Bán hàng qua thương mại điện tử thuận lợi hơn so với bán qua đầu mối truyền thống, bởi doanh nghiệp có thể chủ động đơn hàng, từ đó có thêm nhiều khách hàng.
Thành quả bước đầu
Bị tác động bởi nhiều khó khăn, không có đơn hàng khiến doanh số xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ của Công ty TNHH Gia Nhiên trước dịch khoảng 1,2 triệu USD/năm nhưng sau dịch còn khoảng 70%, kéo dài đến hiện tại còn khoảng 60%. Để tìm kiếm đơn hàng mới, ngoài các hội chợ quốc tế, công ty còn tích cực tham gia triển lãm và quảng bá trên các nền tảng thương mại điện tử.
Ông Trần Hữu Hoài - Giám đốc công ty cho biết, ở góc độ kinh doanh, bằng mọi cách các doanh nghiệp phải khai thác thị trường. Qua các sàn thương mại điện tử, công ty đã đưa các sản phẩm lên kệ quảng cáo đến khách hàng. Kết quả, hai tháng gần đây, bên cạnh khách hàng cũ quay lại đặt hàng còn có cả khách hàng mới đến từ nhiều nước khác nhau. Đây là tín hiệu đáng mừng, mang lại dấu hiệu kinh doanh khởi sắc cho công ty.
Tương tự, nhờ nhanh nhạy tìm đến các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử Sendo và mạng xã hội như: Facebook, Zalo, TikTok… mà hợp tác xã sơ ri Bình Ân - Gò Công Đông (Tiền Giang) đã thành công với sản phẩm mứt sơ ri. Ông Nguyễn Trọng Thế, Giám đốc hợp tác xã sơ ri Bình Ân - Gò Công Đông cho biết, sản phẩm mứt sơ ri đã phủ khắp thị trường cả nước, khắc phục được hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông, người tiêu dùng cũng dễ dàng tiếp cận nên doanh thu tăng gấp 2 - 3 lần so với phương thức bán hàng truyền thống.
Cũng theo ông Thế, thời gian đầu, hợp tác xã chưa nắm bắt quy trình bán hàng, quảng bá nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, hợp tác xã đã tích cực tham gia các hội chợ thương mại để tìm kiếm đối tác. Ngoài việc phân phối thông qua kênh truyền thống, hợp tác xã còn đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Với việc buôn bán hàng qua hệ thống mạng đã giúp sản phẩm của hợp tác xã được nhiều người biết đến, không chỉ ở khu vực miền Nam mà ngay cả các tỉnh, thành miền Trung và miền Bắc.
"Việc bán hàng qua mạng xã hội thuận lợi hơn so với bán qua thương lái, đầu mối truyền thống. Chúng tôi có thể chủ động đơn hàng và có thêm nhiều khách hàng mới. Tuy nhiên, bán hàng qua mạng xã hội yêu cầu mình phải tự làm thêm các khâu tuyển chọn, đóng gói và giao hàng. Cùng với đó, chất lượng nông sản cũng phải được đảm bảo gần như tuyệt đối để đảm bảo uy tín của cửa hàng", ông Thế cho biết.
Ông Phạm Sơn Tùng - Phó ban Hợp tác Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, cho biết, kênh bán hàng qua sàn thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục là điểm sáng, tốc độ tăng trưởng trên hai con số. Mặc dù có đến 74% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng tình hình tài chính suy giảm so với trước dịch, tuy nhiên, giao dịch trên sàn thương mại điện tử vẫn tăng. Nhiều kênh bán hàng như Facebook, TikTok tăng trưởng nhanh, chiếm gần 47% đơn hàng trên các kênh bán hàng online của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Thống kê hiện nay cho thấy, nông sản, sản phẩm thiết yếu được người tiêu dùng quan tâm nhiều. Đơn cử, trái cây và rau củ chiếm 45%, chăm sóc sức khỏe chiếm 42%, thịt tươi và thực phẩm từ sữa chiếm 40%… Thậm chí, có doanh nghiệp sản xuất bánh tráng, muối tôm Tây Ninh nhưng sản phẩm đã bán khắp thế giới thông qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba”, ông Tùng cho biết.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Thống kê của Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, kể từ khi Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn được triển khai. Từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2023, đã có hơn 5,4 triệu tài khoản hoạt động trên 2 sàn Vỏ sò và Postmart.
Kết quả tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, đã có tổng cộng 7.637 sản phẩm OCOP được lên sàn. Số giao dịch qua các sàn thương mại điện tử đạt gần 1 triệu giao dịch, với tổng giá trị đạt 217,1 tỉ đồng. Giá trị 1 giao dịch/sản phẩm khoảng 220.000 đồng/giao dịch/sản phẩm.
Tại các địa phương, đã có 568 khóa đào tạo, tập huấn được triển khai nhằm giúp người dân quen thuộc hơn với hoạt động mua bán online. Hơn 8,4 triệu người đã được đào tạo, tập huấn thông qua các hoạt động này.
Mới đây nhất, tại Đồng Tháp Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp phối hợp với UBND TP Hồng Ngự và doanh nghiệp tổ chức khóa tập huấn nâng cao kỹ năng bán hàng trên TikTok Shop, livestream với sản phẩm nông sản OCOP.
Tại Bình Dương, ngành nông nghiệp Bình Dương đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 3248/ KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát riển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đồng thời cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số thực hiện một số giải pháp trong quản lý, tổ chức sản xuất, bán sản phẩm nông sản thông qua các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, các kênh bán hàng trực tuyến… Theo số liệu thống kê, đến nay đã có hơn 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để giao dịch mua - bán trên sàn thương mại điện tử.
Song song đó, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, tỉnh đã ra mắt sàn thương mại điện tử, đây là bước đầu của chuỗi hoạt Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh sẽ tham gia giao dịch trên các sàn postmart.vn, Voso.vn, binhduongtrade.vn, foodmap…
Về phía Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, đang triển khai xây dựng mô hình sàn đặc sản địa phương trên các sàn thương mại điện tử. Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số dự kiến sẽ triển khai mô hình này trên các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee, đồng thời, phối hợp với một số doanh nghiệp công nghệ và dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp về thiết lập gian hàng, kỹ năng bán hàng. Đó là cách vận hành và phân phối sản phẩm, quy trình đăng sản phẩm, quản lý gian hàng, chăm sóc khách hàng, cách thức đóng gói, giao nhận hàng hóa… nhằm tối ưu chi phí và hiệu quả bán hàng.
Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ trao đổi với các sàn, các nền tảng thương mại điện tử, các đơn vị dịch vụ vận hành để đưa ra phương án hỗ trợ tối ưu về chi phí, truyền thông cho các doanh nghiệp và sản phẩm địa phương khi tham gia chương trình.