Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Tìm về Miền ký ức

  • 14/09/2022
  • s 10:42

Nơi ấy, người lạ tìm đến để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng Tây Nguyên qua các vật dụng gắn chặt với đời sống sinh hoạt và lao động trước kia của cư dân bản địa, người quen tìm về để gặp lại những thứ tưởng chừng quá đỗi bình thường cách nay vài thập niên nhưng giờ đây đang có nguy cơ trở thành dĩ vãng. Nơi ấy, phòng trưng bày Miền ký ức, số 30 Nguyên Tử Lực, TP Đà Lạt, Lâm Đồng.

Chủ nhân Phòng trưng bày Miền ký ức Nguyễn Quốc Dũng giới thiệu về dụng cụ bắt ối của người Tây Nguyên.

Anh Nguyễn Quốc Dũng bên bộ cồng chiêng do anh sưu tầm.

Chính những di sản vật thể và phi vật thể làm nên bản sắc mỗi tộc người, khu biệt văn hóa của tộc người này với văn hóa của tộc người khác. Bản sắc văn hóa là bộ mặt của một cộng đồng người (xét ở bình diện hẹp), cũng là bộ mặt của một quốc gia (xét ở bình diện rộng). Do vậy, tính khác biệt đó, rất cần được trân trọng gìn giữ, trước những bước đi của thời cuộc. Bởi ai ai cũng biết, quá trình đô thị hóa và toàn cầu hóa luôn mang trong mình nhiều dịch đổi để một mặt xác lập nên các giá trị mới, mặt khác cũng hằn sâu thêm sự rạn vỡ những giá trị đã được người xưa xác lập trong quá khứ.

Từ suy nghĩ này, anh Nguyễn Quốc Dũng, Thư ký Câu lạc bộ UNESCO sưu tầm và bảo tồn cổ vật tỉnh Lâm Đồng đã bỏ công sưu tầm hàng ngàn hiện vật gồm các công cụ sản xuất, vật dụng săn bắt (trên cạn và dưới nước), những bộ trang phục và trang sức mang đậm dấu ấn con người, miền đất, văn hóa Tây Nguyên. “Có thể với nhiều người, những vật dụng làm từ vật liệu tre, mây, song... của cộng đồng các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên là những thứ rẻ tiền, mau hỏng. Tôi thì không nghĩ như vậy! Giá trị mà chúng mang lại không phải về mặt tiền bạc, chính là văn hóa - văn hóa rẫy, rừng. Chúng càng mau hỏng, càng phải giữ gìn cẩn thận”, anh Dũng chia sẻ.

Bằng tâm thế lắng nghe và chiêm nghiệm, anh trực tiếp tham gia trải nghiệm cùng cư dân bản địa, xem cách người Tây Nguyên tỉ mỉ tạo ra các họa tiết trên những tấm thổ cẩm, nhìn người Tây Nguyên kỳ công dệt nên các hoa văn trên thân gùi, ngắm người Tây Nguyên chăm chú đẽo gọt từng chiếc nỏ từ thân cây gỗ quý, dõi mắt trông người Tây Nguyên ủ lửa vào gốc gỗ lớn bị rỗng ruột để tạo ra một cái tang trống có đường kính 93 cm, rồi tìm hiểu cách người Tây Nguyên chế tác các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất, săn bắt..., sau đó học cách sử dụng chúng. Từ những trải nghiệm của bản thân, anh Dũng hiểu rằng giá trị của các vật dụng do người Tây Nguyên làm ra là không thể đong đếm. Bởi những vật dụng ấy, người Tây Nguyên đã gửi trọn tình cảm yêu thương và tất cả sự say mê sáng tạo. “Tôi đặc biệt ấn tượng với công năng sử dụng tối ưu của các vật dụng nơi đây, cũng như tính mỹ thuật rất cao của chúng. Mỗi vật dụng là một câu chuyện văn hóa, một nỗ lực đi đến sự hoàn thiện trong công năng. Mỗi họa tiết trang trí ở trên đó là một tài hoa, một gắng sức đạt tới giới hạn của cái đẹp trong khả năng cho phép”, anh Dũng tâm sự.

Yêu và hiểu văn hóa vật thể Tây Nguyên nên với anh, những chiếc gùi tre ám khói không chỉ là các vật thể, còn chất chứa rất nhiều giọt mồ hôi thao thức của nghệ nhân. Cũng vậy, qua những chiếc nỏ ngả màu nâu đen, anh Dũng có thể nghe như tiếng bước chân đi hoang của muông thú, cả chiếc ché kia nữa dường như có giọng nói khê rền của già làng và chiếc khung cửi như mang theo lời ru ngọt mềm của mẹ, chiếc trống da trâu như vang vọng những âm thanh dịp lễ hội, những chiếc cồng chiêng ủ ấm lời thần linh...

Chủ nhân Phòng trưng bày Miền ký ức Nguyễn Quốc Dũng giới thiệu về dụng cụ bắt ối của người Tây Nguyên.

Tất cả cố kết, đan quyện thành một không gian văn hóa, văn minh thảo mộc. “Ngoài các hiện vật là những công cụ sản xuất và sinh hoạt của người Tây Nguyên kể trên, tôi còn sưu tầm hơn 500 cổ vật gốm, cùng các vật dụng trang sức khác như còng, lục lạc, vòng, nhẫn... Trong số này, chiếc ché mẹ bồng con và chiếc ché đặc thù Chămpa có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ X, cùng với cặp ché Trung Hoa cỡ lớn với niên đại từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, bên cạnh dòng gốm ceradon (chế tác từ bột đá cẩm thạch)”, anh Dũng cho biết.

Mải mê nhìn ngắm các hiện vật đang rỉ rả kể lại câu chuyện lịch sử của riêng mình trong phòng trưng bày Miền ký ức, khách tham quan không khỏi thán phục nỗ lực sưu tầm kỳ công của chủ nhân phòng trưng bày và thêm yêu một con người dám đánh cược hơn 20 năm tuổi thanh xuân đi gom nhặt hàng ngàn hiện vật truyền thống Tây Nguyên để lưu giữ. Rất nhiều vật dụng trong bộ sưu tập của anh Dũng hiện nay đã không còn thấy trong đời sống thực tế ở các bon người Tây Nguyên.

https://cadn.com.vn/