Với khát vọng đưa tơ lụa Bảo Lộc bay xa, thời gian qua, nhiều nỗ lực và giải pháp sáng tạo được chính quyền, người dân và doanh nghiệp tại “thủ phủ tơ lụa Việt Nam” triển khai. Quá trình cải tiến, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá rộng rãi hình ảnh... góp phần đưa tơ lụa Bảo Lộc đến với khách hàng trong và ngoài nước.
Nâng tầm tơ lụa Bảo Lộc
Thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) là trung tâm sản xuất tơ lụa lớn nhất Việt Nam. Hiện địa phương có 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tơ lụa. Mỗi năm, sản lượng tơ của TP Bảo Lộc đạt khoảng 1.000-1.200 tấn, sản lượng lụa đạt 3,5 triệu m2, chiếm 80% sản lượng tơ lụa cả nước. Tơ lụa Bảo Lộc hiện được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc...
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành tơ lụa Bảo Lộc hiện còn nhiều khó khăn do công nghệ sản xuất lạc hậu, nguồn giống phụ thuộc vào nước ngoài, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế... Vì vậy, việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường đang trở thành vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với ngành tơ lụa Bảo Lộc vốn đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong hơn nửa thế kỷ hình thành, phát triển.
Ông Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc công ty TNHH tơ tằm Nhật Minh (có trụ sở tại Phường 1, TP Bảo Lộc), cho rằng: “Trong ngành tơ lụa thì khâu ươm tơ có vai trò đặc biệt quan trọng. Từ những chiếc kén ban đầu, người ươm phải biết lọc ra tơ nõn, gốc rũ, đũi, tơ so... để làm nguyên liệu dệt nên nhiều loại vải khác nhau. Với sản lượng tơ khoảng 60 tấn/năm, công ty luôn tự hào là nhà ươm tơ có chất lượng hàng đầu. Điều này được minh chứng qua việc chúng tôi chỉ sử dụng kén tằm tại Bảo Lộc và vùng phụ cận nhằm thu được những sợi tơ đều, bền, đẹp, sạch. Hiện, chúng tôi đang cung cấp tơ tằm chất lượng cao với số lượng lớn cho đối tác Nhật Bản và nhiều công ty dệt lụa trong nước. Chúng tôi còn hợp tác với các kỹ sư, họa sĩ, nhà thiết kế thời trang trong nước nghiên cứu, sản xuất ra nhiều loại vải mang hoa văn, màu sắc, chất liệu độc đáo; sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên để nhuộm vải; chiết xuất các hoạt chất quý từ kén tằm nhằm sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... góp phần gia tăng giá trị cho ngành tơ lụa”.
Công ty TNHH Dệt tơ tằm Vietsilk (TP Bảo Lộc) là đơn vị dệt lụa lớn nhất cả nước với sản lượng khoảng 100 tấn/năm. Hiện, 100% sản phẩm lụa của công ty đều xuất sang thị trường Nhật Bản. Để được chấp nhận tại thị trường tiềm năng nhưng vô cùng khó tính này, mỗi tấm lụa của công ty phải trải qua các công đoạn sản xuất cầu kỳ, nghiêm ngặt. “Do tất cả lụa chúng tôi xuất sang Nhật đều được sử dụng để may trang phục truyền thống kimono nên khổ lụa chỉ rộng 40cm, các hoa văn dệt theo yêu cầu của đối tác. Tơ để dệt vải phải là sợi tơ tằm tự nhiên có chất lượng tốt nhất. Sau khi dệt, mỗi tấm vải đều được kiểm tra kỹ trước khi xuất khẩu", ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc công ty chia sẻ.
Sứ giả văn hóa
Bên cạnh ý nghĩa kinh tế, ngành tơ lụa còn mang đậm nét văn hóa dân tộc, được phản ánh qua bề dày lịch sử của nghề tằm tang, lối sống, phương thức sản xuất và những tri thức, sáng tạo của cư dân làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Vì vậy, việc khai thác, ứng dụng vẻ đẹp tơ lụa vào các sản phẩm và hoạt động văn hóa là hướng đi phù hợp nhằm quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu tơ lụa Bảo Lộc. Đồng chí Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc cho biết: “Định kỳ 2 năm/lần, cùng với lễ hội Festival Hoa Đà Lạt do tỉnh Lâm Đồng tổ chức, TP Bảo Lộc đều tổ chức "Tuần văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc". Theo đó, rất nhiều hoạt động đặc sắc như hội thi hái dâu, tham quan các mô hình nuôi tằm, xe tơ, dệt vải; biểu diễn thời trang tơ lụa được tổ chức. Hiện thành phố đang triển khai thực hiện “Trung tâm văn hóa tơ lụa Bảo Lộc”. Trong tương lai, đây sẽ là nơi giới thiệu quy trình sản xuất cùng những sản phẩm đặc sắc của tơ lụa Việt Nam, giúp khách phương xa khi tới Bảo Lộc có cơ hội trải nghiệm hoặc mua được sản phẩm tơ lụa với chất lượng tốt nhất”.
Những năm qua, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh đã sử dụng rất nhiều tơ lụa để thiết kế các sản phẩm thời trang, đồng thời tổ chức hàng chục buổi biểu diễn thời trang trong và ngoài nước nhằm giới thiệu vẻ đẹp của lụa Bảo Lộc. Bà cũng chính là người đứng ra kết nối, vận động các doanh nghiệp xe tơ, dệt lụa thành lập Vietnam Silk House (ngôi nhà tơ lụa Việt Nam) với hệ thống cửa hàng đặt tại nhiều thành phố trong cả nước. “Tơ lụa gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của người Việt hàng nghìn năm qua. Là yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, việc nhìn nhận và sử dụng tơ lụa như một “sứ giả văn hóa” trong các sự kiện văn hóa, ngoại giao là hướng đi phù hợp nhằm giới thiệu tơ lụa Bảo Lộc với thị trường thế giới. Những buổi biểu diễn thời trang tơ lụa do chúng tôi thực hiện tại các quốc gia như: Italy, Nga, Nhật Bản... luôn nhận được sự ngưỡng mộ, yêu thích của các chuyên gia, bạn bè quốc tế”, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh khẳng định.
Sau thời gian dài suy thoái, ngành tơ lụa Bảo Lộc đang hồi sinh mạnh mẽ nhờ tâm huyết, nỗ lực của những người có tình yêu, trách nhiệm. Tuy nhiên, để tơ lụa trở thành một trong những sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao rất cần sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn của Nhà nước, sự kiên định của những người làm nghề, không vì một chút lợi ích trước mắt mà đánh rơi chữ tín, phải tăng cường khâu thiết kế, tạo mẫu, đưa tơ lụa trở nên phổ biến trong ngành thời trang ứng dụng. Điều quan trọng là trên con đường hội nhập với thế giới, tơ lụa Bảo Lộc cần có lối đi riêng. “Chúng ta không thể chạy theo các nước về máy móc công nghệ nhưng có thể tạo nên những sản phẩm đẳng cấp, khác biệt, giá trị bằng những bí quyết và phương pháp truyền thống. Ví dụ, vải đũi, một loại vải đẹp và rất cao cấp có thể may âu phục và nhiều loại trang phục khác, thì khâu ươm tơ phải thực hiện thủ công. Hay như việc sử dụng các loại cây cỏ tự nhiên có xuất xứ trong nước thay cho thuốc nhuộm công nghiệp. Đó chính là cách mà ngành tơ lụa Bảo Lộc cần hướng tới trên con đường hội nhập, phát triển”, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh gợi ý.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG