Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

ĐÀ LẠT 130 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NHỚ ƠN CÔNG LAO NHÀ KHOA HỌC Y KHOA TS. BS ALEXANDRE YERSIN

  • 14/06/2023
  • s 16:43

ĐÀ LẠT 130 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NHỚ ƠN CÔNG LAO NHÀ KHOA HỌC Y KHOA TIẾN SỸ - BÁC SỸ ALEXANDRE YERSIN

     Tháng 12/2023 UBND thành phố Đà Lạt tổ chức Tuần lễ hoạt động kỷ niệm “Đà Lạt 130 năm hình thành và phát triển; như vậy Đà Lạt là thành phố trẻ trên Tây Nguyên; đến năm 2023 thành phố Đà Lạt đã tròn 130 năm tuổi. Trải qua chuỗi thời gian biết bao nhiêu thăng trầm, biến cố lịch sử, song với sự hòa quyện giữa phong cảnh thiên nhiên, kiến trúc độc đáo và lao động sáng tạo của cộng đồng các dân tộc Đà Lạt đã tạo nên Đà Lạt thành phố đặc trưng “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Là thành phố du lịch nổi tiếng bởi khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, môi trường sinh thái trong lành, con người hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Tất cả sự hòa quyện ấy đã tạo cho thành phố Đà Lạt một nét rất riêng. Đà Lạt đã trở thành một địa danh rất quen thuộc với mọi người Việt Nam và du khách quốc tế.

     Đà Lạt được ghi nhận hình thành từ năm 1893 khi bác sỹ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên và từ đó ông có ý kiến hết sức thuyết phục khi Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương đòi hỏi tìm một địa điểm vùng cao để xây dựng nơi nghỉ dưỡng. Từ đó, thành phố Đà Lạt dần dần hình thành và đã trải qua bao mốc thay đổi của lịch sử. Thời gian kiến tạo của Đà Lạt chưa dài so với nhiều thành phố khác trong cả nước, song với chuỗi thời gian ấy cộng với sự tích lũy đầy sáng tạo của con người qua các thời kỳ đã tạo nên một thành phố có tính đặc thù; Đà Lạt đã tự lực, tự cường phát huy lợi thế so sánh để chủ động hội nhập quốc tế.

      Thành phố Đà Lạt được ghi nhận hình thành từ năm 1893, thời điểm Bác sĩ Alexandre Yersin lần đầu tiên đặt chân đến cao nguyên Lâm Viên. Mặc dù trước thời điểm Bác sĩ Alexandre Yersin đến đã có một số nhà thám hiểm từng tới cao nguyên Langbian, tuy nhiên họ chỉ dừng lại việc phát hiện vùng đất này vốn là nơi cư trú chủ yếu của những cư dân người Cơ Ho Lạch, họ chưa có nghiên cứu kỹ và chưa được giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Song chỉ có Bác sĩ Alexandre Yersin là nhà thám hiểm được thế giới công nhận; bởi Bác sĩ Alexandre Yersin khi đến cao nguyên Langbiang đã nghiên cứu, chứng minh khoa học rất thuyết phục tính độc đáo vùng đất Langbiang huyền thoại này khác biệt với những người trước đó, sự chứng minh khoa học đã để lại dấu ấn trong lịch sử, là người khám phá, nghiên cứu và đề xuất trên cơ sở khoa học được cấp thẩm quyền công nhận. Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer quyết định tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho công chức và binh lính Pháp ở Đông Dương. Nhận được thư riêng của Paul Doumer, Alexandre Yersin đã đề nghị chọn cao nguyên Lâm Viên, nơi có khí hậu tương tự như vùng ôn đới châu Âu. Cuối tháng 3 năm 1899, đích thân Toàn quyền Paul Doumer cùng bác sĩ Yersin đã đến cao nguyên Lâm Viên để khảo sát và quyết định triển khai thực hiện dự định ban đầu.

     Dự án xây dựng thành phố bị gián đoạn vào năm 1902 khi Toàn quyền Paul Doumer trở về Pháp, mang theo cả ý tưởng về một thành phố trên cao nguyên. Phải hơn 10 năm sau, khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, nhiều người Pháp không thể trở về châu Âu trong những kỳ nghỉ, Đà Lạt mới lại được nhớ đến. Từ giữa thập niên 1910, công cuộc kiến thiết thành phố thực sự bắt đầu và ranh giới của Đà Lạt cũng được xác định về mặt pháp lý khi Hội đồng nhiếp chính Triều Đình Huế thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt ngày 20/4/1916, năm 1939 Đà Lạt chỉ có 11.500 dân, trong vòng 30 năm, nhờ những bản quy hoạch của các kiến trúc sư Ernest Hébrard và Jacques Lagisquet, một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, trường học, khách sạn... đã hình thành. Vào năm 1945, Đà Lạt đã trở thành một đô thị có không gian kiến trúc cảnh quan đẹp, có hơn 25.000 dân, giữ vai trò một trung tâm giáo dục quan trọng và một thành phố nghỉ dưỡng hấp dẫn. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam, Đà Lạt được Chính quyền Ngô Đình Diệm (1955 -1963) quy hoạch phát triển tương đối quy mô, nhiều trường học, trung tâm văn hóa và các công trình kiến trúc tiếp tục xuất hiện. Nhưng kể từ năm 1964, khi tình hình chính trị miền Nam Việt Nam không ổn định và cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, Đà Lạt cũng chịu nhiều biến động và không còn phát triển như giai đoạn trước đó.

      Sau năm 1975, giống như nhiều đô thị khác thời kỳ đầu sau chiến tranh, Đà Lạt bước vào một giai đoạn khó khăn. Nhưng từ cuối thập niên 1980, cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, thành phố Đà Lạt cũng dần hồi sinh, cơ sở hạ tầng đô thị tiếp tục được xây dựng, nâng cấp. Năm 2009, Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại I, tiếp tục giữ vai trò một thành phố quan trọng của vùng Tây Nguyên. Như vậy từ ý tưởng ban đầu là trung tâm nghỉ dưỡng đến nay Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, đang hoàn thiện hồ sơ thành phố sáng tạo toàn cầu.

       Quá trình hình thành và phát triển Đà Lạt có những nét đặc trưng của mỗi thời kỳ lịch sử, song với sự hòa quyện giữa phong cảnh thiên nhiên, kiến trúc độc đáo, tinh thần lao động sáng tạo và phong cách con người Đà Lạt đã tạo nên Đà Lạt một thành phố có nét rất riêng. Qua quá trình nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu những nét cơ bản của 03 thời kỳ: Qúa khứ, Hiện tại và Tương lai của Đà Lạt.

        Đặc điểm cơ bản thành phố Đà Lạt trong quá khứ (1893 -1975)

      Đà Lạt trong quá khứ là vùng núi rừng hoang sơ; dân cư 100% là người dân tộc gốc Tây Nguyên, chủ yếu là người Cơ Ho Lạch, là vùng đất chưa được khám phá; Bác sỹ Yersin là người có công phát hiện chứng minh khoa học, nghiên cứu tính độc đáo, khác biệt và đề xuất thuyết phục với cấp thẩm quyền quyết định Đà Lạt là trung tâm nghỉ dưỡng tốt nhất Đông Dương từ năm 1893; là tiền đề cho quá trình hình thành và phát triển Đà Lạt cho đến ngày hôm nay. Trên cơ sở khoa học và thực tiễn, chúng tôi xác định trong quá khứ Đà Lạt có 10 đặc điểm  cơ bản sau đây:

     + Đà Lạt được hình thành bởi yêu cầu nghỉ dưỡng ở Đông Dương của người Pháp; Đà Lạt trở thành khu nghỉ dưỡng tầm cỡ Đông Dương và quốc tế từ thập niên 30 của thế kỷ 20;

     + Tuy Bác sỹ Yersin không phải là người đến đầu tiên vùng đất này, nhưng Bác sỹ Yersin là người có công phát hiện giá trị cốt lõi và độc đáo về thiên nhiên của vùng đất này từ năm 1893, nghiên cứu và đề xuất Đà Lạt là trung tâm nghĩ dưỡng tốt nhất Đông Dương từ năm 1899 được cấp thẩm quyền ghi nhận là tiền đề trong quá trình hình thành và phát triển Đà Lạt cho đến ngày hôm nay;

     + Trong quá khứ, là thời kỳ thực hiện quy hoạch phát triển đô thị chủ yếu theo quy hoạch của các Kiến trúc sư người Pháp;

    + Đây là thời kỳ thành phố Đà Lạt sỡ hữu nhiều công trình biệt thự nhất tầm cỡ Đông Dương; trong đó trường Cao đẳng Đà Lạt công trình kiến trúc duy nhất ở Việt Nam được công nhận nằm trong top 1.000 công trình xây dựng độc đáo nhất ở thế kỷ 20 trên thế giới;

     + Việc trồng trọt và chăn nuôi hoàn toàn dựa vào canh tác truyền thống; mặc dù Đà Lạt đã trở thành trung tâm sản xuất rau và hoa ở Đông Dương từ thập niên 40;

     + Cảnh quan môi trường còn hoang sơ, hầu như tự nhiên, ít bị tác động của con người; ít có tình trạng san gạt đất làm nông nghiệp mà sản xuất nông nghiệp chỉ canh tác ở những nơi đất có địa hình trũng thấp và bằng phẳng hơn;

     + Việc quy hoạch đường giao thông nội thị khác với các đô thị khác không theo nguyên tắc hình ô bàn cờ như một số đô thị khác ở Việt Nam mà thiết kế chủ yếu bám theo đường lồng mức và hầu hết vẫn được giữ nguyên cho Đà Lạt như hiện nay, trong quá khứ Đà Lạt không có đèn tín hiệu giao thông;

     + Đây là thời kỳ nhập cư nhiều thành phần dân cư nhất của Đà Lạt. Đối với người nước ngoài: Pháp, Nhật, Trung Quốc...Đối với trong nước bao gồm người miền Bắc, miền Trung..;

     + Thời kỳ chiến tranh xảy ra liên tục, người dân sống không ổn định; người dân rời Đà Lạt ra đi rồi quay trở lại thành phố ngàn hoa này do ảnh hưởng bởi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Chiến tranh thế giới lần thứ hai và Chiến dịch mùa Xuân năm 1975;

     + Trong quá khứ thành phố Đà Lạt giao thông rất khó khăn, đường đến Đà Lạt chỉ có quốc lộ 20 và quốc lộ 27 và đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt; Đà Lạt được xem như ngõ cụt, vì vậy mật độ dân số không cao, do đó việc giao thương của thành phố Đà Lạt còn gặp nhiều khó khăn; tính liên kết vùng còn nhiều hạn chế, do đó Đà Lạt chưa phát huy hết giá trị tiềm năng về du lịch và nông nghiệp;

      Qua phân tích nêu trên cho thấy trong quá khứ Đà Lạt có nhiều bước thăng thầm do yếu tố lịch sử. Đà Lạt được khám phá rất sớm từ năm 1893 do Bác sỹ Yersin phát hiện, nghiên cứu và đề xuất cấp thẩm quyền, trung tâm nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, song do chiến tranh kéo dài, vì vậy việc đầu tư hạ tầng chưa được tập trung; kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với kỹ thuật canh tác truyền thống, còn du lịch tuy có thương hiệu nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; khả năng liên kết vùng rất hạn chế, dân cư thường xuyên biến động, do đó trong quá khứ Đà Lạt vẫn là thị xã trực thuộc tỉnh Tuyên Đức, là phố núi còn hoang vắng chưa được khai thác đúng tiềm năng vốn có mà thiên nhiên ban tặng vô giá cho thành phố Đà Lạt.

10 đặc điểm cơ bản thành phố Đà Lạt trong hiện tại (1976-2020)

      Trong quá trình hình thành và phát triển, đến năm 2020 thành phố Đà Lạt có nhiều lần triển khai các đề án, chương trình chỉnh trang đô thị, quy hoạch đô thị để phù hợp với yêu cầu phát triển, là một trong những thành phố tổng số đề án chỉnh trang đô thị, thực hiện quy hoạch nhiều so với nhiều thành phố khác quá trình hình thành phát triển (quy hoạch thời Pháp, quy hoạch thời Diệm và các quy hoạch của các cấp thẩm quyền nhà nước từ năm 1976-2020). Đến nay Đà Lạt trở thành đô thị loại I; tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng. Trên cơ sở khoa học và thực tiễn, chúng tôi xác định trong hiện tại Đà Lạt có 10 đặc điểm cơ bản sau đây:

     + Đà Lạt là thành phố trẻ, song trong quá trình hình thành và phát triển là một trong những thành phố có nhiều đồ án quy hoạch thành phố nhất: đến nay có 13 kế hoạch chỉnh trang đô thị, đồ án, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.. điều này cho thấy thành phố Đà Lạt có sự biến động liên tục, từ yêu cầu thực tiễn cần có những quy hoạch phù hợp để phát triển thành phố bền vững trong quá trình phát triển biến động dân cư, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế;

     + Đà Lạt là một trong những thành phố có độ cao cao nhất khu vực Đông Nam Á, có độ cao 1.500 – 1.600 m so với mặt nước biển, do đó du khách dù chưa đến Đà Lạt bao giờ nhưng qua thông tin được biết tại Đông Nam Á có thành phố ở độ cao như thế thì họ sẽ biết nơi đây có vùng khí hậu mát mẻ quanh năm và môi trường sinh thái tuyệt vời;

     + Đà Lạt trong quá khứ là thị xã của tỉnh Tuyên Đức, tuy nhiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, do yêu cầu phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Lạt trở thành đô thị loại I, tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng;

     + Đà Lạt là một trong những thành phố có diện tích rừng chiếm tỷ trọng cao trong diện tích tự nhiên, đây là một trong những tiêu chí cực kỳ quan trọng cho việc quy hoạch và phát triển thành phố mang tính bền vững, thành phố xanh, thành phố trong rừng, rừng trong thành phố;

     + Đà Lạt là thành phố trẻ, do đó chưa bị lỡ cơ hội thu hút đầu tư, tiếp nhận công nghệ lạc hậu so với thời đại, nguồn tài nguyên thiên nhiên còn dồi dào, môi trường chưa bị ô nhiễm. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn để phát triển thành phố theo mô hình thành phố xanh, đô thị sinh thái, thành phố thông minh;

     + Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện thí điểm về mô hình: “làng đô thị xanh” đầu tiên trong cả nước;

     + Đà Lạt không chỉ tiếp tục phát huy lợi thế về phát triển du lịch trong quá khứ và hiện tại mà trong hiện tại đã tạo bước đột phá phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ có tầm quốc gia và khu vực; là địa phương đi đầu cả nước về phát triển du lịch canh nông mà trong thời quá khứ chưa xuất hiện loại hình du lịch này;

     + Trong thời hiện tại tuyến đường sắt từ Tháp Chàm – Đà Lạt có nhiều khác biệt về công nghệ không được duy trì khai thác như trong quá khứ; song được đầu tư mới tuyến đường QL 27C kết nối thành phố Đà Lạt và thành phố Nha Trang và mở rộng nâng cấp QL 20;

     + Trong quá trình phát triển đô thị Đà Lạt trong quá khứ đến trong hiện tại, Đà Lạt là một trong rất ít thành phố trên thế giới không có đèn tín hiệu giao thông, đây cũng là nét đặc trưng riêng có của thành phố Đà Lạt;

     + Nhằm phát huy lợi thế về du lịch nghĩ dưỡng Đà Lạt là một trong những thành phố được quy hoạch các khu du lịch trọng điểm của quốc gia và của tỉnh có quy mô lớn. Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch khu du lịch hồ Tuyền Lâm là khu du lịch quốc gia đầu tiên ở Việt Nam (2.944 ha); khu du lịch Đankia – Suối Vàng (4.000 ha) có quy mô diện tích lớn, tạo tính độc đáo và cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc cảnh quan cho thành phố Đà Lạt có các khu du lịch quy mô hiện đại và tầm cỡ so với các thành phố khác ở Việt Nam và trên thế giới.

     Quá trình phát triển Đà Lạt đã, đang và sẽ thu hút đầu tư hình thành các trung tâm thương mại đẳng cấp, phát triển các dự án khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.Với yêu cầu thực tiễn vừa phát triển đô thị, vừa bảo tồn di sản kiến trúc, đó là yêu cầu đòi hỏi rất cao trong quá trình phát triển đô thị Đà Lạt. Cùng với khu trung tâm đô thị gắn các làng đô thị xanh với vai trò, chức năng riêng sẽ hỗ trợ, chia sẻ áp lực về phát triển đô thị của thành phố và tạo ra các mối liên kết mới trong vùng quy hoạch.

     Trên cơ sở quy mô diện tích, giá trị tài nguyên rừng, tính đa dạng sinh học cao, mật độ dân số thấp, quản lý bảo vệ tốt tài nguyên môi trường, phát huy cảnh quan kiến trúc, hiện đại hóa công nghệ thông tin, chúng ta có thể tin tưởng rằng đó là điều kiện thuận lợi để thành phố Đà Lạt có cơ hội phát triển trở thành thành phố thông minh, thành phố sáng tạo, đô thị di sản, thành phố cảnh quanthành phố carbon thấp trong tương lai.

      10 đặc điểm cơ bản thành phố Đà Lạt trong tương lai ( từ năm 2021 về sau)

     Trong quá trình phát triển, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tương lai Đà Lạt cần có sự chỉnh trang đô thị; thu hút các dự án đầu tư chiến lược, có giải pháp khai thác tiềm năng lợi thế so sánh riêng có của Đà Lạt; trong thời gian qua thành phố Đà Lạt thực hiện quyết liệt QH 704/QĐ-TTg trên cơ sở các giải pháp đồng bộ và khoa học; đồng thời hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. Việc điều chỉnh theo quan điểm đặt trong mối quan hệ không gian vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên. Trên cơ sở khoa học và thực tiễn, chúng tôi xác định trong tương lai Đà Lạt có 10 đặc điểm cơ bản sau đây:

     + Quy mô diện tích lớn hơn hiện tại rất nhiều lần; Đà Lạt là một trong những thành phố có quy mô diện tích lớn tầm quốc gia và quốc tế: đứng thứ 1 ở Việt Nam và đứng thứ 17 trên thế giới. Đà Lạt có diện tích 3.359,3 km², (thành phố Hà Nội có diện tích 3.358,9 km²); trước mắt tổ chức triển khai các nội dung theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phương án sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt trước năm 2025;

     + Khả năng liên kết vùng sẽ tốt hơn trong tương lai mang tính đột phá, bởi được đầu tư các cao tốc kết nối Đà Lạt với các tỉnh miền Đông và thành phố Hồ Chí Minh; cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột; cao tốc Đà Lạt - Nha Trang; đường Đông Trường Sơn; nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế; khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt mà trong hiện tại không có điều kiện khôi phục được;

     + Trong tương lai Đà Lạt sẽ sầm uất hơn, bởi nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án bất động sản; phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư, các dự án chỉnh trang đô thị và các dự án khu du lịch quốc gia: Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm – Đà Lạt; khu du lịch quốc gia Đan Kia – Đà Lạt; Dự án khu đô thị Prenn – Phi Nôm; Dự án khu vui chơi giải trí hồ Prenn; Dự án khu du lịch Sài Gòn- Đại Ninh; Dự án chỉnh trang đô thị phường 7, Đà Lạt;

     + Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần và sản xuất không nhà kính ở khu vực các phường trung tâm thành phố, để trồng các cây không trong nhà kính song vẫn có hiệu quả cao; đồng thời trồng bổ sung cây cảnh quan để trả lại mảng xanh; thực hiện chỉnh trang đô thị, phát triển mạnh ngành công nghiệp nhân giống cây trồng, bố trí quỹ đất nông nghiệp phù hợp đảm bảo cảnh quan đô thị đúng nghĩa với đô thị cảnh quan; đô thị sinh thái thông minh;

     + Trong tương lai sẽ xuất hiện các ngành mới mang tính sáng tạo như công nghiệp giải trí, kiến trúc, công nghiệp âm nhạc, công nghiệp thời trang, công nghiệp điện ảnh, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp ẩm thực…; xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo tham gia chuỗi thành phố sáng tạo toàn cầu.

     + Trong quá khứ đến trong hiện tại Đà Lạt là một trong rất ít thành phố trên thế giới không có đèn tín hiệu giao thông; tuy nhiên do yều cầu phát triển du lịch, có số lượng du khách ngày càng đến Đà Lạt sẽ đông hơn; đồng thời thực hiện đề án xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh vào năm 2025; năm 2021 UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì với UBND thành phố Đà Lạt khảo sát các nút giao, trên cơ sở đó UBND thành phố Đà Lạt đã lắp đặt đèn tín hiệu giao thông; đồng thời phát triển năng lượng tái tạo: điện gió, điện mặt trời với quy mô lớn mà trong quá khứ và hiện tại chưa xuất hiện ở thành phố Đà Lạt;

     + Thành phố Đà Lạt trong tương lai sẽ trở thành thành phố đa chức năng theo xu thế thời đại hiếm có thành phố nào trên thế giới có được như: thành phố thông minh, thành phố sáng tạo, thành phố di sản, thành phố cảnh quan và thành phố carbon thấp;

     + Tổ chức mạnh mẽ công tác chỉnh trang đô thị thông qua thu hút các dự án đầu tư; đồng thời trong tương lai Đà Lạt có nhiều cơ hội liên kết vùng tốt khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Á; do đó Đà Lạt sẽ được chọn làm văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia;

     + Đà Lạt sẽ trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và du lịch canh nông mang tầm quốc gia và quốc tế;

     + Trong tương lai Đà Lạt tiếp tục phát huy trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế. Trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia. Trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia. Trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm. Trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và giải trí cấp vùng, có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước.

      Qua phân tích nêu trên cho thấy, quá trình hình thành và phát triển Đà Lạt 130 năm qua, Đà Lạt đã có nhiều thay đổi rất lớn về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng đô thị phát triển mạnh; phát triển mạnh các ngành kinh tế có lợi thế so sánh: du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghê cao; đặc biệt là dân số tăng đột biến đến 11.500 người (năm 1939), đến nay là 237.565 người (năm 2022) gấp 20,6 lần sau 84 năm. Từ một thị xã sơ khai, đến nay Đà Lạt trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, là thành phố du lịch nổi tiếng quốc gia và quốc tế được du khách trong nước và quốc tế quan tâm.

        Như vậy trong tương lai thành phố Đà Lạt sẽ là thành phố có quy mô diện tích lớn tầm cỡ quốc tế; với tính chất có nhiều sự phát triển đột phá so với quá khứ và hiện tại, đã trở thành thành phố đáng sống; bởi Đà Lạt là một trong rất ít các thành phố trên thế giới ít bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Trong tương lai Đà Lạt sẽ trở thành thành phố đa chức năng như: thành phố thông minh, thành phố sáng tạo, thành phố di sản, thành phố cảnh quan và thành phố carbon thấp theo xu thế thời đại rất hiếm thành phố nào trên thế giới có được.                               

                                                                                                      TS. Phạm S               

                                                                                     Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng