Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Cà phê hữu cơ và thương hiệu Cà phê Đỗ Tùng

  • 27/05/2022
  • s 15:07

Từ suy nghĩ: “Sống trên vùng nguyên liệu cà phê, sao không tạo ra ly cà phê thật chất lượng cho chính mình thưởng thức”, Đỗ Duy Tùng (xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) quyết định bỏ ngang công việc văn phòng, theo đuổi đam mê làm cà phê sạch. Thương hiệu Cà phê Đỗ Tùng ra đời, đã hiện thực hóa ý tưởng và niềm đam mê của Tùng.

 Trước khi khởi nghiệp với cà phê sạch, Tùng đi làm nhân viên cho hãng cà phê Amore ở thành phố Đà Lạt để học hỏi kinh nghiệm tạo ra ly cà phê chất lượng: cách chọn nhân ra sao, cách rang như thế nào, cách pha chế đúng tỷ lệ... Ở mỗi công đoạn, phải làm hết sức cẩn thận, phải thật kỹ lưỡng thì mới cho ra ly cà phê như mong muốn. Trải qua quá trình tìm hiểu, chế biến, pha chế cà phê arabica, anh đã rút ra được nhiều bài học hữu ích, có thể áp dụng cho cà phê robusta, loại cà phê đang được các nông hộ trồng nhiều tại địa phương Hòa Bắc. Thế rồi, năm 2019, Tùng trở về quê nhà Hòa Bắc, bắt tay làm cà phê sạch trên chính vườn cà phê của gia đình, đồng thời mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ việc rang xay hạt cà phê và xây dựng thương hiệu Cà phê Đỗ Tùng. “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng phát triển của thế giới, khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến sự bền vững, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và cả người tiêu dùng”, Tùng chia sẻ.

Chọn làm nông nghiệp xanh, yếu tố đầu tiên cần thực hiện, đó là cải tạo đất, cân bằng lại hệ sinh thái, các vi sinh vật. Vậy nên, Tùng không sử dụng thuốc diệt cỏ, phân bón vô cơ. Anh sử dụng phân bò, phân cá, phế phẩm nông nghiệp ủ cùng men vi sinh làm phân bón bổ sung cho cây cà phê. Tùng còn trồng xen các loại cây họ đậu vào vườn cà phê, vừa để tăng thêm nguồn thu nhập từ đậu, vừa làm phân hữu cơ tại chỗ. Thêm nữa, anh trồng xen chuối vào vườn cà phê, với mục đích lấy nước dịch tiết ra từ cây chuối có lợi cho sự phát triển của cây cà phê và cả việc tận dụng thân cây chuối để tủ gốc cà phê trong những thời điểm nắng hạn, cũng như trồng xen canh các loại cây ăn trái, cây chắn gió... “Một khi mô hình nông nghiệp canh tác theo hướng xanh, sạch được nhân rộng, nó sẽ tạo ra một tiểu vùng sinh thái, ít bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Thêm nữa, nó còn có thể mở hướng phát triển du lịch canh nông (tham gia trồng, chăm sóc, chế biến, thưởng thức, mua cà phê...), kết hợp với du lịch sinh thái, vì ở Hòa Bắc hiện có 3 hồ nước rất đẹp: Lòng Hồ, Hồ Đập Tràn và Hồ Đạ Bor”, Tùng cho hay.

Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ nông nghiệp hữu cơ, Tùng mạnh dạn thuyết phục các nông hộ trồng cà phê tại địa phương Hòa Bắc liên kết mở rộng diện tích canh tác lên 5,6 ha, với 12 thành viên, nhằm hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế. Các thành viên thường cùng nhau nghiên cứu, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật phát triển nông nghiệp hữu cơ, rồi cùng nhau thực hành trên chính vườn cà phê của các thành viên. “Để tạo ra sản phẩm cà phê sạch từ nguyên liệu, cùng với việc chăm sóc những cây cà phê chu đáo để cây đơm bông, kết trái, trong lúc thu hoạch chỉ hái những trái cà phê chín mọng, loại bỏ những trái cà phê không đủ chất lượng, rồi rửa sạch bằng nước và đặt lên giàn phơi khô. Công đoạn phơi khô rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuối cùng của nhân cà phê. Cà phê chế biến theo phương pháp tự nhiên sẽ giữ được hương vị của trái cây nhiệt đới, Tùng cho biết.

Trong một lần trao đổi về chủ trương phát triển cà phê theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Di Linh, ông Trần Nhật Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, nhận xét rằng: phát triển cà phê hữu cơ đang là chủ trương của tỉnh Lâm Đồng. Sản phẩm cà phê mang thương hiệu Cà phê Đỗ Tùng bước đầu đã nhận được những tín hiệu tích cực từ phía khách hàng.

    

TRỊNH CHU