Kết hợp tập huấn, tuyên truyền gắn với chọn lựa, xây dựng mô hình khuyến nông trong giai đoạn năm 2021-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng đã chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng sản xuất các giống cây trồng mới đạt giá trị cao trên địa bàn.
Mô hình thiên địch phòng trừ sâu bệnh hại cây dâu tây đem lại lợi nhuận 9,5-12,5 triệu đồng/1.000 m2/tháng |
Thống kê giai đoạn 2021-2024, Sở NN&PTNT đã tổ chức 78 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 2.885 lượt nông dân, khuyến nông viên cơ sở. Bên cạnh cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ khuyến nông, Trung tâm đã chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, kỹ thuật canh tác rau, hoa trồng trên giá thể; canh tác cà phê cảnh quan; trồng dâu, nuôi tằm theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân, phun thuốc cây cà phê và cây ăn quả; trồng và chăm sóc cây dược liệu giá trị kinh tế cao trong vườn điều. Ngoài ra còn chuyển giao ứng dụng chế phẩm sinh học; sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê…
“Qua các cuộc tọa đàm tư vấn kỹ thuật đã giải đáp những thắc mắc cho 600 nông dân, khuyến nông viên cơ sở về sâu bệnh, dịch hại, kỹ thuật canh tác trong thời tiết phức tạp, ứng dụng biện pháp kỹ thuật tiết kiệm nước và phân bón tự động... Hàng năm còn tổ chức khảo sát trong và ngoài tỉnh cho cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện, khuyến nông viên cơ sở và nông dân tiếp thu kinh nghiệm mô hình liên kết chuỗi hiệu quả trong trồng trọt...”, Sở NN&PTNT Lâm Đồng thông tin thêm.
Gắn với tập huấn, tuyên truyền trong cùng thời gian trên, Sở NN&PTNT triển khai có kết quả nhiều mô hình khuyến nông trên địa bàn. Tiêu biểu mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý đất thâm canh hoa cúc đóa vàng mới tại xã Mê Linh và thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà với quy mô 1 ha/2 hộ. Kết quả thu hoạch cành hoa cúc loại 1 đạt tỷ lệ trên 81%, hiệu quả kinh tế tăng gần 18,7% so với ngoài mô hình. Với Mô hình Trồng hoa cát tường cánh đơn giống mới trong nhà lưới tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương với quy mô 0,2 ha/2 hộ tham gia, tỷ lệ cây sống đạt 95%, màu sắc hoa đẹp, cánh hoa bền, cành và lá dày, năng suất đạt 5.700 kg/1.000 m2, mỗi tháng lợi nhuận trên 70 triệu đồng/1.000 m2.
Với mô hình 2 hộ sản xuất 1 ha rau ngoài trời công nghệ IoT tại xã Tu Tra và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, đạt tỷ lệ cây sống 98%, sâu bệnh hại thấp hơn so với ngoài mô hình 2%. Sau trồng 55-60 ngày thu hoạch so với ngoài mô hình, hiệu quả kinh tế tăng 5% và giảm 20% chi phí lao động. Với quy mô 0,1 ha/1 hộ tham gia, Mô hình Ứng dụng công nghệ IoT quản lý dinh dưỡng cây dưa lưới tại xã Tân Thành, huyện Đức Trọng sau 40 ngày trồng đạt tỷ lệ cây sống 97%, chiều cao 140-150 cm...
Đáng kể 5 Mô hình Trồng cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh phục vụ chế biến và xuất khẩu đã triển khai hiệu quả trong cùng giai đoạn 2021-2024. Thứ nhất, Mô hình 2 ha/2 hộ Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tác động bơ ra trái vụ tại huyện Bảo Lâm, lợi nhuận 1 ha cao hơn vườn sản xuất đại trà trên 150 triệu đồng/năm. Thứ hai, Mô hình Trồng cây dứa MD2 xen trong vườn điều kém hiệu quả tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông với quy mô 7 ha/7 hộ, tỷ lệ cây sống 98%, đạt lợi nhuận 100-150 triệu đồng/ha/năm. Thứ ba, Mô hình Trồng và thâm canh cây chanh không hạt gắn với chuỗi liên kết tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm với quy mô 3,5 ha/9 hộ, đạt thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trồng cây cà phê và các cây trồng khác ở địa phương. Thứ tư, Mô hình Trồng xen cây hồng không hạt FuJi trên đất cà phê kém hiệu quả tại xã Đạ K'nàng và xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, quy mô 2 ha/3 hộ tham gia, kết quả thu hoạch tăng hiệu quả kinh tế 30-35% so với ngoài mô hình. Thứ năm, Mô hình Ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh và phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây sầu riêng tại xã Liêng S'rônh và xã Rô Men, huyện Đam Rông với quy mô 2 ha/2 hộ. Qua đó giảm chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường, tăng 15-20% lợi nhuận so với ngoài mô hình.
“Tính chung giai đoạn từ năm 2021-2024, toàn tỉnh đã xây dựng 35 mô hình khuyến nông, trong đó trồng trọt (16 mô hình), chăn nuôi (2 mô hình), thủy sản (3 mô hình), lâm nghiệp (2 mô hình), cơ giới hóa, bảo quản, chế biến nông sản (7 mô hình), tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm (3 mô hình), ứng dụng và nhân rộng đề tài nghiên cứu khoa học (2 mô hình). Ước đến hết năm 2025 thực hiện 49 mô hình, đạt 51% kế hoạch”, Sở NN&PTNT Lâm Đồng tổng hợp.