Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Nâng giá trị trái hồng D'ran

  • 22/08/2022
  • s 10:55

D’ran, mảnh đất xinh đẹp nằm bên dòng Đa Nhim hiền hòa, nơi những vườn hồng, vườn thơm mật trĩu hương thơm, vị ngọt. D’ran cũng nuôi trong mình những người con gắn bó với đất đai, khát vọng xây nên quê hương giàu đẹp từ chính những trái hồng, trái thơm được nuôi dưỡng từ sương, từ đất.

Chị Yến Vinh kiểm tra bao bì sản phẩm

Anh Lê Quốc Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Đa Nhim chia sẻ, hiện, ở thị trấn D’ran có khoảng 1.000 ha trồng cây hồng ăn trái. Nhờ lợi thế từ khí hậu, thổ nhưỡng mà cây hồng ở D’ran sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và hương vị đặc trưng. Vào thời trước, hồng ăn trái D’ran đi khắp nơi trên cả nước, mang đến cho người tiêu dùng những trái hồng tươi ngọt ngào. Nhưng rồi cuộc sống thay đổi, trái hồng D’ran “mất ngôi”, có những lúc hồng xuống giá tới mức người nông dân bỏ cây, không còn chăm sóc. Và anh cùng với bạn đời, một cô gái D’ran, quyết tâm góp phần giữ gìn giá trị của cây trái D’ran.

Anh Lê Quốc Thanh và bạn đời - chị Lê Thị Yến Vinh đều còn khá trẻ. Cả hai đều xuất thân trong những gia đình nông dân D’ran truyền thống, định cư đất mới, trồng hồng, trồng thơm trên những triền đồi D’ran từ khi mới mở đất. Chị Yến Vinh kể, chị theo mẹ, theo cha hái hồng, mua bán hồng từ khi còn nhỏ xíu. Bởi vậy, khi thấy trái cây D’ran mất giá, chị và chồng đều cảm thấy tiếc nuối, quyết tâm tìm cách chế biến trái hồng để nâng giá trị cho thứ trái đặc sản này. Vậy là hai vợ chồng mày mò sấy hồng, sấy thơm theo kiểu cũ bằng nhiệt. Rồi kỹ thuật treo gió hồng được phổ biến, anh chị lại tiến hành treo gió hồng. Dần dần, những mẻ sấy, mẻ treo hồng của đôi vợ chồng phát triển và Công ty TNHH Nông sản Đa Nhim ra đời. 

Anh Lê Quốc Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Đa Nhim đánh giá, lượng hồng trái, thơm mật của D’ran rất lớn. Đây chính là nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định, dồi dào cho những cơ sở chế biến hồng sấy. Vấn đề với những người chế biến nông sản là phải làm thế nào để sản phẩm của mình đạt chất lượng, đảm bảo số lượng cũng như độ ổn định của nông sản để thị trường tin tưởng và lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc D’ran. Vì vậy, Công ty TNHH Nông sản Đa Nhim áp dụng các kỹ thuật chế biến đạt chuẩn. Nhà xưởng của doanh nghiệp được xây dựng và hệ thống máy móc sản xuất đạt các chứng chỉ quốc gia và hướng tới quốc tế. Hiện tại, công ty đang được Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng hỗ trợ để sửa chữa, xây dựng mới nhà xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, anh Lê Quốc Thanh đánh giá, muốn sản phẩm có chất lượng tốt, đầu vào của sản phẩm phải đạt chất lượng và có tính ổn định. Vì vậy, Đa Nhim luôn ưu tiên chọn sản phẩm địa phương, nơi doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát nguồn gốc. Hồng sấy các loại, doanh nghiệp chủ yếu kí hợp đồng bao tiêu với nông dân vùng D’ran và Trạm Hành, Xuân Trường. Các chủng loại hồng như Tám Hải, vuông đồng được ưu tiên chế biến bởi sản phẩm có độ ngọt, dẻo cao, màu sắc đẹp. Sản phẩm chuối sấy được kí hợp đồng cung cấp với HTX Chuối Đạ K’Nàng - HTX có chứng chỉ xuất khẩu. Còn dâu tằm lên men là sản phẩm mới của Đa Nhim, chủ yếu được thu mua của nông dân quanh vùng. 

Quy trình chuẩn, máy móc chuẩn, đầu vào được kiểm soát, công ty Đa Nhim chế biến ra những sản phẩm nông sản mang đặc trưng phố nhỏ D’ran và được thị trường ưa chuộng. Công ty TNHH Nông sản Đa Nhim đã xây dựng sản phẩm OCOP và mặt hàng hồng sấy của doanh nghiệp đã được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2019. Anh Thanh cũng công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh góp phần giúp cho trái hồng D’ran có nhiều lợi thế hơn trong việc đăng kí bảo hộ thương hiệu, chứng nhận truy xuất nguồn gốc, mở rộng thị trường… từ đó đem lại giá trị cao hơn cho quả hồng ở Đơn Dương. Đồng thời, Đa Nhim đang mở rộng thị trường với mục tiêu cao hơn, đó là xuất khẩu. Chị Yến Vinh cho biết, doanh nghiệp đã đăng kí trên sàn thương mại điện tử Alibaba - sàn thương mại điện tử lớn đang hoạt động tại trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chị cho hay, sau khi nhà xưởng chuẩn hóa, doanh nghiệp sẽ hướng sản phẩm tới người tiêu dùng quốc tế. Đôi vợ chồng ở D’ran khát khao việc đưa trái hồng địa phương trở thành thương hiệu mạnh tại Việt Nam và đến với thị trường quốc tế, như lời tri ân với vùng đất quê hương. 

http://baolamdong.vn/