Lặng lẽ yên ả với những sắc xanh hòa cùng nền trời, đập Đắk Lông Thượng mang đến cho Bảo Lâm một nét đằm thắm vùng cao nguyên. Và, Đắk Lông Thượng đang trở thành điểm đến yêu thích của người dân địa phương cũng như bắt đầu thu hút du khách tới từ phương xa.
Một góc ngắm nhìn Đắk Lông Thượng |
Nằm trên địa bàn xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, đập Đắk Lông Thượng, được xếp hạng là một trong những đập nước lớn của tỉnh Lâm Đồng. Với sức chứa đến trên 11 triệu m3 nước, diện tích mặt hồ 14,3 km2, độ sâu 70 m, đập Đắk Lông Thượng giúp tưới tắm, tạo dòng nước mát, phục vụ cho nông dân nhiều xã của Bảo Lâm. Gần 2.500 ha đất sản xuất nông nghiệp đang sử dụng nước từ hồ đập Đắk Lông Thượng. Đồng thời, hồ đập Đắk Lông Thượng cũng giúp khu vực Lộc Ngãi, Lộc Đức có khí hậu mát mẻ, với màu xanh ngọc bích và sắc xanh sinh sôi của những vườn cà phê, cây trái xung quanh hồ. Một điều còn ít du khách biết tới rằng đây là một công trình "sinh đôi", với hai hồ nước được tạo thành từ hai con đập gần nhau: Đắk Lông Thượng và Đắk Lé. Cả hai con đập và hồ tạo nên vùng sinh cảnh nhỏ tuyệt đẹp giữa vùng rừng núi Bảo Lâm. Đắk Lé nhỏ hơn và ít được nhắc đến như Đắk Lông Thượng.
Nằm giữa những vùng đồi thấp, đập Đắk Lông Thượng nhận nước từ những con suối nhỏ, bắt nguồn từ các dãy núi, dãy đồi trong vùng. Nằm giữa vùng cà phê bát ngát, hồ đập mang màu xanh ngọc bích vào những ngày đẹp trời. Con đường nhỏ vòng quanh đập khá đẹp để cư dân địa phương cũng như du khách dạo chơi. Đặc biệt, Đắk Lông Thượng khá gần TP Bảo Lộc, đường đi không khó nên vào những ngày cuối tuần, ngày lễ trời đẹp, các bạn trẻ Bảo Lộc yêu thích khám phá thiên nhiên đến với Đắk Lông Thượng rất đông. Nhiều trang thông tin về du lịch Bảo Lộc đã đưa Đắk Lông Thượng vào điểm đến được yêu thích của giới trẻ, với những clip, những khung hình, những bài viết giới thiệu vẻ đẹp của con đập này.
Nắm bắt được nhu cầu của những người yêu du lịch, nhiều homestay đã được dựng lên tại các khu vực xung quanh. Những ngôi nhà nhỏ xinh, nằm giữa cây, lá, cỏ xanh mang lại cho khu vực quanh hồ nét chấm phá đẹp. Các homestay xung quanh Đắk Lông Thượng không lớn, chủ yếu được xây dựng theo hướng nhẹ nhàng, như những ngôi nhà gỗ nhỏ bình thường. Tuy nhiên, những homestay này đã cung cấp cho khách phương xa tiện nghi sinh hoạt trong khoảng thời gian đến với vùng đất cao nguyên. Nhiều homestay được du khách biết tới tại những địa điểm vòng quanh Đắk Lông Thượng như Thỏ non, UTI... Anh Phạm Ưu Tiên, chủ nhân của homestay UTI - một homestay nhỏ nằm trên ngọn đồi thấp gần Đắk Lông Thượng chia sẻ, anh chọn làm homestay với phong cách nhẹ nhàng, gần gũi thiên nhiên, với tầm nhìn đẹp, du khách có thể phóng tầm mắt xuống hồ Đắk Lông Thượng vào mỗi sớm bình minh cũng như thưởng thức ánh hoàng hôn trên mặt hồ rộng lớn. Anh cũng cho biết, hầu hết các home stay xung quanh hồ đều xây dựng trên các đỉnh đồi thấp, đảm bảo tầm nhìn cũng như xây dựng theo hướng nhà - vườn, giữ lại màu xanh, ít tác động vào cảnh quan môi trường. Đến Đắk Lông Thượng và Đắk Lé không chỉ có du khách địa phương mà đã bắt đầu có nhiều đoàn khách tới từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng đến với vùng cao nguyên hoang sơ.
Du khách đến với Đắk Lông Thượng, ngoài tham quan, chụp hình sống ảo với những con đường khúc khuỷu giữa những tán cây, với mặt nước xanh, những món ăn dân dã còn có thể tham gia các sinh hoạt trên mặt hồ như thăm bè nuôi cá, trực tiếp vớt từng con cá dưới bè lên để chế biến các món ăn giản dị từ cá tầm được nuôi trực tiếp trong hồ. Ngoài ra, nhiều du khách trẻ còn đi thăm, khám phá, tắm mát dưới những dòng thác nhỏ đổ trực tiếp vào hồ Đắk Lông Thượng. Những dòng thác rất nhỏ, tạo thành những dòng nước và vũng nước nhỏ, đẹp, chảy róc rách, giúp du khách thưởng ngoạn những khung cảnh thật đẹp, mang nét hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm cho biết, Bảo Lâm rất tin tưởng vào tương lai du lịch của Đắk Lông Thượng cũng như khu vực lân cận. Đây là một trong những điểm đến đầy tiềm năng và Bảo Lâm đang hỗ trợ phát triển du lịch theo hướng hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ môi trường.