Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

  • 07/03/2023
  • s 10:25

Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Lâm Đồng đã được các cấp, các ngành hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ, từ việc số hóa các quy trình quản trị kinh doanh đến ứng dụng công nghệ, sản xuất, đổi mới sáng tạo, giao dịch thương mại; qua đó, tạo ra sản phẩm, dịch vụ tối ưu, mô hình mới cho doanh nghiệp. 

 

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 11 ngàn doanh nghiệp, trong đó, hơn 8 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động và kê khai thuế, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Có khoảng 500 doanh nghiệp công nghệ số (chiếm tỷ lệ 0,45%) cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin. Phần lớn các doanh nghiệp đều sử dụng nền tảng số và các dịch vụ, ứng dụng của mạng xã hội như zalopay, zalo connect, zalo shop, zalo ads, facebook... để phục vụ hoạt động nghiệp vụ, sản xuất, kinh doanh.

Ở từng lĩnh vực, các doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Với ngành Ngân hàng, đang tiến tới hạn chế dùng tiền mặt, tổng số thẻ nội địa trên địa bàn tỉnh là 1,1 triệu thẻ (tương đương 83% dân số), nhiều người trưởng thành sử dụng 2 - 3 thẻ giao dịch 2 - 3 ngân hàng. Số thanh niên 15 - 39 tuổi có tài khoản tại ngân hàng là 318.802 người (chiếm 61% trong tổng số thanh niên).

Với ngành Nông - Lâm nghiệp, công nghệ số đã được ứng dụng hệ thống quản lý thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y, chăn nuôi bằng phần mềm ứng dụng và thanh toán qua hóa đơn điện tử; ứng dụng công nghệ số vào chi trả dịch vụ môi trường rừng cho 139 tổ chức và 1.186 hộ gia đình cộng đồng nhận giao khoán bảo vệ rừng; chi trả 1.325 tài khoản điện tử giao dịch qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ứng dụng viettelpay.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng có 12 sàn giao dịch thương mại điện tử được xác nhận; 1 sàn thương mại điện tử (https://dalatproducts.com/) hoạt động trong lĩnh vực nông sản. Đang xây dựng cơ sở dữ liệu nông sản của tỉnh tại https://nongsandalatlamdong.vn; tuy nhiên, nguồn dữ liệu mở chưa kết nối được với thông tin địa lý về nông sản của Lâm Đồng. Rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào các sàn thương mại điện tử như lazada, sendo, shopee, tiki; một số doanh nghiệp xuất khẩu tham gia trên sàn quốc tế như alibaba, amazon... đưa sản phẩm hàng hóa đến đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đã tham gia sàn thương mại điện tử của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (https://voso.vn) và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (https://postmart.vn). Đã có 74.069 hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử (74.021 trên postmart; 48 trên voso.vn) đồng thời, được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng. Qua đó đã có 809 loại sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử (728 trên postmart; 81 trên voso). 

Nhằm áp dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp, hỗ trợ người dân nhận diện các sản phẩm, địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam) cấp giấy chứng nhận đăng ký mã số, mã vạch (MSMV) cho 58 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đặc sản Đà Lạt chưa có MSMV, mức hỗ trợ đăng ký MSMV và phí duy trì là 1.400.000 đồng/cơ sở; hỗ trợ phí duy trì MSMV 1 năm: 800.000 đồng/ cơ sở cho 11 cơ sở đã có MSMV. Tổ chức phổ biến các kiến thức cơ bản về MSMV, hướng dẫn áp dụng để truy xuất nguồn gốc và sử dụng MSMV cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đặc sản Đà Lạt. 

Hỗ trợ 10 doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến (website, hệ thống email, fanpages trên facebook, landing page) giúp đẩy mạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, xây dựng các tiện ích trực tuyến hỗ trợ tối đa cho khách hàng đặt, mua hàng trực tuyến, tư vấn... Tổ chức kết nối doanh nghiệp với các sàn giao dịch thương mại điện tử như amazon, tiki; tổ chức tuần lễ sản phẩm Đà Lạt - Lâm Đồng trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử https://dalatproducts.com. Đã có 8 sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng được đưa lên Trang thương mại điện tử của tỉnh Ninh Thuận (tại địa chỉ http://sanphamdiaphuong.com.vn/) gồm: cà phê Arabica Cầu Đất, ca cao hộp, dầu mắc ca, trà khổ qua, bông atiso sấy khô, bí đỏ cấp đông, đậu cove cấp đông, cao atiso. 

Ngoài ra, cả tỉnh đã có hơn 300 HTX ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, điều hành như sử dụng điện thoại thông minh, internet, máy tính, phần mềm, hệ thống nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới tự động, tưới nhỏ giọt, trồng cây trên giá thể, cơ giới hóa trong sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm, máy bay phun thuốc không người lái, gắn chíp điện tử... Qua đó, nhằm theo dõi quá trình canh tác, sản xuất, kiểm soát sinh trưởng, phòng ngừa sâu, điều tiết môi trường trong nhà kính, kiểm soát chất lượng đầu ra, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Nhiều kỹ thuật công nghệ hiện đại như: công nghệ nuôi cấy mô, công nghệ tự động hóa, điều khiển từ xa, công nghệ sấy lạnh, kho lạnh... đã được các HTX ứng dụng vào canh tác, bảo quản sản phẩm. Phần lớn HTX đầu tư trang thiết bị như máy tính, laptop, điện thoại thông minh, phần mềm kế toán, thực hiện quảng cáo trên nền tảng số của facebook, zalo, fanpage, group... để quản lý và giao dịch thương mại. Đã có 35 HTX, 4 tổ hợp tác áp dụng công nghệ tem truy xuất nguồn gốc điện tử (QR code). Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc góp phần gia tăng lợi nhuận cho HTX; giúp thay đổi nhận thức, tập quán canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất liên kết tập trung, quy mô lớn.

Các HTX vận tải hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành trình; đầu tư máy quay, thiết bị, sử dụng phần mềm để quản lý khách hàng và vận đơn hàng hóa; sử dụng phần mềm kế toán, quản lý dữ liệu; thiết bị camera giám sát hành trình để quản lý và điều hành phương tiện. Các hộ thành viên đều sử dụng điện thoại thông minh và sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ để phục vụ khách hàng...

Với phương châm “Doanh nghiệp hùng cường - Lâm Đồng phát triển”, trong thời gian tới, việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số tiếp tục được Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng cùng các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Qua đó, giúp các doanh nghiệp thực hiện số hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, hoạt động quản lý, vận hành doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu năng suất lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh, sẵn sàng mở rộng sản phẩm ra thị trường nước ngoài bằng các kênh thương mại điện tử quốc tế. 

http://baolamdong.vn/