Hành trình 10 năm gắn bó với 2 loại cây ăn trái là sầu riêng và bơ 034 đã giúp anh Lê Sỹ Hòa (37 tuổi, ngụ tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm) thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Vinh dự hơn, anh cũng chính là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Nông dân Việt Nam xuất sắc Lê Sỹ Hòa bên vườn sầu riêng VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao
• MẠNH DẠN CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG
Vốn là người học chuyên ngành cơ khí, anh Lê Sỹ Hòa từng đi làm thuê nhiều năm, rồi tự mở xưởng sản xuất các loại cửa sắt và nhận thi công các công trình liên quan đến cơ khí. Thế nhưng thu nhập từ nghề cơ khí cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, không thể giúp gia đình anh bứt phá vươn lên làm giàu. Năm 2012, sau khi lập gia đình, anh Hòa được bố mẹ giao cho 1 ha đất nông nghiệp trồng chè và cà phê. Cũng từ đây, anh Hòa chuyển qua đầu tư làm nông nghiệp.
Theo anh Hòa, trước đây, Tân Lạc là vùng chuyên canh cây chè và cà phê. Song, khi được gia đình giao cho 1 ha đất vườn, anh nhận thấy nếu cứ trồng 2 loại cây này thì khó mà vươn lên làm giàu. Trong khi phần lớn người dân địa phương vẫn giữ chè và cà phê thì anh Hòa mạnh dạn tìm hiểu các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao để chuyển đổi. Khi anh đang băn khoăn tìm hướng chuyển đổi cây trồng, thì Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng triển khai chương trình hỗ trợ mua cây giống sầu riêng cho bà con nông dân. Nhân cơ hội này, anh Hòa đã đăng ký tham gia lớp tập huấn trồng, chăm sóc cây ăn trái và chọn bơ 034 cùng sầu riêng ghép giống Thái Lan để trồng thay thế vườn chè, cà phê già cỗi, kém năng suất.
“Tìm hiểu nhiều kênh thông tin, tôi nhận thấy, bơ 034 là loại cây trồng chỉ mất khoảng 3 năm trồng sẽ cho thu hoạch. Còn cây sầu riêng phải mất ít nhất 5 năm mới có thu. Đây cũng là 2 loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, nên tôi quyết định chọn cùng lúc trồng xen cả bơ 034 và sầu riêng. Ngay từ đầu, tôi đầu tư hệ thống tưới tự động và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để chăm sóc vườn cây. Đến năm 2015, sau 3 năm, bơ 034 bắt đầu cho thu hoạch. Thời điểm đó, bơ 034 còn khan hiếm và được người tiêu dùng ưa chộng nên có thời điểm lên đến 180 ngàn đồng/kg. Có thu nhập, tôi đầu tư thêm vườn ươm cây giống; đồng thời, mở cơ sở thu mua nông sản. Nhờ nguồn thu nhập ổn định và được sự hỗ trợ của gia đình, tôi đầu tư mua thêm 4 ha đất sản xuất nông nghiệp để mở rộng diện tích theo quy mô trang trại”, anh Hòa tâm sự.
Từ những thành công bước đầu, anh Hòa đã đăng ký các gói vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tiếp tục chọn bơ 034 và sầu riêng ghép để trồng. Cứ thế, vượt qua không ít khó khăn, mô hình sản xuất cây ăn trái (bơ và sầu riêng) theo quy trình VietGAP công nghệ cao được anh Hòa nhân rộng trên diện tích 5 ha.
• HÁI QUẢ NGỌT
Qua trải nghiệm thực tế, chúng tôi ghi nhận mô hình cây ăn trái của ông chủ trẻ Lê Sỹ Hòa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiện đang hướng đến quy trình hữu cơ. Vườn cây được quy hoạch bài bản với hệ thống tưới tự động điều khiển bằng điện thoại di động; quy trình chăm sóc, quản lý được hệ thống khoa học trên từng gốc sầu riêng, bơ.
Ông Võ Pháp Luật - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lạc (huyện Bảo Lâm), cho biết: “Mô hình trồng sầu riêng và bơ 034 của anh Hòa là mô hình đi đầu trong sản xuất VietGAP để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế tại địa phương. Đây cũng là mô hình thu hút đông đảo bà con nông dân trên địa bàn xã Tân Lạc nói riêng và huyện Bảo Lâm nói chung tìm đến học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế sản xuất.”.
Nói về việc trồng xen cùng lúc 2 loại cây ăn trái sầu riêng và bơ 034, anh Hòa cho hay, mùa thu hoạch 2 loại cây này không trùng nhau. Mỗi năm, sau khi thu hoạch xong bơ thì đến thu hoạch sầu riêng nên hiệu quả mang lại sẽ cao hơn việc chuyên canh 1 loại cây. Đến hiện tại, hơn 3.000 cây bơ 034 của gia đình anh Hòa đều đã cho thu hoạch, với sản lượng từ 60 - 65 tấn/năm. Đối với cây sầu riêng có 2 ha đã cho thu hoạch với sản lượng đạt gần 40 tấn/năm. Diện tích sầu riêng còn lại sẽ cho thu hoạch trong những năm tới.
“Năm nay, đối với bơ 034 tuy giá có giảm hơn những năm trước, nhưng sầu riêng lại bán được giá cao. Hiện tại, sầu riêng bán tại vườn với giá từ 55 - 60 ngàn đồng/kg. Ước tính, doanh thu từ sầu riêng, bơ và sản xuất cây giống của gia đình tôi năm nay đạt khoảng 6 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 3,6 tỷ đồng. Để có được nguồn thu nhập ổn định như hiện nay, gia đình đã đầu tư biết bao công sức, vốn liếng và đặc biệt, tôi đã gửi trọn tâm huyết, niềm tin vào hướng đi mình đã chọn. Tôi rất vinh dự là 1 trong 100 nông dân toàn quốc được trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022”. Đây là động lực lớn để tôi tiếp tục cố gắng, phấn đấu gặt hái thêm nhiều thành công trong thời gian tới”, anh Hòa chia sẻ.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Lê Sỹ Hòa còn tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, hỗ trợ 17 hộ dân tại địa phương về cây giống, kỹ thuật để đầu tư chuyển đổi cây trồng phát triển kinh tế. Ông Lê Hồng Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lâm, đánh giá: “Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Hòa còn tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các hộ nông dân khác để cùng làm giàu, nâng cao nguồn thu nhập; luôn tích cực tham gia các hoạt động và phong trào do huyện Hội và địa phương tổ chức. Anh Hòa là tấm gương nông dân tiêu biểu áp dụng thành công chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, rất xứng đáng để mọi người học tập, noi theo”.
http://baolamdong.vn/