Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Nhịp chày giã gạo nơi sơn thôn

  • 25/04/2022
  • s 15:30

Mỗi khi tiếng chày giã gạo vang lên, không chỉ là âm thanh của động tác lao động, còn là nhịp điệu thể hiện niềm vui no đủ của sơn dân sau mỗi mùa vụ.

Bà Điểu Thị Ka Dung (xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) cho hay: Ngày trước, dân bon muốn có gạo nấu cơm, ắt phải trải qua công đoạn giã gạo. Nhịp chày càng nhộn nhịp, nghĩa là đời sống càng no ấm, ai ai cũng chăm lo làm ăn. Công việc giã gạo thường do phụ nữ đảm nhận. Bởi nó tốn khá nhiều thời gian. Chưa kể, giã gạo còn đòi hỏi sự khéo léo, cũng như sức dẻo dai. Giã mà không khéo gạo sẽ bị nát, nấu cơm ăn sẽ không ngon. “Bí quyết để thóc không văng khỏi miệng cối, hạt gạo giã ra trắng ngần và đều tăm tắp, khi giã hai chân phải trụ thật vững ở một vị trí, hai tay cầm chắc chày đặt thẳng trước mặt, rồi nhón gót, rướn người vươn cao lấy lực, sau đó nhún người nện mạnh chày xuống cối. Khi chày chạm đáy cối thì lưng người giã gạo cũng phải gập theo. Khi nhấc chày lên thì hít hơi lấy sức, đồng thời thót bụng lại và ngực ưỡn ra trước, chuẩn bị cho động tác nện mạnh chày xuống cối lần nữa. Động tác nhấc chày lên nện chày xuống cứ lặp đi lặp lại nhịp nhàng, uyển chuyển cho đến khi mẻ gạo kết thúc”, bà Điểu Thị Ka Dung chia sẻ.

Theo bà Điểu Thị Ka Dung, thời điểm dân bon giã gạo thường là buổi chiều tối hoặc buổi sớm mai. Trải qua một ngày lao động trên rẫy, trở về nhà lúc trời đã nhá nhem, phụ nữ Tây Nguyên vào kho thóc lấy một ít thóc, rồi bê cối ra giữa sân giã thành gạo và nấu cơm tối. Cơm nấu từ gạo mới giã có vị thơm ngọt, ăn rất ngon. Việc giã gạo vào buổi sớm mai cũng diễn tiến tương tự việc giã gạo vào buổi chiều tối. Bình minh ló rạng, phụ nữ Tây Nguyên thức dậy, nhóm lửa nấu vội nồi nước, chuẩn bị một số nhu yếu phẩm thiết yếu cho một ngày lao động trên rẫy, sau đó tranh thủ giã gạo để thổi cơm cho kịp giờ lên rẫy. “Trường hợp nhà đông người, con gái lớn sẽ phụ mẹ việc giã gạo. Từ đó, sinh ra nhịp chày đôi, nhịp chày ba, thậm chí nhịp chày tư. Giã chày đôi, chày ba, hoặc chày tư, quan trọng nhất phải đúng nhịp và đúng lượt thì mới không bị trùng lượt, không va vào nhau, việc giã gạo mới liên tục”, bà Ka Thủy (ngụ xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) tâm sự. Ông K’Tôn (xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh) cho biết thêm: Cối giã gạo của người Tây Nguyên thường được chế tác từ thân một loại cây rừng. Đặc tính của loại cây này khá là đặc biệt, lúc còn tươi thì gỗ rất dẻo dai, đến khi khô thì gỗ trở nên đanh cứng, rất khó nứt, vỡ. Sau khi lấy loại cây đó về, người chế tác dùng cưa cắt một đoạn dài từ 30 - 50 cm, rồi tiến hành đục đẽo phần giữa dọc theo thân cây để tạo nên lòng cối. Độ nông sâu của lòng cối và lòng cối rộng hay hẹp là tùy ở ý muốn gia chủ. Phía ngoài cối thường bào nhẵn nhưng cũng có khi người chế tác đục, khắc thêm những họa tiết thể hiện nhân sinh quan của cộng đồng Tây Nguyên về thế giới tự nhiên. Chày giã gạo cũng được làm từ một loại cây rừng, có độ dài khoảng 1,5 - 2 m. Chày dài hay ngắn, to hay nhỏ, phụ thuộc vào cỡ tay của người sử dụng. Giữa thân chày, người chế tác khắc một vài vòng tròn có nét khá sâu, để những lúc giã gạo tay cầm không bị trơn tuột.

Theo ông K’Tôn, chiếc cối, chiếc chày gắn bó với đời sống của người Tây Nguyên bao đời nay, làm nên nét văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa. Điều này đã được thể hiện rõ trong kho tàng nghệ thuật dân gian Tây Nguyên: những hoa văn, những hình vẽ, những bức phù điêu, những tượng gỗ... phản ánh đậm nét về thể tài giã gạo, chày cối. “Ngày nay, việc giã gạo không còn phổ biến như trước kia, nhưng âm thanh của nhịp chày giã gạo vẫn là âm thanh sống động. Tại các Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng dân tộc thiểu số do các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng tổ chức, phần thi giã gạo luôn thu hút rất đông phụ nữ tham gia. Nhịp chày giã gạo trở thành nét văn hóa riêng trong ngày hội, nhiều dân tộc anh em khác đã đến xem, cổ vũ rất náo nhiệt”, ông K’Tôn khẳng định.

TRỊNH CHU