Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Gốm mộc Churu

  • 26/04/2022
  • s 08:47

Người Chu Ru là một tộc người trong số 54 dân tộc tại Việt Nam. Người Churu cư trú chủ yếu ở Lâm Đồng. Người Churu đa số nói tiếng Churu, một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Malay-Polynesia trong ngữ hệ Nam Đảo. Người Churu thuộc nhóm chủng tộc Austronesia.

Người Churu có đời sống văn hóa phong phú và đa dạng. Người Churu có vốn ca dao, tục ngữ, truyện cổ, trường ca rất phong phú và họ cũng lưu giữ được nhiều loại nhạc cụ đặc sắc như trống, kèn đồng la, r’tông, tenia....Trong ngày vui, họ thường tấu nhạc với điệu Tamga, một vũ điệu mang tính cộng đồng, hầu như người Churu nào cũng biết và ưa thích. Bên cạnh đó, người Churu ở xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, còn lưu giữ một số nghề truyền thống, như: nhẫn bạc, gốm mộc…

Gốm mộc Churu đã tồn tại rất lâu đời và rất nổi tiếng, gốm ở đây có tiếng vang rất lạ so với gốm những nơi khác. Khi gõ vào chúng, ta nghe tiếng vang rất thanh và xa, nghe như tiếng vang của kim loại, chứ không phải tiếng vang của đất nung. Gốm được làm bằng thủ công, nguyên liệu là đất sét thuần túy, được nung bằng lửa từ rơm, cây ngô và củi rừng. Cho nên sản phẩm gốm mộc Churu rất có lợi cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, độ bền cao và nét thẩm mỹ tinh tế, gốm mộc Churu được sử dụng rộng rãi từ lâu trong cộng đồng các dân tộc anh em ở Tây Nguyên.

Tuy nhiên do xã hội ngày càng phát triển,  rồi “cơn bão” đồ nhựa, nhôm, gang, inox, thủy tinh... ập tới làm cho việc thay đổi tập quán sinh hoạt và ảnh hưởng của môi trường, xã hội…làm cho nghề gốm mộc Churu ở Ka Đơn ngày càng mai một và thất truyền. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của ngành văn hóa, nghề gốm mộc Churu tại xã Ka Đơn ( huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đang được một số nghệ nhân tâm huyết của đồng bào Churu nơi đây nỗ lực “thắp lửa” nung nấu nhằm phục dựng và phát triển nghề gốm mộc truyền thống của tổ tiên.

Nghệ nhân Ma Li, một trong vài nghệ nhân gốm còn lại ở làng K’răng Gọ ( xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), chia sẻ: Gốm mộc Churu ở K’răng Gọ hiện rõ nét tâm linh của người Churu, “Sự mai một nghề gốm mộc chỉ là tạm thời. Ánh lửa rơm cháy, củi cháy, ngô cháy và mùi lửa nung gốm vẫn còn âm ỉ đâu đó và đang chờ đợi ngày thức giấc”.

Hiện tại các sản phẩm của nghề gốm mộc Churu đang phát triển rất đa dạng để phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội và nhu cầu của thị trường. Bộ sưu tập sản phẩm gốm của người Churu hôm nay bên cạnh những mẫu mã gốm truyền thống,  đã có thêm ấm trà, tách trà, bình cắm hoa, hộp đựng gia vị, hộp đứng bánh kẹo, chân đèn thờ, chum đốt hương trầm, tượng... Chúng ta có thể bắt gặp hay chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm mộc Churu ở trong gian bếp, trên bàn ăn ở các khách sạn, nhà hàng từ cao cấp đến bình dân, hay trong các căn hộ gia đình từ thành phố đến nông thôn. Không những thế sản phẩm gốm mộc Churu còn là điểm nhấn sang trọng trong việc thiết kế và trang trí nội ngoại thất, sân vườn…của các căn biệt thự sang trọng.

Những năm gần đây, với nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó phải kể đến các nghị định quan trọng của Chính phủ như: Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 với chủ trương duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống...Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án “Chương trình phát triển mỗi làng một nghề” gắn với triển khai Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, mỗi làng sẽ tự chọn và quyết định hình thành, phát triển một nghề; mỗi xã quyết định phát triển ít nhất một làng nghề có sản phẩm đặc trưng của địa phương. Chúng ta hy vọng rằng tương lại không xa gốm mộc Churu sẽ được khôi phục và phát triển hơn nữa không chỉ ở địa phương, mà sản phẩm, bộ sưu tập gốm mộc Churu sẽ có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong nước và khu vực./.

Quang Bình