“Tăng trưởng xanh” là một cách tiếp cận phát triển đảm bảo tăng trưởng kinh tế, đồng thời phát triển bền vững với môi trường và công bằng xã hội.
Xác định mục tiêu phát triển du lịch với tốc độ nhanh và bền vững gắn liền với quan điểm “tăng trưởng xanh” trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường du lịch, thời gian qua tỉnh Lâm Đồng đã và đang tích cực triển khai các Quy hoạch, Chiến lược du lịch đã được Chính phủ phê duyệt; trong đó, tập trung xây dựng Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành một trong những đô thị du lịch “xanh” của cả nước cả về môi trường cảnh quan và môi trường xã hội với các sản phẩm du lịch “xanh” dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: du lịch sinh thái gắn với trồng rừng và bảo vệ rừng; du lịch sinh thái gắn với tham quan các di tích lịch sử cách mạng, di chỉ khảo cổ; du lịch kết hợp khám chữa bệnh; du lịch gắn với giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học; du lịch hội thảo – hội nghị; du lịch gắn với huấn luyện thể thao; du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao...
Trong những năm qua, kinh tế du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tổng số lượng khách và doanh thu từ du lịch năm sau cao hơn năm trước, hàng năm tỉnh Lâm Đồng đón và phục vụ cho hàng triệu lượt khách du lịch. Cơ sở vật chất ngành du lịch ngày càng được đầu tư tăng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Hoạt động kinh doanh lữ hành, vận chuyển du lịch cũng đang có bước phát triển đáng kể. Hệ thống khu điểm tham quan du lịch rất phong phú, đến nay tỉnh đã đưa vào đầu tư khai thác kinh doanh được 36 khu, điểm tham quan du lịch, 33 điểm du lịch canh nông và 03 sân golf 18 lỗ được đầu tư, khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan khác; trên 2.750 cơ sở lưu trú du lịch với sức chứa trên 45.000 khách, trong đó có 455 khách sạn từ 1 - 5 sao (41 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao); 44 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch (26 doanh nghiệp lữ hành quốc tế).
Việc nâng cao nhận thức về du lịch và phát triển du lịch đã chuyển hóa thành hành động cụ thể, huy động ngày càng nhiều nguồn lực tham gia khai thác tiềm năng và lợi thế du lịch của tỉnh theo hướng bền vững. Các chỉ tiêu về du lịch phát triển ổn định; lượng khách du lịch đến Lâm Đồng tăng trưởng đều qua các năm từ 2016 - 2019, với tốc độ tăng trưởng bình quân 9% mỗi năm; trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã đón tiếp và phục vụ gần 30 triệu lượt khách, trong đó có hơn 2 triệu lượt khách quốc tế; ngày lưu trú bình quân đạt 2,2 ngày.
Thực hiện mục tiêu “tăng trưởng xanh” góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo tinh thần Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; theo đó nhiệm vụ được đặt ra là tăng cường thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch; xây dựng các chương trình về văn hóa sống, lối sống xanh và phát triển sản phẩm du lịch xanh; xây dựng và áp dụng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại các khu du lịch, điểm du lịch; xây dựng tiêu chí và dán nhãn du lịch xanh cho các cơ sở kinh doanh du lịch.
Để thành phố Đà Lạt – Lâm Đồng thật sự là thành phố du lịch xanh, du lịch sinh thái và nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch cần phát triển vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, không phá huỷ không gian sống, đảm bảo an sinh xã hội; phát triển du lịch đảm bảo tính bền vững trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đi đôi với bảo vệ, giữ gìn môi trường du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc trong tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ để du lịch thực sự là ngành kinh tế động lực của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng môi trường du lịch thân thiện và bền vững, tập trung chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố xanh.
Quan tâm đến việc hoàn thiện các chính sách về thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tạo sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Xây dựng các tour tham quan vườn trà, rau, hoa chất lượng cao gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hình thành các tour, tuyến du lịch liên hoàn giữa các vùng du lịch trọng điểm, các địa phương trong nước, tạo ra những tuyến du lịch hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Kết hợp giữa khai thác lợi thế về mặt sinh thái tự nhiên gắn với khai thác lợi thế về văn hóa, nhân văn: khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đi đôi với bảo vệ, giữ gìn môi trường du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân xây dựng môi trường du lịch thân thiện và bền vững, tập trung chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố xanh.
Hy vọng với sự quyết tâm nỗ lực của các cấp chính quyền, các ngành, sự vào cuộc của toàn ngành du lịch cộng với những tiềm năng, lợi thế du lịch toàn vùng sẽ tạo nên một bước đột phá cho du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững; thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng ngày càng lan tỏa, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
TIPC Lâm Đồng