Xuất khẩu tiêu trong tháng 3 bất ngờ tăng mạnh trở lại mặc dù thị trường Trung Quốc siết chặt hoạt động kiểm dịch khiến việc bán hàng trở nên khó khăn.
Theo tống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 3, Việt Nam xuất khẩu được 23.939 tấn tiêu, kim ngạch 113,1 triệu USD. So với tháng trước đó, lượng xuất khẩu tăng 63%, kim ngạch tăng 71%.
Mỹ, Ấn Độ và UAE là các thị trường nhập khẩu lớn nhất trong tháng, trong đó Mỹ chiếm 22,8% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam.
Tính chung trong quý I, Việt Nam xuất khẩu được 54.615 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 45.384 tấn, tiêu trắng đạt 9.231 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 254,4 triệu USD.
So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu giảm 11,3% tương đương 6.969 tấn tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 41% tương đương 74 triệu USD.
Kết thúc quý 1 năm 2022, Trân Châu vươn lên trở thành doanh nghiệp xuất khẩu đứng đầu trong quý với lượng xuất khẩu đạt 7.612 tấn, tăng 89,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là các doanh nghiệp Olam, Nedspice, Phúc Sinh và Haprosimex JSC,… Trước đó, vị trí này thường thuộc về các doanh nghiệp FDI.
Giá tiêu đen tại các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam Bộ sau khi tăng lên mức 84.000 – 87.000 đồng/kg vào giữa tháng 2 đã giảm xuống còn 77.000 – 80.000 đồng/kg và có chuỗi ngày đi ngang kéo dài trong suốt tháng 3 vừa qua.
Xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc, một trong những thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam gặp nhiều khó khăn và sụt giảm do chính sách “Zero COVID” khiến thị trường hồ tiêu chùng xuống trong thời gian gần đây.
Trong quý I, xuất khẩu tiêu sang thị trường này giảm tới 81% xuống 2.138 tấn.
Ngay từ cuối năm ngoái, VPA nhận định chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc tác động không nhỏ tới thị trường hồ tiêu Việt Nam phần lớn lượng hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Việc tắc nghẽn ở các cửa khẩu, thắt chặt việc đi lại tại thị trường nội địa Trung Quốc khi phát hiện ca dương tính sẽ làm cho việc tiêu thụ hồ tiêu của Trung Quốc giảm xuống.
Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường hồ tiêu dù đây không phải là hai thị trường xuất khẩu tiêu chủ lực của Việt Nam.
Ngoài ra, theo Cục Xuất nhập khẩu các địa phương đang bước vào thu hoạch vụ mới, nên các nhà nhập khẩu muốn chờ đợi nguồn cung dồi dào và giá giảm. Dự kiến các nhà nhập khẩu sẽ bắt đầu tăng mua kể từ tháng 4 trở đi, khi Việt Nam vào thu hoạch giai đoạn cuối.
Mặc dù vậy, điểm tích cực là giá tiêu hiện vẫn đang cao hơn 5.000 đồng/kg so với mức giá 71.000 – 75.000 đồng/kg của cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: doanhnghiep.vn