Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025.
Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá, sau gần 2 năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo... đã có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 77,67 triệu đồng (tăng 14,77 triệu đồng so với năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, riêng hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2%, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 92% (tăng 2% so với năm 2020), tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 91%, tăng 0,5%; toàn tỉnh có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo thống kê, năm 2022, tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện 3 chương trình MTQG trên 408 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là gần 242 tỷ đồng, đối ứng ngân sách địa phương trên 166 tỷ đồng. Giá trị giải ngân tới tháng 1/2023 là trên 330 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch. Trong khi đó, tổng số vốn phân bổ năm 2023 trên 446 tỷ đồng với ngân sách Trung ương trên 274 tỷ đồng và đối ứng ngân sách địa phương trên 171 tỷ đồng. Giá trị giải ngân tới hết tháng 1/2023 mới đạt gần 8 tỷ đồng, đạt 1,74% kế hoạch.
Để thực hiện tốt việc lồng ghép, huy động nguồn lực thực hiện chương trình, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các đề án, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, triển khai lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các chương trình MTQG, như: cơ chế hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ vật tư”; quy định mức hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã; hỗ trợ phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ…
Phát huy những kết quả đạt được, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Trong đó, năm 2023, tỉnh đặt ra mục tiêu cụ thể là tỷ lệ nghèo đa chiều (bao gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) giảm từ 1 - 1,5% (tương ứng giảm từ 3.415 - 5.125 hộ). Cả tỉnh phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2,5 - 3% (tương ứng giảm từ 2.014 - 2.416 hộ). Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tối thiểu bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh. Giải quyết cơ bản vấn đề ổn định dân cư, dân di cư tự do, vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất…
Mặc dù có nhiều thành tích, dấu ấn đáng ghi nhận nhưng theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp tại Hội nghị trực tuyến các tỉnh vùng Tây Nguyên về công tác thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (diễn ra ngày 10/2 tại tỉnh Gia Lai, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì), vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là việc thực hiện quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn khác của các bộ chủ quản... nên hầu hết các địa phương, các chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chậm giải ngân vốn được giao theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 09/8/2022. Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình của các bộ, ngành Trung ương và tỉnh chưa kịp thời đã gây lúng túng cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả các chương trình MTQG trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp đề xuất Ủy ban Dân tộc cần sớm tham mưu, ban hành các quy định hướng dẫn để địa phương thực hiện do một số định mức ngân sách Trung ương chưa được quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ để hỗ trợ như các chương trình đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Bên cạnh đó, nguồn vốn sự nghiệp cần được phân bổ theo kế hoạch trung hạn để tạo điều kiện cho địa phương chủ động hơn trong việc tổ chức thực hiện. Ngoài ra, việc quy định HĐND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ, số lượng dự án áp dụng cơ chế đặc thù làm phát sinh thủ tục hành chính. Do đó, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị sửa đổi theo hướng giao UBND tỉnh quyết định để giảm bớt thủ tục, thuận lợi trong quá trình thực hiện...
http://baolamdong.vn/