Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng khá ấn tượng cả về lượng và giá.
Nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, dự báo xuất khẩu cà phê cả năm 2022 có thể thu về trị giá kỷ lục khoảng 4 tỷ USD.
Trong khi đó xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 294,000 tấn, trị giá 1,76 tỷ USD, giảm 10,5% về lượng và giảm 12,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu cà phê tăng hơn 43% trong 7 tháng đầu năm 2022
Theo Tổng cục Hải quan, 7 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê đạt 1,13 triệu tấn, trị giá 2,56 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.261 USD/tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021. Ở góc độ thị trường xuất khẩu, 7 tháng qua, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Philippines, Algeria giảm. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang Bỉ và Vương quốc Anh tăng trưởng 3 con số; xuất khẩu sang Tây Ban Nha, Nga tăng trưởng 2 con số.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cà phê hòa tan, chế biến đạt khoảng 345 triệu USD, chiếm 14-15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê. Việc doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc. Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến đang được nâng lên đáng kể. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp Việt không còn quá quan trọng đến số lượng mà quan tâm đến chất lượng cũng như giá trị gia tăng.
Cùng với việc chú trọng chất lượng, gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), điển hình như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA)... cũng là yếu tố quan trọng giúp xuất khẩu cà phê có sự tăng trưởng đáng kể.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: EU hiện là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta. Trong “top” 10 thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã có 5 nước thuộc khối EU, chiếm 35,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê. Trong khi đó, Vicofa đánh giá, bất chấp lạm phát chạm đỉnh 20 năm, xuất khẩu cà phê sang EU vẫn tăng trưởng tốt. Lý do là bởi cà phê là mặt hàng thiết yếu, thức uống không thể thiếu của các nước phương Tây. Lợi thế thuế quan từ EVFTA cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này.
Việt Nam có khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu cà phê 4 tỷ USD trong năm 2022
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group nhận định, ngành cà phê năm 2022 sẽ tăng trưởng 30 - 40%, vì cả thế giới đang thích ứng với Covid-19, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm. Giá xuất khẩu cà phê có thể cán mốc 2.400 - 2.600 USD/tấn trong năm 2022 và đà tăng có thể kéo dài sang năm 2023.
Theo Vicofa, giá cà phê xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đi lên vì nguồn cung trong dân đã cạn, các doanh nghiệp chỉ còn chưa đến 500.000 tấn cho xuất khẩu. Đến tháng 11, 12 tới mới có thể thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023. Nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, cả năm 2022 ngành cà phê có thể thiết lập được mốc xuất khẩu kỷ lục 4 tỷ USD.
Hiện, cà phê nhân từ Việt Nam đa phần là Robusta có chất lượng thấp, việc cạnh tranh về giá rẻ không còn phù hợp. Để tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA thúc đẩy xuất khẩu cà phê, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu cũng như thâm nhập sâu hơn vào thị trường các FTA nói chung, Vương quốc Anh nói riêng, một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao từ những vùng trồng quy mô nhỏ hơn, có khả năng quản trị tốt hơn, có khả năng truy xuất và phát triển bền vững hơn. Đồng thời, doanh nghiệp phải tích cực, chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn. Chủ động được công nghệ bảo quản, vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Vương quốc Anh cũng là yếu tố quan trọng đặt ra.
Ông Trần Thái, Giám đốc Công ty T&T Meridian (Vương quốc Anh) nhận định, các công ty kinh doanh cà phê tại Anh đều biết Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phê hạt hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, về thương hiệu cà phê thành phẩm, Việt Nam chưa có vị trí nổi bật như Italy, Pháp hay Thuỵ Sỹ.
Về khẩu vị, người Anh không uống cà phê đậm đặc như cà phê đen của Việt Nam. Cà phê thành phẩm có mùi và vị mạnh quá sẽ khó bán ở thị trường Anh. Về bao bì, người Anh có thói quen đọc thông tin trên bao bì rất kỹ để xác định xem sản phẩm có thành phần gây dị ứng hay không, nên được pha chế như thế nào, có đạt các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) hay không. Các nhà phân phối sẽ hoan nghênh sản phẩm vừa phù hợp thị hiếu tiêu dùng vừa có bao bì đẹp. Đây cũng là những yếu tố doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cần đặc biệt lưu tâm khi xuất khẩu cà phê vào thị trường Vương quốc Anh nói riêng cũng như nhiều thị trường khác trong khối EU.
Tình hình xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022.
Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thị trường hạt điều toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Mặc dù vậy, ở giai đoạn hiện nay, cũng giống như nhiều mặt hàng khác xuất khẩu điều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức đặc biệt là những ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra.
Khó khăn thách thức đối với việc xuất khẩu điều
Theo số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 7/2022 giảm 3,2% về lượng và giảm 8,7% về trị giá so với tháng 6/2022, so với tháng 7/2021 giảm 17,5% về lượng và giảm 26,1% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều đạt 294 nghìn tấn, trị giá 1,76 tỷ USD, giảm 10,5% về lượng và giảm 12,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 kéo theo giá cước vận chuyển tăng khiến cho nhiều đơn hàng đã ký kết trong năm 2021 nhưng vẫn không giao được, phải tồn đọng sang năm 2022.
Đáng chú ý, mặc dù giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 5.792 USD/tấn, tăng 1,45% so với cùng kỳ năm 2021. Thế nhưng, giá nhập khẩu điều thô từ châu Phi từ đầu vụ đến nay đã tăng 15-20% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu tăng nhưng chưa bắt kịp đà tăng giá nhập khẩu nguyên liệu khiến các nhà nhập khẩu và chế biến đang có xu hướng chậm mua nguyên liệu.
Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/7, cả nước nhập khẩu gần 1,26 triệu tấn, kim ngạch gần 1,84 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhập khẩu giảm hơn 670 nghìn tấn, tương đương giảm 34,82%; trong khi kim ngạch giảm tới 37%, tương đương 1,077 tỷ USD.
Lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn toàn cầu khiến người dân thắt chặt chi tiêu, đặc biệt đối với các sản phẩm có giá thành cao. Dự báo xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2022 sẽ vẫn gặp khó khăn.
Bên cạnh những yếu tố bất lợi, Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng toàn cầu đang ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật, ưu tiên các nguồn protein thay thế, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt.
CK
Nguồn: VITIC/haiquanonline.com.vn