Trong những năm qua, du lịch 05 tỉnh miền Trung “Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam” đã có những sự tăng trưởng ấn tượng và vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam và khu vực Châu Á với khoảng 20 triệu - 25 triệu khách du lịch/năm trong giai đoạn 2016 - 2019; là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á (do Lonely Planet vinh danh năm 2019), là một hành trình không thể thiếu của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, thu hút du lịch đến các địa phương liên kết; chiều ngày 05/8/2022, tại thành phố Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk, Sở Du lịch/Văn hóa, Thể thao và Du lịch 5 tỉnh: Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch điểm đến tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Tại Hội nghị các Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 05 tỉnh miền Trung đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch của các địa phương; trao đổi thảo luận về việc phát triển sản phẩm du lịch kết nối giữa các địa phương miền Trung và vùng Tây Nguyên cho khách du lịch nội địa và quốc tế; cùng ký kết thỏa thuận hợp tác, phát triển du lịch giữa 05 địa phương miền Trung “Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam” với các tỉnh khu vực Tây Nguyên “Đắk Lắk - Đắk Nông - Gia Lai - Kon Tum - Lâm Đồng” giai đoạn 2022 - 2026.
Theo đó, Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2022 – 2026 giữa các địa phương tập trung vào 03 lĩnh vực chính gồm: hợp tác quản lý nhà nước về du lịch, hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch; hợp tác về quảng bá, xúc tiến du lịch với những nội dung chủ yếu sau:
* Hợp tác quản lý nhà nước về du lịch: (1) Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch giữa các địa phương. Cập nhật, thông tin về chính sách kích cầu du lịch của mỗi địa phương, các hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch; (2) Chia sẻ kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch (lữ hành, khách sạn, vận chuyển khách du lịch, dịch vụ du lịch…) nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về du lịch của các địa phương trong liên kết; (3) Tổ chức các chương trình khảo sát, học hỏi kinh nghiệm giữa các cấp quản lý của các tỉnh, thành phố trong liên kết; (4) Phối hợp, liên kết các cơ sở đào tạo nghề du lịch của các địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ du lịch cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch và cán bộ quản lý du lịch; nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của việc phát triển du lịch.
* Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch: (1) Trên cơ sở tiềm năng phát triển du lịch địa phương, các tỉnh, thành phố liên kết, xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa qua việc kết nối vận chuyển đường hàng không, đường bộ; (2) Liên kết phát huy tài nguyên và nguồn lực của địa phương để phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch biển đảo, du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch giáo dục, du lịch thiên nhiên, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp công nghệ cao…; (3) Tạo điều kiện cho Hiệp hội Du lịch, cộng đồng doanh nghiệp chào bán sản phẩm du lịch giữa các tỉnh, thành phố phù hợp thị hiếu của từng thị trường cụ thể.
* Hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch: (1) Các tỉnh, thành phố liên kết, hợp tác thực hiện các chương trình khảo sát (famtrip và presstrip) để quảng bá sản phẩm du lịch, chương trình, tuyến điểm du lịch kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong liên kết. Các tỉnh, thành phố trong liên kết chịu trách nhiệm đón tiếp, giới thiệu tại địa phương mình và luân phiên làm đầu mối tổ chức các chương trình; (2) Tăng cường hợp tác giữa các Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch để cung cấp hình ảnh, sản phẩm du lịch đặc sắc, thông tin điểm đến cho du khách; (3) Liên kết đưa các sản phẩm du lịch, chương trình, tuyến, điểm du lịch kết nối giữa các thành viên trong liên kết vào nội dung các hoạt động xúc tiến du lịch của địa phương mình; (4) Tham gia các hoạt động, sự kiện du lịch lớn do các thành viên trong liên kết tổ chức; (5) Phối hợp triển khai ứng dụng du lịch thông minh trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch, chiến lược quảng bá marketing điện tử song phương, đa phương các địa phương trong vùng.
Thỏa thuận là cơ sở quan trọng để các tỉnh liên kết, hợp tác trong khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, xây dựng và khẳng định thương hiệu, hấp dẫn khách du lịch, tạo lập không gian du lịch thống nhất để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; thu hút các nguồn lực xã hội, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch và nhân dân các tỉnh, thành trong chương trình liên kết tìm kiếm đối tác để xây dựng, khai thác và phát triển sản phẩm du lịch.
Hệ thống sản phẩm du lịch 05 tỉnh miền Trung rất đa dạng, phong phú như du lịch biển, đảo; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, giải trí; du lịch MICE; du lịch sinh thái; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch nông nghiệp cùng với hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch đồng bộ trong đó có nhiều sản phẩm, cơ sở lưu trú, điểm du lịch đẳng cấp quốc tế. Con đường di sản miền Trung đi qua 05 địa phương là thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam, có nhiều tiềm năng, lợi thế cho doanh nghiệp khai thác làm mới để phát triển du lịch.
Vùng Tây Nguyên cũng có nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch như Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; các lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa ở Tây Nguyên đã trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đầy sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Với lợi thế về tài nguyên du lịch, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã phát triển hệ thống các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế với nhiều điểm đến nổi bật như Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Măng Đen, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, Pleiku…
Thông qua Hội nghị, các tỉnh miền Trung đã quảng bá được hình ảnh Miền di sản diệu kỳ, giới thiệu các sản phẩm du lịch và chương trình kích cầu của 05 địa phương đến các công ty du lịch, lữ hành thị trường khu vực Tây Nguyên. Hội nghị cũng đã thúc đẩy sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 05 địa phương miền Trung và các tỉnh khu vực Tây Nguyên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường kết nối giữa 02 khu vực động lực phát triển du lịch của cả nước góp phần phục hồi, tăng trưởng và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn./.
Khánh Toàn