Vùng Tây Nguyên có tổng diện tích 54.641,069 km2, bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắk Nông và Lâm Đồng; quy mô dân số năm 2020 vào khoảng 6.211.500 người. Tây Nguyên là vùng đất rất đa dạng, phong phú với hệ thống các cao nguyên hoang sơ, khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh sắc thiên nhiên đẹp rực rỡ và những thác nước, non cao, suối nguồn, hồ nước lớn và nhiều khu bảo tồn quốc gia và có các khu dự trữ sinh quyển thế giới tạo nên sự trù phú cho vùng đất Tây Nguyên. Đây chính là những tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với những nét đặc thù riêng mà ít vùng kinh tế nào có được đó là: phát triển lâm nghiệp; cây công nghiệp dài ngày, rau, hoa, quả ôn và nhiệt đới; cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc và nuôi cá nước lạnh, công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo, đa dạng văn hóa đặc sắc. Tây Nguyên cũng là vùng đất hứa nhiều tiềm năng khai thác các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái rừng, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch tâm klinh, du lịch canh nông và du lịch hội nghị hội thảo.
Các tiềm năng lợi thế so sánh của vùng Tây Nguyên
1. Tài nguyên văn hóa Tây Nguyên mang giá trị đặc sắc độc đáo. Tây Nguyên là một trong những vùng văn hóa lớn của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ hàng nghìn năm về trước với những giá trị đa dạng, đặc sắc và độc đáo. Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có một nền văn hóa bản địa phong phú với văn hóa chữ viết, trang phục, âm nhạc dân gian, văn hóa ẩm thực độc đáo. Tây Nguyên có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức quý giá, như: đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng tạo nên một kho tàng văn hóa rất riêng dễ nhận diện. Hiện nay, Tây Nguyên là nơi còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như: nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, lời nói vần, những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc lưu truyền qua nhiều thế hệ. Một trong những di sản nổi tiếng là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
2. Tài nguyên khoáng sản. Tây nguyên cũng là vùng đất có nhiều khoáng sản quý như: nhóm Khoáng sản kim loại (thiếc, vôn fram, vàng, bôxit). Đáng kể nhất là quặng bôxit với trữ lượng dự báo khoảng 10 tỷ tấn, chiếm 90% trữ lượng bôxit cả nước, phân bố chủ yếu ở Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai Kon Tum; vàng có 21 điểm vàng trữ lượng khoảng 8,82 tấn phân bố ở Kon Tum, Gia Lai và Lâm Đồng. Nhóm Khoáng sản phi kim loại: cao lanh, bentonit, diatomit (Lâm Đồng); ngoài ra còn các loại đá quí, các mỏ sét gạch ngói phân bố ở Chưsê - Gia Lai và Bản Đôn - Đắc Lắc, than bùn và than nâu phân bố ở Biển Hồ, làng Bua, làng Vệ - Gia Lai, Chư Đăng - Đắc Lắc và Lâm Đồng.
3. Tài nguyên rừng là lợi thế so sánh toàn vùng.Diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp hơn 3,2 triệu ha, chiếm 19,9% diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp cả nước. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2018, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên hơn 2,55 triệu ha, tăng 3.502 ha so năm 2017; tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt 46,01%. Rừng tự nhiên ở Tây Nguyên phân bố chủ yếu ở các vùng đồi núi, nơi đây cũng là vùng sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, có tập quán sinh kế, văn hóa xã hội truyền thống gắn liền với rừng. Tài nguyên rừng và đất rừng ở đây không những là nguồn lực sinh kế đặc biệt của người dân Tây Nguyên mà còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Tuy vậy, tình trạng phá rừng, mất rừng ở Tây Nguyên do khai thác gỗ, lấy đất sản xuất, chuyển mục đích sử dụng… đã và đang làm diện tích và chất lượng rừng suy giảm một cách nghiêm trọng.
4. Tài nguyên về đa dạng sinh học và địa chất có tầm quốc gia, khu vực và quốc tế: Rừng Tây Nguyên giàu về trữ lượng, đa dạng về chủng loại, trữ lượng rừng gỗ chiếm tới 35% tổng trữ lượng rừng gỗ của cả nước. Diện tích rừng Tây Nguyên là 2.559.956 ha chiếm 17,5% diện tích rừng cả nước, có 19 cao nguyên quan trọng của Tây Nguyên. Khu vực Tây Nguyên hiện có 06 Vườn Quốc gia, 10 khu bảo tồn và 02 Khu DTSQTG (Khu DTSQTG Langbiang và Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng).Trong tổng số 88 vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn và sinh cảnh cùng khu bảo vệ cảnh quan, thì khu vực Tây Nguyên chiếm gần 1/4 hệ đa dạng về sinh thái - sinh học của cả nước; Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, đây là hệ thống hang động núi lửa dài và đẹp nhất Đông Nam Á; do đó yêu cầu giữ gìn, bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học, công viên địa chất là một thách thức lớn và đòi hỏi cách làm hết sức chuyên nghiệp của các đơn vị và địa phương có trách nhiệm quản lý.
5. Tiềm năng nông nghiệp có điều kiện sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại. Đây là vùng có đất đai tốt, khí hậu phù hợp cho sự phát triển của các loại cây trồng hàng hóa. Trong đó có trên 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, gồm 850,1 ngàn ha đất trồng cây hàng năm và gần 1,151 triệu ha đất trồng cây lâu năm…Đặc biệt, các tỉnh Tây Nguyên có diện tích đất bazan chiếm 74,25% trong tổng diện tích đất bazan của cả nước.
Vùng Tây Nguyên có lợi thế phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và dược liệu. Nhờ có khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ, hầu hết là đất đỏ Bazan trải dài từ bắc xuống nam toàn vùng, do đó tỉnh nào cũng có diện tích đất đỏ Bazan hàng trăm ngàn ha; vì vậy Tây Nguyên là vùng thuộc nhóm vùng nông nghiệp đa cây, đa con nhất Việt Nam với quy mô hàng hóa; rất thích hợp trồng nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày: cà phê, cao su, tiêu, điều, chè, dâu tằm, mắc ca, cây ăn quả, rau, hoa và dược liệu; là vùng có thế mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, trâu, bò sữa, bò thịt, đồng thời cũng là vùng có thế mạnh phát triển cá nước lạnh tốt nhất cả nước. Do đó Tây Nguyên có những sản phẩm chủ lực của quốc gia, nhiều nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhất các vùng kinh tế ở Việt Nam, có nhu cầu thị trường cao, đạt giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên.
6. Tiềm năng phát triển du lịch. Nhờ có khí hậu đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và cấp tỉnh, có hệ thống sông, suối đi qua, có nhiều hồ đa chức năng; có đa dạng nét văn hóa các dân tộc; vì vậy Tây nguyên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, Tuy nhiên đến nay du lịch phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương, hiện nay chủ yếu ở Lâm Đồng và Đắc Lắc, Đăk nông vì thế nơi đây vẫn giữ nguyên được nét đẹp hoang sơ vốn có với rất nhiều điểm check-in đẹp, du khách có thể đắm chìm trong sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây và cảm nhận hơi thở của núi rừng trong lành, khí trời trong veo và man mát luôn quyến rũ du khách đến đây khi trùng vào các vùng khác những dịp hè nắng nóng.
7. Phát triển năng lượng tái tạo.Nhờ địa thế cao nguyên và nhiều thác nước, nên tài nguyên thủy năng của vùng lớn và được sử dụng ngày càng có hiệu quả hơn. Toàn vùng đã xây dựng các nhà máy lớn thủy điện Đa Nhim (160.000 kW) trên sông Đa Nhim (thượng nguồn sông Đồng Nai),Đray H'inh (12.000 kW) trên sông Serepôk; công trình thủy điện Yaly (700.000 kW) đưa điện lên lưới từ năm 2000. Hiện nay toàn vùng có hàng trăm nhà máy thủy điện khắp các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài tiềm năng thủy điện, Tây Nguyên cũng là vùng có lợi thế năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang tập trung đầu tư vận hành trong thời gian tới.
8.Tiềm năng khí hậu.Nằm trong vùng Nhiệt đới Xavan, khí hậu ở Tây Nguyên được chia làm hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, trong đó tháng 3 và tháng 4 là hai tháng nóng và khô nhất. Do ảnh hưởng của độ cao nên ở các cao nguyên có độ cao cao 400–500 m khí hậu tương đối mát và mưa nhiều, riêng các cao nguyên có độ cao từ 900 -1500 m thì khí hậu lại mát mẻ quanh năm, đặc điểm của khí hậu núi cao như cao nguyên Langbiang, cao nguyên Di Linh; vùng Tây Nguyên có lượng mưa phân bố đều trong năm, vì vậy khả năng sinh thủy tốt, có nguồn nước mặt dồi dào rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, do đó nhìn tổng thể Tây Nguyên là một trong những vùng sinh thái ít bị tổn thương biến đổi khí hậu so với các vùng khác đặc biệt là hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông;
9. Cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân tạo độc đáo. Tây nguyên có nhiều hệ thống sông chảy xuyên qua các tỉnh như sông Serepok, sông Se San, sông Đồng Nai....tạo nên cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, do đó Tây Nguyên sở hữu nhiều lợi thế để phát triển kinh tế du lịch.. Tây Nguyên có cảnh quan đẹp nhờ có hệ sinh thái rừng, hệ thống sông suối xen kẽ với vườn cây công nghiệp và cây ăn quả tạo mảng xanh bạt ngàn. Các tuyến cảnh quan không gian mở dọc sông Đồng Nai, sông Serepok các hồ thủy điện, hồ thủy lợi dọc các suối tự nhiên với nhiều cảnh quan đẹp có thể khai thác du lịch quanh năm. Tây nguyên có địa hình da dạng, độ cao biến động rất lớn, có độ cao trung bình so với mặt nước biển biến động từ 450 -2300m, đặc biệt có địa hình đồi thoai thoải, do đó rất thuận lợi cho vừa phát triển đô thị có thiết kế đô thị đẹp, vừa phát triển nông nghiệp bền vững vừa phát triển đô thị độc đáo, hiếm có theo hướng làng đô thị xanh, đô thị sinh thái thông minh, biệt thự vườn... rất lý tưởng thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.
Những hạn chế ảnh hưởng đến phát triển bền vững Tây Nguyên
Trong thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp ở các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung lãnh chỉ đạo, tập trung mọi nguồn lực phát triển dân cư, mà giá trị cốt lõi nhất mang lại trong thực tiễn đời sống xã hội đó là tập trung xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua đó nhiều địa phương có tỷ lệ đơn vị cấp huyện đạt nông thôn mới cao như Lâm Đồng 58%. Có thể nói kết quả này là sự phấn đấu kiên trì của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự đóng góp công sức của toàn thể nhân dân các dân tộc của các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua, tạo điều kiện để Tây Nguyên vươn lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới đó là: (1) hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, do đó chi phí logistics cao nhất so với các vùng kinh tế, một trong những nguyên nhân hạn chế liên kết vùng; (2) Phát triển dân cư nông thôn không theo quy hoạch, phát triển đô thị chậm so với tiềm năng; (3) tỷ lệ hộ nghèo còn cao (4). Định hướng du lịch chưa có hệ thống, chưa bài bản, thiếu chuyên nghiệp với tầm nhìn dài hạn, còn thiếu vắng các loại hình du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp (5).Việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến môi trường, thiếu bền vững;(6).Phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng khí hậu, đất đai; (7).Công tác quản lý bảo vệ rừng hạn chế, mất tài nguyên rừng và làm suy giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng.
Một số giải pháp phát triển bền vững liên kết vùng Tây Nguyên thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW trong xu thế hội nhập quốc tế giai đoạn 2022-2030 và tầm nhìn đến năm 2045
Trên cơ sở những tiềm năng lợi thế so sánh, xác định những hạn chế tồn tại, chúng tôi kiến nghị những giải pháp cơ bản nhằm khai thác tiềm năng tạo đột phá liên kết vùng trong tương lai.
1.Quản lý tài nguyên, khai thác tiềm năng khí hậu, đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản.Tập trung rà soát việc cấp phép và khai thác khoáng sản theo hướng bền vững; xác định, phân vùng kiểm soát về tác động đến môi trường đối với các khu vực: khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, tuyệt đối không tác động; khu vực có thể xây dựng công trình (khu đô thị, khu dân cư, sản xuất công, nông nghiệp, khai thác khoáng sản, du lịch lưu trú, thương mại,…);
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường sau khai thác khoáng sản theo quy định; khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch, tiết kiệm năng lượng. Thường xuyên chỉnh trang các tuyến đường; tổ chức thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo đúng quy định;
Thực hiện có hiệu quả các phương án về quy hoạch, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Tăng cường trồng cỏ, cây xanh tạo cảnh quan, môi trường sinh thái cho khu vực đô thị và điểm dân cư nông thôn. Tập trung làm tốt quy hoạch ba loại rừng, rà soát những diện tích đất người dân canh tác nông nghiệp lâu năm mà không vi phạm hành chính về quản lý bảo vệ rừng thì các địa phương tổ chức cấp QSDĐ cho người dân nhằm tạo điều kiện cho họ có điều kiện phát triển sản xuất, giảm nghèo và làm giàu từ nông nghiệp bền vững.
2. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao Như đã phân tích nêu trên, dân số toàn vùng năm 2020 vào khoảng 6.211.500 người, dự báo đến năm 2030 quy mô dân số toàn vùng khoảng 7.390.600 người. Để có dân số này ngoài việc tăng dân số tự nhiên thì tăng dân số cơ học dự báo trong thời gian tới là khá lớn; đây là nguồn nhân lực khá dồi dào, vấn đề còn lại các địa phương cần tiến hành nhiều giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước hết tập trung chăm lo công tác giáo dục đào tạo; phát huy tốt công tác khuyến học, khuyến tài để đào tạo nguồn nhân lực từ các cấp học phổ thông; phát hiện công chức, viên chức trẻ có nhiều triển vọng để đào tạo trình độ chuyên và lý luận; đồng thời thu hút các nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu, có trình độ quản trị giỏi ở các địa phương khác có tâm huyết với quá trình phát triển của vùng Tây Nguyên trong tương lai; đồng thời tổ chức quán triệt
3. Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ. Rà soát tất cả các ngành và lĩnh vực từ đó xác định rõ yếu và thiếu ở khâu nào cần tác động khoa học công nghệ? Chú trọng đầu tư đồng bộ các nguồn lực ( tài lực, nhân lực, vật lực…), xác định lấy khoa học công nghệ tạo đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội; ứng dụng mạnh mẽ cuộc CMCN 4.0; thực hiện tối đa chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực; tăng cường đổi mới sáng tạo trong tất cả các hoạt động kinh tế xã hội. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành cần có quan điểm chỉ đạo “Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp trong quá trình phát triển kinh tế -xã hội của toàn vùng với tầm nhìn dài hạn”;
4. Đầu tư hạ tầng giao thông để tạo đột phá trong liên kết vùng.Tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng hạ tầng giao thông. Đối với đường hàng không, đầu tư nâng cấp các cảng hàng không đạt Cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO); theo đó nâng cấp cảng hàng không Liên Khương – Đà Lạt trở thành Cảng hàng không quốc tế vào năm 2022; cảng hàng không Buôn Ma Thuột trở thành Cảng hàng không quốc tế trước năm giai đoạn 2030 -2050. Đối với đường bộ, trước mắt giai đoạn 2021 -2025 nâng cấp các tuyến Quốc lộ 14, 19, 26, 27, 28, 29; giai đoạn 2025 -2050 tiếp tục đầu tư nguồn lực để xây dựng các tuyến cao tốc liên vùng Khánh Hòa – Đắc Lắc. Đối với đường sắt, khôi phục tuyến Đường sắt Phan Rang, Tháp Chàm – Đà Lạt giai đoạn 2025 -2030 và xây dựng mới tuyến đường sắt kết nối từ Phú Yên và các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn sau năm 2030 để khắc phục dần chi phí vận chuyển nông sản quá cao. Đặc biệt nhà nước cần đầu tư với nguồn lực lớn phát triển các cửa khẩu các tỉnh Tây Nguyên với Campuchia và Lào (trừ Lâm Đồng); nếu tập trung nguồn lực thực hiện các dự án hạ tầng nêu trên sẽ đưa Tây Nguyên khai thác các tiềm năng phát triển về kinh tế mang tính đột phá nói chung và ngành nông lâm nghiệp nói riêng.
Sớm có giải pháp đồng bộ triển khai Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như: cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, cao tốc Nha Trang – Đà Lạt, cao tốc Liên Khương – Buôn Ma Thuột; khai thác đường Đông Trường Sơn và nâng cấp mở rộng Quốc lộ 55 nhằm đáp ứng năng lực du lịch và vận tải hàng hóa trong vùng duyên hải Nam Trung bộ và các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam Bộ.
5. Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Có giải pháp đồng bộ khai thác tối ưu tiềm năng khí hậu, đất đai để phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại và bền vững; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn.Để giải quyết bài toán này các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện quyết liệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một trong những nội dung phải tái cơ cấu là chuyển mạnh sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị; nếu chúng ta tiếp tục tổ chức sản xuất tốt, ứng dụng khoa học công nghệ mà mũi nhọn là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ để khai thác ngưỡng đội trần năng suất cây trồng, vật nuôi, làm tốt công nghệ sau thu hoạch, thu hút các dự án chế biến nông sản để giải quyết đồng bộ phát triển vùng nguyên liệu và công nghệ chế biến một cách khoa học thì trong tương lai nông nghiệp Tây Nguyên sẽ nằm tốp đầu cả nước, sẽ trở thành vùng kinh tế có nhiều nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu giá trị cao.
6. Phát triển du lịch xanh. Có giải pháp đồng bộ, tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước con người vùng Tây Nguyên để phát triển du lịch xanh; đa dạng hóa các loại hình du lịch có lợi thế, đặc biệt là du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch văn hóa, du lịch giáo dục, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch canh nông và du lịch dưới tán rừng… Phát triển du lịch cảnh quan tại các hồ thủy điện, hồ thủy lợi như: hồ Tà Đùng (Đắk Nông); Khu du lịch Hồ Đan Kia – Suối Vàng; Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng); hồ Lắk (Đắk Lắk); Biển Hồ ( Gia Lai)... và các mô hình trồng trọt, sản xuất, thu hoạch, chế biến chè, cà phê dâu tằm khai thác du lịch trải nghiệm.
Giá trị văn hóa ở Tây Nguyên còn được thể hiện ở những kinh nghiệm thuần dưỡng voi, ở những bài thuốc gia truyền chữa bệnh, ở kỹ thuật đúc đồng để chế tạo ra đàn đá và nhạc khí Cồng Chiêng, là các nghệ nhân điêu khắc qua các tượng nhà mồ của các dân tộc Gia Rai, Bana, Êđe, Mnông, là kỹ thuật trang trí dệt nên những hoa văn của các trang phục các dân tộc, là tinh thần anh dũng, mưu trí tuyệt vời qua truyền thuyết Đam San, Xing Nhã, Đia Đon, cũng như các anh hùng thời nay như anh hùng Núp, anh hùng Nơ Trang Long... Được hội tụ lại trong làng Kông Hoa, Bản Đôn, trong chiến thắng An Khê, Plây Me, Buôn Ma Thuột, Sa Thầy, Đắk Tô, Đắk Nông, Đắk Min. Giá trị tinh thần còn đọng lại 200 tục lệ của người Êđê, 100 tục lệ của người Mnông và hàng ngàn tục lệ của người Gia Rai, Bana, Giẻ Triêng, Rơ Ngao, Xê Đăng, K’Ho....qua cách ứng xử trong cộng đồng, qua việc ăn, ở, mặc, giải trí, trong việc cưới, tang, lễ nghi, tín ngưỡng và tôn giáo cần tiếp tục khai thác giá trị du lịch văn hóa độc đáo này.
7. Phát triển hạ tầng thủy lợi vùng Tây Nguyên nhằm đáp ứng sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.Theo kịch bản biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên có nhiều dự báo rất thú vị: về nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình trên toàn vùng có xu hướng tăng theo thời gian đến năm 2050 từ mức 0,5-1,24°C tùy theo từng tỉnh. Về mưa: Mưa trung bình năm trên toàn vùng có xu hướng tăng theo thời gian. Năm 2020 tăng khoảng 7,8 mm, đến năm 2050 tăng khoảng 25,3 mm so với năm 2010. Hiện toàn vùng Tây Nguyên đã xây dựng 2.354 công trình thủy lợi; trong đó có 1.190 hồ chứa, 972 đập dâng, 130 trạm bơm và 62 công trình khác đảm bảo năng lực tưới cho khoảng gần 290.000 ha cây trồng. Tuy nhiên, trên thực tế mới chỉ tưới cho khoảng 214.645 ha, đáp ứng hơn 20% nhu cầu tưới tiêu toàn vùng. Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và dự báo chu kỳ hạn hán sẽ ngắn hơn 10 năm trước, do đó cần có giải pháp triển khai quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên giai đoạn năm 2030, định hướng đến năm 2050, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định Số 4325/QĐ-BNN-TCTL ngày 02/11/2018, với tổng kinh phí thực hiện quy hoạch khoảng 103.224 tỷ đồng.
8. Phát triển đô thị sinh thái thông minh phù hợp với xu hướng phát triển thời đại. Có giải pháp đồng bộ triển khai của các địa phương về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050; với mục tiêu phát triển các tỉnh Tây Nguyên đảm bảo tính toàn diện, hài hòa và bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vùng tỉnh đồng bộ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng; trong đó, tập trung phát triển thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa để phát triển du lịch sinh thái, du lịch hỗn hợp và thương mại, dịch vụ; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đô thị văn minh, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đời sống của nhân dân vùng Tây Nguyên. Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút các dự án phát triển đô thị sinh thái thông minh trong tương lai.
9. Thu hút đầu tư.Trong thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên có giải pháp quyết liệt hơn, đồng bộ hơn quảng bá hình ảnh quê hương đất nước con người Tây Nguyên nhằm thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư chiến lược tập trung dự án về các lĩnh vực: phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; công nghiệp chế biến nông sản; công nghiệp khai khoáng; năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; phát triển đô thị sinh thái thông minh; phát triển các khu dân cư tiện ích; làng đô thị xanh; phát triển công nghiệp văn hóa và thu hút các dự án giáo dục quốc tế.
Qua phân tích nêu trên cho thấy Tây Nguyên là vùng đất nhiều tiềm năng, trong thời gian qua các địa phương có nhiều giải pháp sáng tạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đạt được những kết quả nhất định, song chưa khai thác tương xứng tiềm năng, do đó trước yêu cầu phát triển bền vững phù hợp với xu thế thời đại, tính tất yếu các tỉnh Tây Nguyên cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt sát thực tế trong quá trình triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW, chú trọng yếu tố liên kết vùng nhằm khai thác tiềm năng lợi thế tạo đột phá vùng Tây Nguyên trong tương lai.
Tiến sỹ Phạm S Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng