Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng có lợi thế ở Lạc Dương

  • 15/07/2022
  • s 08:56

Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, mới đây, huyện Lạc Dương đã thành lập Câu lạc bộ Sản phẩm OCOP và đưa vào vận hành Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP. Qua đó, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, hộ gia đình thông qua việc gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch và thương mại dịch vụ, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng có lợi thế của địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận thăm Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương

Nằm tiệm cận thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển rau, hoa các loại và cà phê, cây dược liệu… cho giá trị kinh tế cao. Phần lớn kinh tế của người dân thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là ngành Trồng trọt. Nông nghiệp Lạc Dương trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó việc đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm và đẩy mạnh, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá cả thị trường… 

Ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho hay: Đến nay, giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích tại huyện Lạc Dương đạt 316 triệu đồng/ha/năm. Giá trị sản xuất trong nhà kính, nhà lưới đối với hoa đạt khoảng 1,5 - 1,8 tỷ đồng/ha (có diện tích lên đến 2 tỷ đồng/ha/năm đối với hoa ly ly), rau đạt khoảng 1 - 1,2 tỷ đồng/ha. Đối với sản xuất rau ngoài trời doanh thu đạt khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha. So với sản xuất theo phương pháp truyền thống, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính tăng trên 30%. Cơ cấu giống cây trồng trên địa bàn huyện trong những năm gần đây có sự chuyển đổi mạnh mẽ, nhiều loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao, giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất như các loại rau, hoa, cây dược liệu, cà phê…

Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 19 sản phẩm của các công ty đã được đánh giá xếp hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP như các sản phẩm từ phúc bồn tử của Công ty TNHH Lang Biang. F Dâu rừng (rượu vang phúc bồn tử đỏ, rượu vang phúc bồn tử đen, nước cốt phúc bồn tử đỏ, nước cốt phúc bồn tử đen, mứt phúc bồn tử đỏ, mứt phúc bồn tử đen); Sản phẩm rau xà lách thuỷ canh của Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc; Sản phẩm cà phê (Chappi Mountains Coffee) của Công ty TNHH Daisy International; Nấm hương LangBiang và nấm hương ăn liền của Công ty Cổ phần Nguyên Long; sản phẩm Cà phê Arabica vàng của cơ sở sản xuất Yũ M’nang… 

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất vẫn còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch và nhu cầu của thị trường, phần lớn không có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm dẫn đến tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa còn thường xuyên xảy ra. Các sản phẩm nông nghiệp phần lớn được bán trực tiếp chưa qua sơ chế, chế biến nên giá trị sản phẩm không cao. Việc sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng như VietGap, Oganic, nông nghiệp hữu cơ… còn hạn chế, phần lớn do các công ty, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện. Các sản phẩm có chứng nhận an toàn, sản phẩm OCOP giới thiệu đến người tiêu dùng còn ít, chưa được quảng bá rộng rãi.

Trước thực trạng trên, huyện Lạc Dương đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP nhằm giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng hình ảnh thương hiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với người tiêu dùng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản tiếp cận được với thị trường trong và ngoài nước; tăng cường liên doanh, liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp giữa người nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến sâu. Từ đó, mở rộng thêm mạng lưới phân phối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng có lợi thế của địa phương cũng như hình thành và kết nối các kênh phân phối để tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường.

Cùng với đó, UBND huyện đã thành lập Câu lạc bộ Sản phẩm OCOP với 21 hội viên. Đây là nơi để các hội viên liên kết, giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP cũng như các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Hiện, tất cả các sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm nông nghiệp đặc trưng địa phương của các thành viên CLB sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương đều được trưng bày, giới thiệu tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP huyện. Đây sẽ là điểm nhấn và điểm đến quen thuộc cho du khách khi đến với Lạc Dương để được sử dụng những sản phẩm chất lượng, đặc trưng của địa phương. 

“Việc thành lập Câu lạc bộ OCOP và xây dựng Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP huyện nhằm phát huy sự đoàn kết, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, quảng bá các sản phẩm đặc trưng có lợi thế của địa phương. Đồng thời, góp phần kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, hộ gia đình thông qua việc gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch và thương mại dịch vụ theo định hướng phát triển của huyện. Hiện địa phương đang phấn đấu có thêm khoảng 20 sản phẩm OCOP, trong đó, có từ 1 - 2 sản phẩm đạt 5 sao”, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài cho biết. 

http://baolamdong.vn/