm, Để thực hiện thành công đề án phải hoàn thiện được 5 vấn đề về "pháp lý, hạ tầng công nghệ, tạo lập dữ liệu, đảm bảo an ninh an toàn và bố trí nguồn lực (kinh phí và con người) để triển khai".

Về vấn đề bảo mật và an ninh an toàn, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương cho rằng, đây là vấn đề mà các đơn vị quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cần được quan tâm hơn bao giờ hết trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng phức tạp, các Trung tâm dữ liệu đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa. Vấn đề nhận thức về an toàn thông tin và việc tuân thủ quy trình vận hành, quản trị hệ thống của nhân viên là những yếu tố then chốt.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC

Chuyển đổi số giúp ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững hơn

Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành du lịch, Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cho biết: Đối với ngành du lịch, dữ liệu là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện chuyển đổi số thành công, phát triển du lịch thông minh. Xây dựng kho dữ liệu số, đặc biệt phát triển các cơ sở dữ liệu là một nhiệm vụ cần thiết nhằm giúp cho công tác quản lý ngành thực chất, hiệu quả, hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành du lịch. Đồng thời hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch sẽ góp phần hỗ trợ cho công tác quản lý của các ngành liên quan và cũng là tạo nguồn dữ liệu cho công tác nghiên cứu chuyên ngành du lịch.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 82/NQ-CP, Chỉ thị số 08/CT-TTg, Công điện số 06/CĐ-TTg và của Lãnh đạo Bộ VHTTDL về việc phát triển cơ sở dữ liệu, trong thời gian vừa qua Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch nhằm khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất dựa trên công nghệ hiện đại trong việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nghiên cứu chuyên môn, xúc tiến, quảng bá du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch số trong công cuộc xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã xây dựng Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam gồm cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu-điểm du lịch, nhà hàng, điểm mua sắm đạt chuẩn, vui chơi giải trí… Xây dựng kết nối hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp thông qua hệ thống báo cáo thống kê du lịch cung cấp đầy đủ các công cụ phục vụ công tác báo cáo thống kê từ Trung ương đến cơ sở cũng như hướng đến kết nối, liên thông tới các hệ thống của quốc gia, bộ, ngành. Đồng thời ứng dụng công nghệ số xây dựng nền móng cho hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng đồng bộ, thống nhất bằng các nền tảng dùng chung như: Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh; Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; Nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; và nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm khách du lịch như: Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức”; Hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multi-media Guide)…

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: TITC

Bên cạnh những sản phẩm số cốt lõi, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các nền tảng số như kênh truyền thông chính sách (https://vietnamtourism.gov.vn); kênh quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế (https://vietnam.travel) và các trang mạng xã hội khác như Facebook, Zalo, Viber, Youtube, Instagram… nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách về phát triển du lịch cũng như truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài. Các kênh truyền thông số của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã trở thành nguồn thông tin, dữ liệu chính thống, tin cậy đối với các địa phương, doanh nghiệp, du khách và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Như vậy, có thể thấy rằng phát triển cơ sở dữ liệu trong ngành du lịch không chỉ hỗ trợ cho việc tối ưu hóa hoạt động trong lĩnh vực du lịch mà còn mở ra cơ hội phát triển các ngành kinh tế số khác như công nghệ thông tin, marketing số, dịch vụ trực tuyến… Các doanh nghiệp có thể thu thập, phân tích, áp dụng dữ liệu để phát triển các sản phẩm và dịch vụ số như phát triển ứng dụng di động, hệ thống đặt phòng trực tuyến, trải nghiệm thực tế ảo, dịch vụ chăm sóc khách hàng qua chatbot, và nhiều sản phẩm và dịch vụ số khác, từ đó đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Bằng cách tận dụng thông tin dữ liệu một cách thông minh, doanh nghiệp có thể đạt được hiệu quả cao hơn và thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững.

Ngoài ra, để hỗ trợ các địa phương thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã xây dựng và ban hành Tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch với chủ đề “Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động”, đồng thời giúp các địa phương tổ chức các chương trình tập huấn về chuyển đổi số.

Trung tâm Thông tin du lịch